Hơn 1/4 dân số Nhật Bản hiện trên 65 tuổi và tỉ lệ này sẽ tăng lên 40% vào năm 2050. Theo Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo, ước tính 30.000 người chết trong cô độc tại Nhật Bản mỗi năm.
Theo báo Washington Post (Mỹ), nhiều công ty cung cấp dịch vụ xử lý "thi thể cô đơn" ra đời và cùng các công ty bảo hiểm chào bán các gói hỗ trợ chủ nhà trong trường hợp người thuê qua đời trong nhà của họ.
Các gói dịch vụ bao gồm chi phí dọn dẹp căn hộ và bù đắp tiền thuê nhà chưa thanh toán. Một số công ty thậm chí còn trả chi phí cho nghi lễ thanh tẩy căn hộ khi công việc dọn dẹp hoàn tất.
Một chủ căn hộ ở TP Kawasaki, phía Nam thủ đô Tokyo, không mua gói bảo hiểm như thế nên đã phải chi cho Next, công ty chuyên xử lý các trường hợp chết cô đơn, 2.250 USD để dọn dẹp căn hộ của mình.
Nhân viên Công ty Next đến dọn dẹp căn hộ sau khi ông Hiroaki qua đời Ảnh: WASHINGTON POST
Ông Hiroaki - 54 tuổi, người thuê căn hộ nói trên - không trả tiền thuê nhà trong vài tháng nên đại diện công ty quản lý căn hộ đến kiểm tra. Khi mở cửa, người này phát hiện ông Hiroaki đã chết - có thể khoảng 4 tháng. Do mùi hôi thối không thoát ra nhiều nên hàng xóm không thấy gì bất thường.
Các giấy tờ thu thập được trong căn hộ rộng 18,5 m2 cho thấy ông Hiroaki đã ly hôn và là kỹ sư có thâm niên 20 năm làm việc. Tuy nhiên, ông thường làm nhân viên hợp đồng nên có thu nhập thấp và cần sự hỗ trợ của phúc lợi xã hội. Công ty Next không rõ nguyên nhân ông Hiroaki tử vong nhưng tìm thấy trong phòng nhiều toa thuốc.
Thông thường, những trường hợp chết cô độc ở Nhật là đàn ông lớn tuổi. Thi thể họ chỉ được phát hiện nhiều tháng sau đó khi hộp thư đầy, tiền thuê nhà không được trả hoặc mùi hôi thối bốc ra từ căn hộ. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp chết cô độc trong độ tuổi 40 được ghi nhận.
Hiện tượng này gia tăng do xã hội lão hóa và cấu trúc gia đình ở Nhật Bản thay đổi: Không còn cảnh gia đình 3 thế hệ quây quần trong khi người Nhật ít kết hôn hơn, nếu có thì cũng ít con hơn. "Số người sống một mình đang tăng lên nên chắc chắn số người qua đời không được lo hậu sự cũng tăng theo" - ông Masaki Ichinose, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Sự sống và cái chết ở Trường ĐH Tokyo, lý giải.
Theo chuyên gia Ichinose, đàn ông lớn tuổi rất dễ rơi vào hoàn cảnh này do họ tự tôn và không muốn nhờ vả. Còn bà Kumiko Kanno, tác giả cuốn sách về những cái chết cô đơn, cho rằng đàn ông dồn cả đời để làm việc nên khi nghỉ hưu sẽ trở nên lạc lõng với môi trường xung quanh. Tình hình nghiêm trọng hơn khi họ đã ly hôn, góa vợ hoặc chưa từng kết hôn. Viễn cảnh có thể bi đát hơn với những người trẻ ở Nhật hiện nay bởi họ cũng quá chú trọng đến sự nghiệp và không muốn lập gia đình, có con.