Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay

Bài: Phùng Tiên, Thuỳ Như, Theo Tổ quốc 21:14 16/11/2023

Không chỉ là nơi nghỉ dưỡng, Six Senses Ninh Van Bay còn bảo tồn loài voọc trên rừng, trồng san hô dưới biển, tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường.

Nơi người ngắm voọc, voọc ngắm người

6h sáng, chị Quỳnh - Nhà sinh vật học thuộc tổ chức GreenViet dẫn một đoàn gồm 7 người đi men theo con đường mòn được mở sẵn, xuyên qua cánh rừng bán đảo Hòn Hèo. Đi được nửa đường, chị dừng lại, ra hiệu im lặng.

“Voọc kìa! Mọi người có thấy chiếc đuôi màu trắng đang đung đưa trên cành cây không? Các bạn ấy đang đi kiếm ăn đấy”, chị Quỳnh nói. Các thành viên trong đoàn mừng rỡ khi tận mắt chứng kiến những chú voọc Chà Vá Chân Đen, một loài linh trưởng quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn và có tên trong hầu hết các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ động thực vật hoang dã của Việt Nam và Quốc tế.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 1.

Ngoài voọc Chà Vá Chân Đen, khu rừng rộng 1,5 km2 thuộc khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) còn là nhà của nhiều loài động vật quý hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) như rùa biển xanh (Vích) và cheo cheo lưng bạc. Tháng 4/2022, một loài hoa mới được phát hiện và đặt theo tên của khu nghỉ dưỡng là Six Senses Turmeric - hoa nghệ Six Senses. Khám phá này giúp nâng cao nhận thức về sự đa dạng sinh học trên đảo, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và bảo tồn một loài cây hoa quý hiếm mới trên thế giới. Đây cũng là một trong các kết quả nổi bật của Quỹ phát triển bền vững của khu nghỉ Six Senses Ninh Van Bay.

3 năm sau khi Việt Nam ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững, năm 2015, Quỹ Phát triển bền vững của khu nghỉ Six Senses Ninh Van Bay ra đời. Định hướng của quỹ là mang lại một sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn kết con người với thiên nhiên, đồng thời khuyến khích các dự án phát triển cộng đồng và bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường biển.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 2.

Giai đoạn 2018 - 2019, mong muốn khảo sát sâu hơn về hệ sinh thái động thực vật tại bán đảo Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), đại diện Quỹ phát triển bền vững thuộc Six Senses Ninh Van Bay đã chủ động liên hệ với GreenViet - Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền Trung - Tây Nguyên để tiến hành những cuộc thực địa.

Chị Quỳnh là nhà sinh vật học thứ ba được GreenViet cử đến làm việc toàn thời gian tại đây. “Khi đặt chân đến vịnh Ninh Vân, tôi rất bất ngờ vì sinh cảnh được bảo tồn rất tốt. Nguồn nước sạch và thức ăn dồi dào đã tạo điều kiện cho loài voọc sinh trưởng và phát triển ổn định”, chị nhận xét.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 3.

Bán đảo Hòn Hèo có diện tích vào khoảng hơn 160 km2, ba mặt là biển, mặt còn lại nối với dải đất liền hẹp. Nơi đây được đánh giá là khu vực có độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm, tiêu biểu là loài Voọc Chà Vá Chân Đen.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 4.

“Ơ Quỳnh à, chào nhé”, chị Quỳnh đùa khi một chú voọc đến gần, dạn dĩ vào máy ảnh của chị. “Mình thì tổ chức tour vào rừng ngắm voọc, nhưng có khi voọc đang ngắm ngược lại mình đó. Nhà của các bạn ấy mà”.

Đứng trên bờ hồ nước ngọt nằm sâu trong rừng, “mẹ voọc” - biệt danh mà cộng sự tại Six Senses Ninh Vân Bay đặt cho chị Quỳnh, dùng ống nhòm để quan sát các nhóm voọc. Mỗi mốc tọa độ voọc xuất hiện, chị sẽ ghi lại, sau đó nhập vào bản đồ để phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

“Có 3 cách quan sát: Bằng mắt, mũi và tai. Mình dùng mắt để thấy cây rung, cành đổ, dùng tai nghe tiếng lá xào xạc, còn dùng mũi để ngửi mùi mà voọc để lại”, chị nói.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 5.

Trong quá trình nghiên cứu bảo tồn loài voọc chà vá chân đen, GreenViet chưa phát hiện có mối đe dọa nghiêm trọng nào tác động đến loài. Tuy nhiên, tổ chức muốn xây dựng một quy trình thao tác chuẩn về cứu hộ (SOP) cho các loài động vật tại bán đảo Hòn Hèo.

“Tôi nhớ hoài cái lần mà một chú voọc bị ngã từ trên cành cây cao xuống mặt đất, nhân viên phát hiện và gọi ngay cho tôi. Tôi vội vàng chạy đến để thực hiện các biện pháp cứu hộ. Khi đó, bạn voọc ấy vòng tay ôm chặt lấy tôi, nhưng cuối cùng thì cũng không qua khỏi. Từ chuyện này, tôi muốn xây dựng một quy trình chuẩn về cứu hộ động vật để giảm thiểu mất mát nhất có thể”, chị Quỳnh chia sẻ.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 6.

Từ tháng 4/2019 đến tháng 2/2020, GreenViet đã tiến hành 7 đợt thực địa để nghiên cứu đặc điểm quần thể, tập tính, thức ăn của loài này. Kết quả đã xác định được 109 cá thể chà vá chân đen thuộc 16 đàn tại khu vực nghiên cứu. Đến năm 2023, con số này đã lên 165 cá thể. Ngày 07/01/2021, GreenViet đã cùng Six Senses Ninh Van Bay tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 7.

Theo đại diện GreenViet, tổ chức đã rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên được một doanh nghiệp du lịch - dịch vụ liên hệ để có những cuộc nghiên cứu về thiên nhiên. “Đây cũng là dấu hiệu tích cực khi một doanh nghiệp tư nhân có ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để duy trì nguồn lợi kinh tế của mình”.

“5 năm kể từ khi hợp tác, giữa Six Senses Ninh Van Bay và GreenViet chưa xảy ra bất kỳ một mâu thuẫn lớn nào. Chúng tôi luôn tập trung vào một mục tiêu chung là bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, một bên thì lo việc bảo tồn, bên còn lại thì hết sức hỗ trợ”, chị Quỳnh chia sẻ.

Không chỉ ngắm voọc, chị Quỳnh còn đưa đoàn đến xem một loài thực vật quý hiếm ở Six Senses Ninh Van Bay, chưa từng được phát hiện trước đây.

Nắm lấy sợi dây thừng để leo lên một dốc đá dựng 50 độ, chị Quỳnh bảo rằng còn khoảng 10 phút nữa là sẽ tới đích. Loài thực vật đang được nhắc tới là một loài hoa, có mặt ngoài màu nâu nhạt, mặt trong màu trắng kem đến vàng nhạt; có một đến ba chồi lá trên mỗi cây, cao gần 40 cm trải dài con đường hiking ngắn. Tháng 4/2022 là cột mốc đánh dấu khám phá về loài này và được đặt tên theo khu nghỉ là Six Senses turmeric - hoa nghệ Six Senses (tên gọi khoa học là "sixsensesensis").

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 8.

Nguồn: Six Senses Ninh Van Bay.

Đây là loài hoa thuộc họ Gừng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chất curcumin có trong loài hoa này có nhiều lợi ích cho sức khoẻ của con người như chống oxy hóa, giảm cholesterol, cải thiện huyết áp, giảm đau khớp, cứng khớp và viêm. Thành phần hoạt chất này cũng đang được nghiên cứu cho việc điều trị trầm cảm và làm chậm bệnh Alzheimer.

Do môi trường sống phải đối mặt với các mối đe dọa từ các hoạt động của con người, các nhà khoa học đang đề xuất đưa hoa nghệ Six Senses vào Danh sách các loài thực vật nguy cấp ở cấp độ toàn cầu (Danh sách đỏ của IUCN).

Kiên trì “xây nhà” cho các sinh vật biển

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 9.

Quay trở về giai đoạn tháng 11/2017. 2h sáng, cơn bão số 12 (Damrey) đổ vào Khánh Hoà - Phú Yên - Bình Định. Sức gió mạnh nhất lên đến cấp 13, là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đổ vào Khánh Hòa. Những rạn san hô phong phú, đa dạng tại tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Cũng trong vài thập niên gần đây, nhiệt độ nước biển tăng khiến san hô bị tẩy trắng. Ngoài tác động từ môi trường, các hoạt động phát triển du lịch dựa trên giá trị dịch vụ hệ sinh thái rạn san hô gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển như mất thảm cỏ, gia tăng trầm tích và tẩy trắng các rạn san hô.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 10.

“Mọi người chú ý khi lặn thì tránh để vùng bụng hay các bộ phận cơ thể của mình va chạm mạnh vào san hô nhé”, chị Hà - người phụ trách hoạt động trồng san hô, hướng dẫn. Từ xa, anh Tâm - cộng sự của chị Hà và cũng là một thợ lặn - kéo chiếc kayak đến. Hoạt động trồng, khôi phục san hô đang được triển khai trên kayak để hạn chế gây ô nhiễm dầu cho vùng biển vịnh Ninh Vân. Đeo ống thở rồi nhảy ùm xuống nước, anh Tâm và chị Hà hướng dẫn du khách lấy mẫu và thăm những cụm san hô đang được phục hồi. Dưới màu nước xanh thẳm của vịnh Ninh Vân, 58 khung san hô, gồm 650 cành được trồng thành công bởi du khách.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 11.

Ở hoạt động khôi phục san hô, Six Senses Ninh Van Bay cũng đã hợp tác cùng Viện Hải Dương Học Nha Trang và ghi nhận 111 loài san hô trên vịnh. Trong đó, nhờ chăm sóc tốt, 91% san hô sống sót trong chương trình trồng thử nghiệm 500m2, với 1,5cm là chiều dài trung bình san hô phát triển mỗi tháng.

“Một rạn san hô hình thành là quá trình tính bằng hàng nghìn, triệu năm. Vì vậy công tác phục hồi cần nhiều thời gian, nỗ lực. Tuy nhiên gần đây, tôi đã thấy một số loài sinh vật biển cộng sinh với san hô, coi san hô là “ngôi nhà" như cá hề, đã quay trở lại. Đây là một tín hiệu đáng mừng”, anh Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, 150 loài thực vật, 111 loài san hô, 82 loài côn trùng, 30 loài chim, 20 loài bò sát, 7 loài lưỡng cư, 11 loài thú tại Hòn Hèo đang được bảo vệ nghiêm ngặt dưới sự phối hợp của khu nghỉ và các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 12.
Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 13.

Người dân chung tay, khách hàng góp sức

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO): “Du lịch bền vững (sustainable tourism) là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai”.

Bảo tồn đa dạng sinh học chỉ là 1 trong 17 mục tiêu về Phát triển bền vững (SDGs) - Liên Hiệp Quốc mà Six Senses Ninh Van Bay đang thực hiện trong gần 20 năm. Các mục tiêu được phân thành 3 hạng mục lớn: Giáo dục (Education); Môi trường & Bảo tồn (Environment & Conservation); Tiếp cận cộng đồng (Community Outreach).

“Tôi không muốn chỉ tập trung nghiên cứu về loài chà vá chân đen, mấu chốt của việc bảo tồn đa dạng sinh học là để mọi người hiểu được tầm quan trọng của động thực vật”, chị Quỳnh nói.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 14.

Về giáo dục, bộ phận phối hợp cùng đoàn thể địa phương tiến hành dự án Khuyến học cộng đồng. Đến năm 2023, đã có 9.800 học sinh được tham gia các buổi giáo dục về bảo vệ môi trường, 640 giờ dạy tiếng Anh được cung cấp cho trẻ em tại xã Ninh Vân.

“Các em đã biết mang theo bình inox được Six Senses Ninh Van Bay tặng để sử dụng thay vì chai nhựa một lần. Đó là một trong những chuyển biến tích cực của các em học sinh sau khi tham gia các hoạt động được tổ chức bởi bộ phận phát triển bền vững”, bà Hiền - Hiệu trưởng trường Vĩnh Phước 2, đã hợp tác cùng Six Senses Ninh Van Bay 3 năm, chia sẻ.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 15.

Từ mục tiêu tăng nhận thức về phát triển bền vững, bộ phận cũng đã thiết kế nên các workshop thủ công như làm xà phòng, trang sức từ nhựa, bông tẩy da chết bằng thảo mộc… và được sự hưởng ứng, thích thú từ các khách hàng lưu trú. Nguyên liệu cho các buổi workshop được khu nghỉ tự chế biến như hương thơm thanh mát, dịu nhẹ từ tinh dầu sả được nấu trực tiếp bằng lò đất hay tái sử dụng dầu ăn thừa từ nhà bếp.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 16.
Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 17.

Doanh nghiệp ý thức được tác động của mình đối với cộng đồng, trong đó tập trung giải quyết bài toán sinh kế của người dân địa phương. Theo chị Đinh Thuý Nga - Quản lý bộ phận Phát triển bền vững, Six Senses cam kết mang đến cơ hội việc làm lâu dài cho người dân địa phương nhằm tạo ra nguồn sinh kế bền vững. Hơn 90% nhân sự tại Six Senses là người dân thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Anh Tâm (thợ lặn quê ở thị xã Ninh Hoà) nói: “Ở đội tàu có những anh em trước đó làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Công việc này dạo gần đây trở nên khó khăn hơn một phần do nguồn hải sản dần cạn kiệt. Khi biết đến Six Senses Ninh Van Bay thì họ chuyển sang làm người lái tàu để đưa đón khách, thu nhập ổn định hơn. Và cũng không ai hiểu rõ về vùng biển vịnh Ninh Vân hơn họ”.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 18.

Tương lai, bộ phận Phát triển bền vững sẽ kết hợp cùng chính quyền địa phương thí điểm các buổi trò chuyện với người dân tại xã Ninh Vân về bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 19.

Ngoài việc bảo tồn, khu nghỉ còn đầu tư vào năng lượng tái tạo, nổi bật là hệ thống 800 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt từ trên các mái nhà và dựng dọc sườn đồi phía sau khu nghỉ dưỡng, một số ở khu vườn hữu cơ.

Một số loại rau củ cũng sẽ được trồng và thu hoạch trực tiếp tại đây, cung cấp cho nhà hàng của khu nghỉ. Việc giảm chất thải (đặc biệt là thực phẩm), các biện pháp tiết kiệm nước, kiến trúc và thiết kế bền vững là các lĩnh vực khác được quan tâm.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 20.
Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 21.

Mỗi năm, Six Senses Ninh Van Bay cam kết trích 0,5% lợi nhuận (khoảng 2,2 tỷ đồng) cho Quỹ phát triển bền vững. Chính khách hàng sẽ là người trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường và rồi môi trường chính là “thỏi nam châm" thu hút họ quay trở lại.

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 22.

Theo kết quả khảo sát của TripAdvisor vào năm 2019, 34% du khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và các hoạt động du lịch bền vững; 50% du khách chi thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.

“Tỷ lệ khách quay lại Six Senses Ninh Van Bay cao. Có người chọn nghỉ ngơi tại đây đến 20 lần. Nhiều nhóm khách hàng là những nhà khoa học, người yêu thiên nhiên đến đây chỉ để một lần tận mắt chứng kiến Voọc Chà Vá Chân Đen”, chị Nga - quản lý bộ phận Phát triển bền vững, chia sẻ.

Quản lý khu nghỉ Six Senses Ninh Van Bay - Trương Đình Đồng, quan niệm: “Lợi nhuận cũng quan trọng, nhưng chúng tôi chú tâm hơn đến việc mình đang mang lại giá trị gì cho thế giới và thế hệ tương lai. Đó là khoảng Return on Investment (lợi nhuận thu về từ nguồn lực đã bỏ ra) lớn nhất đối với doanh nghiệp”.

"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Theo chân “mẹ voọc” và thợ lặn lên rừng, xuống biển ở Six Senses Ninh Van Bay - Ảnh 24.