5h30 sáng 6/5, nhiều phụ huynh, thí sinh ngồi đợi trước khu vực thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị Trần Thị Quỳnh Hoa (Diễn Châu, Nghệ An) cùng con đi xe khách đêm hơn 300km từ Nghệ An ra Hà Nội để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực này. Ngay khi xuống đến bến xe, hai mẹ con chị bắt xe ôm chạy vào trường thi, chỉ kịp ăn tạm cái bánh mỳ. “Từ khi bị COVID-19 lần hai đến nay, sức khỏe con giảm sút nên gia đình không quá đặt nặng kết quả. Tôi vẫn động viên cố gắng thi, nếu không được thì còn cơ hội xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT”, chị Tâm nói.
Các học sinh có mặt tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội từ sáng sớm. Nguyễn Văn Nam - một học sinh lớp 12 quê Thái Bình cho biết, từ 4h sáng, cậu cùng mẹ bắt xe từ quê lên trường để dự thi đánh giá năng lực. Với ước mơ xét tuyển vào ngành sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nam đã dành 1 năm tập trung ôn tập các đề thi đánh giá năng lực các trường của các năm trước. Nam sinh hồi hộp trước khi bước vào kỳ thi.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc tuyển chọn các giáo viên tốt trong tương lai là trọng trách của các trường Sư phạm. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và hiện tại có 8 trường sử dụng chung kết quả này. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Điều này phù hợp một trong những yêu cầu của thí sinh khi vào trường là phải có kĩ năng cơ bản, phải có những trình bày, biện luận cơ bản.
Cũng theo GS Minh, đối với một kỳ thi, việc quan trọng đầu tiên là ngân hàng đề và chuẩn hoá đề, sau kỳ thi năm ngoái đến nay, nhà trường đã hoàn thiện điều này. Trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Theo Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đầu tháng 6 tới, nhà trường sẽ công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Theo đó, đơn vị này sử dụng đội ngũ chấm thi là giảng viên của 23 khoa đào tạo và giáo viên của 3 trường THPT trực thuộc. Đội ngũ cán bộ chấm thi có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi
Kỳ thi đánh giá năng lực sư phạm năm nay tổ chức ở 2 điểm thi chính: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Quy Nhơn.
Đúng 6h30, thí sinh được gọi vào phòng thi. Để đảm bảo phòng chống COVID-19, nhà trường yêu cầu thí sinh giữ khoảng cách và đeo khẩu trang suốt quá trình thi. Hồi hộp đợi thời gian phát đền, em Phùng Nguyễn Bảo Châu, học sinh Trường THPT Sáng Sơn 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, kỳ thi này, Châu dự thi môn Ngữ văn và Lịch sử với nguyện vọng vào khoa Sư phạm Ngữ văn của trường. “Để tham gia kỳ thi này, em phải viết đơn xin nhà trường tạm lùi lịch thi môn cuối cùng của kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 12 mà Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đang tổ chức”, nữ sinh nói. Châu tham gia các khóa học thêm bên ngoài về môn Lịch sử và “cày” thêm đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đầu tiên tham gia kỳ thi lớn như thế này nên nữ sinh năm 2005 khá hồi hộp, cả đêm trước khi thi không ngủ được.
Số thí sinh dự thi vào trường năm nay khoảng 4.667, trong đó 2.912 thí sinh thi Toán; 2.876 thí sinh thi Ngữ văn; 2.248 thí sinh thi tiếng Anh; 902 thí sinh thi Vật lí; 832 thí sinh thi Hóa học; 88 thí sinh thi Sinh học; 1.010 thí sinh thi Lịch sử; 289 thí sinh thi Địa lý.
Kết quả bài thi được 8 trường Đại học công nhận bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Quy Nhơn.
Trường tổ chức thi trong 1 ngày 6/5 cho toàn bộ 8 môn, mỗi môn có thời gian 60 - 90 phút. Phụ huynh tranh thủ tìm bóng mát ngồi đợi con ngoài khu vực thi, tránh cái nắng gay gắt trên 40 độ C của Hà Nội.