Ngày 29/04, Ramandeep Singh, một thiếu niên 15 tuổi người Ấn Độ đã không may qua đời vì bị trúng đạn vào đầu. Đáng nói là, vụ việc xảy ra do Singh sơ ý bóp cò khi lấy súng của bố ra nghịch để chụp ảnh tự sướng.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, khẩu súng lục 32 li của cha Ramandeep Singh được cất trong tình trạng không được khoá an toàn. Bởi vậy, khi cậu trai 15 tuổi nhìn thấy khẩu súng và nảy ra ý định chụp một tấm hình thật ngầu, cậu không để ý được đến việc chốt an toàn đã được cài chưa, chỉ biết giơ súng lên, chĩa vào đầu rồi bắn một cách vô thức.
Vì chụp ảnh tự sướng với súng lục chưa chốt an toàn, cậu bé Ramandeep Singh đã qua đời khi tuổi mới 15.
Ngay sau đó người nhà đã phát hiện ra và lập tức đưa Singh đến bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên cậu bé không thể qua khỏi. Ramandeep Singh qua đời vào chiều Chủ Nhật, chính thức ghi tên mình vào danh sách 49 người thiệt mạng do chụp ảnh tự sướng trong vòng 3 năm qua của thế giới. Cũng trong danh sách đó, Ấn Độ dẫn đầu với 19 trường hợp, chiếm gần 40% tổng số.
Cũng bởi những trường hợp tai nạn chết người hy hữu này, chính quyền thành phố Mumbai đã phải ban hành 16 khu vực cấm selfie trong phạm vi toàn thành phố.
Tại các khu vực được chỉ định, chỉ cần có bóng dáng chiếc điện thoại di động được nhấc lên theo tư thế sẵn sàng bấm máy ghi hình, cảnh sát hoàn toàn có quyền được can thiệp. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì lo nghĩ cho tính mạng những thanh thiếu niên nguyện hi sinh vì nền nghệ thuật chụp chân dung tự phát mà thôi.
Để có những tấm hình thế này, không ít thanh thiếu niên đã đẩy gia đình vào cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Trong khi đó, ở nước Nga, chính phủ thậm chí còn phải phát động chiến dịch "selfie an toàn" nhằm mục đích nâng cao ý thức, giảm thiểu nguy cơ, trường hợp thiệt mạng chỉ vì thú vui nhiếp ảnh của khách du lịch cũng như người dân trong nước.
Bài học rút ra: Đừng selfie với súng, hay bất cứ thứ gì có khả năng khiến bạn từ lành thành "lặn", kể cả chúng có được bảo vệ an toàn hay không. Đừng như cậu bé Ramandeep Singh.