Lia, sống ở Surabaya, Indonesia đã trốn khỏi nhà cách đây 12 năm để thoát cảnh bị ba anh trai cùng cha khác mẹ lạm dụng về thể xác lẫn tinh thần. Ngay khi tìm được một công ty tuyển dụng ở Jakarta tìm người làm việc ở nước ngoài, Lia đã không chần chừ và quyết định đi khỏi quê hương, tìm con đường bình yên. "Tôi đã sống trong một gia đình tan vỡ. Và đó là lý do tại sao tôi muốn rời đi. Tôi không sợ bất cứ điều gì bởi vì chẳng có nơi nào đau đớn hơn nhà của tôi đâu", Lia nhớ lại.
Lia, người đến Hong Kong giúp việc từ năm 14 tuổi.
Vào thời điểm đó, nếu nhìn hoàn cảnh của Lia thì mọi người sẽ cảm thấy không có gì lạ lẫm so với những người phụ nữ khác cũng tìm đến công ty xin việc. Nhưng có một điều khiến mọi người sửng sốt, đó là lúc ấy Lia chỉ mới 14 tuổi. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng làm khó gì các công ty tìm việc.
Họ đã quyết định làm giả mạo giấy tờ, khai gian cho Lia thành 18 tuổi. Thế nhưng, tuổi này vẫn chưa đủ để làm việc ở nước ngoài theo quy định là 21 tuổi. Vì vậy, công ty đã làm cho Lia hộ chiếu để đi du lịch đến Macau và làm việc bất hợp pháp. Từ đây, cuộc đời của Lia đã rẽ sang một hướng khác.
Tại Macau, Lia được đưa đến làm giúp việc tại một gia đình. Từ sáng tinh mơ, chủ đã bắt cô dậy và làm những công việc cơ bản. Ngoài việc phải lau chùi thẩm mỹ viện ba tầng, Lia còn bị bắt làm mọi thứ như nấu ăn, giặt giũ, thường xuyên mát xa cho bà chủ. Mỗi ngày công việc ngày càng nặng nề khiến Lia trở nên kiệt sức.
Việc không biết tiếng cũng là trở ngại lớn, Lia thường xuyên bị chủ la mắng, thậm chí là đánh đập. Lia đã từng bỏ trốn khi chủ nhân nhốt cô trong phòng tắm suốt một đêm vì không chuẩn bị bữa ăn cho những chú chó. Sau đó, Lia đã liên hệ với công ty tuyển dụng nhờ giúp đỡ nhưng đã bị từ chối.
Những người giúp việc ở Hong Kong.
Các nhà hoạt động cho biết, mỗi năm có hàng trăm bé gái như Lia bị buôn sang nước ngoài như Hong Kong, Singapore và một số nước Châu Á khác để làm ô sin thông qua các công ty môi giới làm giả mạo giấy tờ. Bản thân Lia cũng biết rằng có hơn 200 người giúp việc độ tuổi vị thành niên giống như cô. Tổ chức Lao động Quốc tế định nghĩa, buôn bán trẻ em là việc đưa trẻ đi sang nước ngoài với mục đích bóc lột lao động.
Điều làm cho hoàn cảnh của những đứa trẻ như Lia càng trở nên đáng thương hơn khi chúng là nạn nhân thứ 2 bởi luật pháp ở đất nước mà chúng tới làm việc. Tại những nơi này, người lao động nếu như bị phát hiện sử dụng hộ chiếu giả sẽ bị phạt tù 14 năm. Cũng chính vì sợ bị phạt mà rất nhiều đứa trẻ lao động dưới tuổi vị thành niên khi bị chủ lạm dụng về tinh thần lẫn thể xác cũng không dám lên tiếng.
Erwiana, thiếu nữ Indonesisa bị chủ nhân Hong Kong hành hạ đến thân tàn ma dại.
Erwiana, sinh năm 1991, quốc tịch Indonesia, đã từng bị một người chủ hành hạ dã man từ tháng 5/2013 đến tháng 1/2014. Không giống như Lia, Erwiana vốn xuất thân trong gia đình bình thường.
Sau khi tốt nghiệp trung học, gia đình lâm vào cảnh nợ nần phá sản buộc cô phải bỏ học và tìm công việc để trang trải tiền nong. Điều này đã thúc đẩy cô nộp đơn xin làm việc ở Hong Kong, không còn sự lựa chọn nào khác, Erwiana đã buộc làm người giúp việc trong một gia đình tại đây.
Ngày 10 tháng 1 năm 2014, Erwiana khi đó 23 tuổi đã trở về quê hương trong tình trạng vô cùng nguy kịch và được cấp cứu tại bệnh viện Sragen, Java. Theo điều tra của tòa án, Erwiana đã bị chủ bạo hành khủng khiếp trong suốt thời gian làm giúp việc ở đây.
Được biết, chủ nhận đã từng nhét một ống kim loại từ máy hút bụi vào miệng khiến môi cô bị thương nghiêm trọng. Không những thế, Erwiana còn bị lột hết quần áo, dội nước lạnh và bị bắt đứng trước quạt hai tiếng đồng hồ giữa tiết trời khắc nghiệt.
Law Wang-tung, 41 tuổi, sau đó đã bị bắt giam và bị kết án 6 năm tù giam vào năm 2015.
Chủ của Erwiana là Law Wang-tung, 41 tuổi, sau đó đã bị bắt giam và bị kết án 6 năm tù giam vào năm 2015 với 18 tội danh trên tổng số 20 cáo buộc, bao gồm hành hung, đe dọa Erwiana và một nữ giúp việc khác người Indonesia. Tuy nhiên, sau 3 năm, Law đã được phóng thích, hiện không ai rõ tung tích của người phụ nữ này ở đâu.
Về phần Erwiana, sau khi được trở về từ địa ngục, cô đã nỗ lực phấn đấu và tiếp tục đi học. Năm ngoái, Erwiana tốt nghiệp Đại học ngành quản lý kinh tế và đang tích cực vận động chính phủ Indonesia xây dựng luật bảo vệ những người giúp việc ở nước ngoài.
Sơ hở về pháp lý ở Hong Kong đã trở thành miếng mồi ngon cho nhiều kẻ lợi dụng. Sở Di trú Hong Kong không yêu cầu về độ tuổi hợp pháp đối với người giúp việc ở gia đình nước ngoài, họ chỉ yêu cầu 2 năm kinh nghiệm. Sở chỉ cấm trẻ em dưới 13 tuổi làm mọi công việc, còn trẻ dưới 15 tuổi thì không được làm việc trong các ngành công nghiệp nặng như nhà máy hoặc tham gia sản xuất.
Một thiếu nữ Indonesia bị chủ Malaysia hành hung dã man.
Việc tìm người giúp việc cho gia đình vô tình mang lại món hời béo bở cho trung gian, tức là những công ty tuyển dụng, nơi từng tuyển Lia đến Hong Kong làm việc. Vì vậy, ngày càng nhiều công ty bất chấp luật để thay đổi giấy tờ và buôn trẻ em tăng lợi nhuận.
Theo luật Hong Kong, có thể truy tố các công ty về tội buôn người, nhưng tội danh có thể chứng minh dễ nhất chính là làm giấy tờ giả. Bà Sandy Wong - chủ tịch Uỷ ban Chống buôn người của Liên đoàn nữ luật sư Hong Kong cho hay, rất khó để chứng minh các công ty ở nước ngoài biết về giấy tờ giả mạo. Vì vậy, người chịu thiệt thòi nhất chính là những người lao động.
Không chỉ Hong Kong mà những nước như Singapore cũng không có luật nào bảo vệ nạn nhân buôn trẻ em khỏi bị truy tố. Các nhà hoạt động muốn chính quyền coi xem những người như Lia là nạn nhân bóc lột lao động và họ muốn có một bộ luật chống buôn người toàn diện để bảo vệ những trẻ em như Lia, những người giúp việc như Erwiana.