Thi vào lớp 10 THPT TP.Hồ Chí Minh: Chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình" khó hay dễ?

PV, Theo VNMedia 12:17 06/06/2024

Chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình" của đề khá hay, độ phân hoá của đề thi rất tốt; do vậy, dự kiến phổ điểm trung bình dao động từ 6.25 - 7.5 điểm…

Thi vào lớp 10 THPT TP.Hồ Chí Minh: Chủ đề Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình khó hay dễ? - Ảnh 1.

Nhận xét chung về đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 THPT công lập tại TP. Hồ Chí Minh, cô Vương Thúy Hằng – Giáo viên Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, cấu trúc đề thi của năm nay tương tự năm 2023-2024, gồm có 03 câu và (theo trục chủ đề và đọc hiểu 2 văn bản). Chủ đề “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình” của đề khá hay, độ phân hoá của đề thi rất tốt; do vậy, dự kiến phổ điểm trung bình dao động từ 6.25 - 7.5 điểm.

Đối với Câu 1, phần đọc hiểu, cô Vương Thúy Hằng đánh giá, ngữ liệu được lựa chọn khá tốt; các câu hỏi khai thác ngữ liệu kiểm tra được cả kĩ năng đọc hiểu và kiến thức Tiếng Việt của thí sinh. Vấn đề biển đảo, đất nước và tình yêu dân tộc của mỗi người tuy không quá mới mẻ nhưng cách triển khai nội dung gợi lên cho thí sinh nhiều suy nghĩ, tình cảm và cảm xúc khi tiếp cận tới vấn đề.

“Ở 3 câu hỏi đầu tiên (ý a đến ý c), thí sinh có thể trả lời nhanh và không gặp khó khăn; tuy nhiên, câu hỏi số 4 (ý d) của phần này rất hấp dẫn, đòi hỏi thí sinh cần tư duy nhanh, thể hiện sự sáng tạo của bản thân để có thể hoàn thành tốt bài làm của mình.” – Cô Hằng nêu quan điểm.

Đối với câu Nghị luận xã hội, giáo viên ngữ văn của HOCMAI cho rằng, vấn đề lí trí và tình cảm không mới nhưng vẫn luôn là thách thức cho thí sinh khi cần triển khai bài viết với dung lượng ngắn (500 chữ), cần đưa ra những dẫn chứng phù hợp, thể hiện rõ quan điểm của bản thân nhưng vẫn bao quát được luận đề.

Đối với yêu cầu này, thí sinh cần chỉ ra sự khác biệt giữa quan điểm của học giả Nguyễn Duy Cần và cách nghĩ thông thường, đưa ra những lý giải phù hợp, dẫn chứng rõ ràng từ chính cuộc sống của mình để nêu bật quan điểm về việc ứng xử trong cuộc sống, cách chúng ta nhìn nhận về những người xung quanh, những điều diễn ra trong đời sống thường nhật…

“Việc vận dụng các thao tác lập luận tốt, kết hợp với các dẫn chứng phù hợp sẽ là điểm nhấn cho bài làm của thí sinh.” Cô Hằng nói và cho biết, so với yêu cầu của năm trước, câu hỏi nghị luận xã hội về mức độ có phần nhẹ nhàng hơn khi không cần lí giải một đoạn thơ (như năm 2023), nhưng lựa chọn chi tiết, sắp xếp ý cũng là trở ngại thí sinh cần vượt qua.

Với các yêu cầu của một bài văn nghị luận xã hội, các thí sinh có thể dễ dàng đạt được khoảng 2,0 - 2,25 điểm.

Đối với câu Nghị luận văn học, vẫn theo thông lệ hàng năm, đề thi đưa ra 2 sự lựa chọn cho thí sinh.

Đề 1, theo cô Vương Thúy Hằng, với yêu cầu nêu cảm nhận về tình cảm của nhân vật bé Thu trong tác phẩm Chiếc lược ngà và làm rõ tình cảm của gia đình đối với mỗi người có thể nói là câu hỏi dễ và vừa sức với đa số thí sinh. Tác phẩm, nội dung hỏi tương đối quen thuộc nên chắc chắn nhiều thí sinh sẽ lựa chọn đề bài này trong phần thi của mình.

Đề 2, giống như các năm trước, đề bài này như một điểm nhấn, thể hiện sự khác biệt của TP.HCM so với đề thi của các tỉnh/thành phố khác; viết một bài văn thể hiện những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong mỗi người tuy khó nhưng lại là mảnh đất sáng tạo cho nhiều thí sinh nhất là các thí sinh có năng lực cảm thụ văn chương tốt, yêu thích môn Ngữ văn hoặc dự thi chuyên.

“Đề bài này cho phép thí sinh được trình bày quan điểm của mình, thể hiện cái riêng trong tư duy, cách cảm nhận riêng về văn học; đây là đề bài mở nên thí sinh chỉ cần đảm bảo về logic trong nội dung, cách trình bày hợp lí và các yêu cầu trong tạo lập văn bản để hoàn thành tốt câu hỏi.” – cô Vương Thúy Hằng giải thích.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày