Theo chân Nga và Trung Quốc, Mỹ bật đèn xanh cho vaccine khẩn cấp ngừa Covid-19

Phương Anh, Theo VOV 15:26 31/08/2020

Theo Tổng thống Trump, Mỹ đang khuyến khích các nhà khoa học trong nước sớm cho ra một loại vaccine trong thời gian rút ngắn kỷ lục.

Trong khi nhiều quốc gia và các công ty thương mại đang cạnh tranh khốc liệt để bào chế thành công vaccine Covid-19, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đang chuẩn bị cấp phép nhanh một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và quan trọng nhất. Ý định “bật đèn xanh” cho ra mắt vaccine khẩn cấp ngừa Covid-19 của Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ đã ngay lập tức làm dấy lên nhiều tranh cãi, giống như thời điểm khi vaccine Sputnik V của Nga được phê duyệt.

Theo chân Nga và Trung Quốc, Mỹ bật đèn xanh cho vaccine khẩn cấp ngừa Covid-19 - Ảnh 1.

Cận cảnh loại vaccine ngừa Covid-19 “Sputnik V” do Nga sản xuất (Nguồn: AFP)

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cũng đang xem xét bỏ qua những tiêu chuẩn theo quy định bình thường của Mỹ để đẩy nhanh tiến trình cấp phép một loại vaccine ngừa Covid-19 sẽ được sử dụng tại Mỹ trước thềm bầu cử Tổng thống năm nay.

Tuyên bố Mỹ cũng có thể sớm có tin tốt lành để chia sẻ khi nước này điều chế thành công vaccine ngừa Covid-19, Tổng thống Mỹ Trump cho biết: “Trong những tháng gần đây, đất nước chúng ta cũng như thế giới này đang bị tấn công bởi một kẻ thù vô hình rất mạnh. Giống như những người Mỹ dũng cảm trước đây, chúng ta cũng đang đứng trước thách thức lớn. Nước Mỹ sẽ sản xuất vaccine trước cuối năm nay, hoặc thậm chí là có thể sớm hơn. Chúng ta sẽ đánh bại virus và đại dịch bùng phát mạnh chưa từng có này”.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ đang khuyến khích các nhà khoa học trong nước sớm cho ra một loại vaccine trong thời gian rút ngắn kỷ lục. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bật mí, nước này hiện có ba loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Mỹ cũng đang bắt tay vào sản xuất để hàng trăm hàng triệu liều vaccine Covid-19 đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mong muốn đạt được một loại vaccine thần tốc như của Nga có vẻ như mâu thuẫn với những phản ứng trước đây của Washington trước việc Moscow cấp phép vaccine ngừa Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Điều này cũng càng củng cố những quan điểm cho rằng Tổng thống Trump đang cố tình điều khiển thời hạn của công tác thử nghiệm vaccine nhằm tạo lợi thế cho mình trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump liên tục gây sức ép với FDA nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo phê duyệt vaccine trước kỳ bầu cử, Người đứng đầu FDA Stephen Hahn vừa thông báo kế hoạch cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine chống Covid-19 dù chế phẩm này chưa hoàn thành giai đoạn 3. Dù khẳng định đây là một quyết định dựa trên dữ liệu khoa học, y học và phủ nhận khả năng chính trị hóa quy trình phê duyệt vaccine, song tuyên bố của giới chức FDA vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia y tế của Mỹ cũng như giới khoa học.

Cựu giám đốc của FDA, ông Scott Gottlieb lấy làm khó hiểu trước những gì mà ông Stephen Hahn vừa tiết lộ.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và là cố vấn y tế Nhà Trắng cho rằng, việc vội vàng tung ra một loại vaccine Covid-19 có thể gây trở ngại cho những loại vaccine khác trong việc thu hút người tham gia thử nghiệm.

Trong khi đó, nhà virus học tại Đại học Columbia (New York) Angela Rasmussen và chuyên gia Eric Topol thuộc Viện Nghiên cứu Scripps cùng đồng tình với quan điểm cho rằng, việc lựa chọn lối đi tắt sẽ gây ra những hệ quả nguy hại, ảnh hưởng đến việc triển khai vaccine, làm mất niềm tin của công chúng đối với vaccine và các cơ quan quản lý.

Trước cuộc chạy đua giữa các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ để cho ra đời vaccine Covid-19, nhóm chuyên gia thử nghiệm vaccine của WHO vừa cảnh báo, việc triển khai một loại vaccine với hiệu quả thấp có thể làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19.

Nhận định, vaccine kém chất lượng sẽ tệ hơn việc không có vaccine, các chuyên gia WHO kêu gọi tất cả các cơ quan quản lý tuân thủ hướng dẫn của tổ chức này, đồng thời lưu ý những loại vaccine có hiệu quả dưới 30% không nên được phê duyệt. Nhóm chuyên gia của WHO một lần nữa nhấn mạnh, sự hợp tác toàn cầu sẽ loại bỏ chủ nghĩa dân tộc về vaccine./.