Thi đỗ lớp 10 chưa phải là xong: Ông bố ở Hà Nội nhắc nhở 3 điều quan trọng, bứt phá về sau được hay không từ đây mà ra

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 10:26 25/07/2024
Chia sẻ

Để đi đường xa, rất cần xây dựng sớm 1 lộ trình cụ thể cho những năm tiếp theo.

Trước và trong những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 gần như học sinh nào cũng căng thẳng và chịu rất nhiều áp lực trong học tập, thi cử; nhất là đối với các em dự thi vào lớp 10 công lập ở các thành phố lớn, nơi tỷ lệ "chọi" thường rất cao. Vì vậy, hầu hết các em đều được cha mẹ cho tận hưởng một mùa hè đúng nghĩa sau quãng thời gian vất vả.

Anh Ngô Huy Trung (Hà Nội), admin nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, cho rằng: Việc nghỉ ngơi để giải tỏa căng thẳng, áp lực là điều tốt nhưng các bố mẹ và các con cũng đừng quên nhiệm vụ. Để đi đường xa, rất cần xây dựng sớm 1 lộ trình cụ thể cho những năm tiếp theo.

Thi đỗ lớp 10 chưa phải là xong: Ông bố ở Hà Nội nhắc nhở 3 điều quan trọng, bứt phá về sau được hay không từ đây mà ra- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Anh Trung đúc kết lại một số kinh nghiệm trong việc định hướng và đồng hành cùng hai con trong giai đoạn cấp 3:

1. Cẩn thận đừng xả hơi quá đà

Đây là lỗi rất phổ biến, dễ bị mắc phải. Các bạn đã có 1 kỳ thi thành công và được quyền xả hơi. Tuy nhiên nhiều bạn nghỉ ngơi, khám phá môi trường mới, các câu lạc bộ đến tận... Tết dương lịch vẫn chưa hết. Và khi giật mình "tỉnh ngủ" thì các bạn khác đã tiến được rất xa rồi. Nguy hiểm hơn, nhiều bạn tự cho rằng "vào chuyên cấp 3 là thành công" rồi và giờ không cần phấn đầu nữa. Chuyên cấp 3 hay trường nào đi nữa cũng vẫn chưa là đích đến, nó chỉ đảm bảo bạn có môi trường tốt để tiếp tục học tập, rèn luyện mà thôi.

2. Cần xây dựng kế hoạch sớm ngay từ bây giờ

Căn cứ vào khả năng bàn thân, đam mê với môn học, định hướng gia đình... để xác định sớm mục tiêu hết cấp 3 (ngắn hạn) là gì? Có mấy hướng chính: - Thi đại học trong nước - Du học - Tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Hướng nào cũng cần chuẩn bị sớm.

* Mục tiêu là du học sau khi hết cấp 3:

Nếu đích đến là các nước nói tiếng Anh thì bắt buộc là phải học tiếng Anh, nếu đi Đức thì cũng phải học tiếng Đức từ bây giờ. Hai năm (hồ sơ phải sẵn sàng khi bước vào đầu lớp 12) là khoảng thời gian không nhiều nhưng đủ để các bạn có thể đạt được 7.0 IELTS (mốc thấp nhất hiện tại). Ngoài ra thì còn các chứng chỉ như SAT, AP, ACT .v.v. và các hoạt động ngoại khoá, CLB...

Cần vạch rõ các hoạt, động, các mốc thời gian hoàn thành... càng chi tiết cụ thể càng tốt (và có phương án dự phòng, điều chỉnh trong các trường hợp cụ thể).

Lời khuyên: Chủ động đi hỏi các đàn anh đi trước, nhưng không nên áp dụng tuyệt đối cách làm của họ vì mỗi người, mỗi thời điểm khác nhau sẽ khác nhau. Nếu còn mù mờ, cứ tự tin đi ra các trung tâm tư vấn. Sẽ có nhiều thông tin bổ ích cho bạn (miễn phí) trước khi bạn quyết định chọn trung tâm nào. Tất nhiên càng ít thông tin, càng ít thứ trong tay thì chi phí dịch vụ tư vấn sẽ càng cao.

* Thi đại học top đầu trong nước:

Bạn cần tìm hiểu kỹ các phương thức xét tuyển cho năm nay, và tất nhiên cả có gì đảm bảo là sang năm vẫn giống thế cả nên chỉ có 1 giải pháp duy nhất là bắt tay vào học chắc chắn các kiến thức nền tảng cơ bản, sẵn sàng để "nhạc nào cũng nhảy".

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT dùng để xét tuyển đại học ra (mà càng ngày sẽ càng ít trường/ít chỉ tiêu cho phương thức này) thì còn các phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, kiểm tra tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội... Đặc biệt các trường còn có các hình thức xét tuyển thẳng sử dụng điểm GPA, các chứng chỉ quốc tế như IELTS/ACT/SAT kèm với giải học sinh giỏi cấp tỉnh/TP...

Phụ huynh và học sinh cũng cần tìm hiểu thật kỹ các tổ hợp môn học trước khi đăng ký học tại trường cấp 3 để tránh tình trạng học giữa chừng lại "quay xe" sẽ rất phức tạp.

* Thi học sinh giỏi quốc gia (HSG QG):

Đây là mục tiêu vất vả nhất (so với 2 cách trên) và ... không có "bảo hành", nghĩa là dù đầu tư công sức vất vả nhưng không may trượt tuyển thì lại phải quay lại 2 phương án trên. Nếu đạt giải, học sinh sẽ được miễn thi đại học trong nước.

Đa số các bạn sẽ vẫn học song song duy trì tiếng Anh, các môn học để thi đại học khác như Toán, Lý, Hoá, Sinh... Cũng chính vì đặc thù này, nên hầu hết các bạn đều muốn dứt điểm sớm từ lớp 11 - nghĩa là lớp 11 đã đi thi/đạt giải HSG QG (kỳ thi dành cho lớp 12). Điều này có nghĩa là khối lượng kiến thức phải học lại tăng gấp đôi trong thời gian ngắn: Từ hè lớp 9 lên 10 (hiện tại) đến khi thi HSG QG vào giữa năm lớp 11 cũng chỉ có tối đa 18 tháng.

Vậy nên nếu "xả hơi" đến Tết thì không đủ thời gian. Phải bắt tay vào việc sớm. Rất nên tìm hiểu thông tin từ các bạn/các anh chị khóa trước, các phụ huynh đi trước để có thông tin đầy đủ. Điều cần nhất để có thể thành công ở mục tiêu này là: Chăm chỉ - kiên trì - đam mê chứ không hẳn là "năng lực bẩm sinh".

"Theo quan điểm cá nhân mình, thì đại đa số các bạn đã được chọn vào các trường chuyên, là các học sinh giỏi và có tố chất rồi. Rất nhiều bạn, dù cấp 1 - 2 rực rỡ, huy chương đeo đầy cổ nhưng lên cấp 3 lại chững lại (cũng có thể do hết đam mê, không còn động lực) - ngược lại thì nhiều bạn đúng kiểu 'rũ bùn đứng dậy sáng loà'... nghĩa là cấp 1 - 2 học rất bình thường, không ai biết đến nhưng vào cấp 3, gặp môi trường tốt, thầy cô tốt... tự nhiên lại có đam mê và động lực học như 'lên đồng' và đạt được các kết quả rất cao.

Theo mình, yếu tố quan trọng nhất để quyết định có theo hướng này hay không là sự tự tin, quyết tâm và đam mê", anh Trung nói.

3. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào nhà trường

Đỗ trường "xịn" chỉ là bước đầu, những định hướng và nỗ lực sau đó mới sẽ quyết định kết quả sau này có như ý hay không. Tuy nhiên, trường "xịn" lại dễ khiến nhiều học sinh ngộ nhận và "tự mãn", tưởng cứ vào được trường "xịn", top đầu... vậy thì sẽ tự động giỏi, tự động có giải quốc gia, hoặc có lợi thế tuyệt đối khi apply du học.

Không nên quá kỳ vọng rồi vỡ mộng. Nhà trường/các thầy cô cũng chỉ có thể hỗ trợ một phần, tạo môi trường tốt. Quan trọng nhất vẫn là do chính bản thân mình. Vào cấp 3, dù ở đâu cũng chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường học tập mới với nhiều thử thách, gian nan đang chờ đợi phía trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày