Thế hệ tôi lớn lên cùng "Táo Quân", 17 năm khóc cười rồi cũng kết thúc: Tiệc vui đã đến lúc khép màn

Minh Đức, Theo Helino 00:05 24/11/2019

Hành trình nào rồi cũng sẽ có một điểm dừng. Hành trình của "Táo Quân" khép lại, tuy nhiên, lại là điểm dừng của hàng triệu người tại Việt Nam: Ngừng trông ngóng, mong đợi, ngừng những thói quen trước Giao thừa. Có người thậm chí nói, một phần Tết cũng đã biến mất. Nhưng có lẽ, đã đến lúc "Táo Quân" khép màn lại được rồi…

Suốt cả ngày hôm qua, trên Facebook tôi có một cuộc tri ân nho nhỏ - cuộc tri ân dành cho chương trình "Táo Quân" khi thông tin chính thức công bố chương trình sẽ chính thức kết thúc và sẽ không còn mùa "Táo Quân 2020" nữa. Người ta nói về "Táo Quân" như nói về một người bạn cũ, một hành trình 17 năm đã khiến hàng triệu khán giả Việt Nam cười ra nước mắt hay rơm rớm nước mắt. "Táo Quân" với những người trẻ có thể chỉ là một chương trình tạp kĩ "xem mãi không thấy buồn cười" nhưng với thế hệ 8x, 9x và cả bố mẹ chúng tôi, đó là một phần kỷ niệm.

Với tôi, một người trẻ đầu 9x đã đi cùng "Táo Quân" suốt những năm tháng ý nghĩa nhất của tuổi trẻ, lớn lên cùng Nam Tào - Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng, thông báo dừng chương trình được đưa ra mà như cảm nhận được sự ngậm ngùi của cả một thế hệ.

Thế hệ tôi lớn lên cùng Táo Quân, 17 năm khóc cười rồi cũng kết thúc: Tiệc vui đã đến lúc khép màn - Ảnh 1.

Tết không có "Táo Quân" thì đâu còn là Tết

Mẹ tôi từng nói vậy. Bà không chịu nhường tôi cái TV khi "Táo Quân" bắt đầu chiều, 8 giờ thì phải. Mẹ sẽ ngồi bày biện khay đựng bánh kẹo, tranh thủ cắm nốt lọ hoa dơn và violet. Mâm cơm cúng Giao thừa mẹ đã chuẩn bị xong từ lâu rồi, chỉ chờ tới lúc nửa đêm sẽ cúng tổ tiên. Nếu như ngày 23 tháng Chạp khiến người ta bắt đầu đếm ngược tới Tết thì chương trình "Táo Quân" kết thúc là ai cũng nôn nao sắp Giao thừa rồi. Sáng mùng một cả nhà quây quần bên mâm cơm đầu năm xem lại "Táo Quân", cười hỉ hả.

Người ta nói "Táo Quân" là một chương trình nghệ thuật tạp kĩ nhưng với tôi, nó là chất gắn kết gia đình. Khi chương trình "Táo Quân" đầu tiên được phát sóng, Internet hay Smartphone, Facebook và Instagram ở đâu trên thế giới này? Cả nhà tôi chỉ biết có một chiếc tivi nhỏ với vài kênh, chuyển tới chuyển lui cũng không có gì. Đêm Giao thừa bên gia đình còn có cái gì đó để xem, bàn luận và cười đùa mới thấy ý nghĩa biết chừng nào. Tết mà, phải cười sảng khoái cho bõ một năm mệt nhọc chứ? Đi qua những tháng ngày rời xa gia đình và bước vào tuổi trưởng thành, tôi vẫn nghĩ may mắn có "Táo Quân", cái cảm giác không biết nói chuyện gì với bố mẹ cũng vơi bớt phần nào. Tuổi tác có khác biệt, những đứa trẻ như bọn tôi có lớn lên và rời xa bố mẹ thì trong một buổi tối ý nghĩa như vậy, những ký ức gia đình và không khí Tết đoàn viên lại ùa về.

Tôi nhớ "Táo Quân" nhất có lẽ là năm 2009 khi ca khúc "Lụt từ ngã tư đường phố" thành bản hit, được đám trẻ chúng tôi hát đi hát lại. Đó là năm Hà Nội trải qua trận ngập lịch sử, các gia đình phải tích trữ đồ ăn cả vài ngày, đi lại bằng xuồng giữa phố lớn và học sinh cũng được nghỉ học. Mỗi năm trôi qua, người ta lại gom góp vài câu nói hay của "Táo Quân" để ra Tết có cái "khoe" với đám bạn. Hồi bấy giờ không có Facebook, trào lưu không sớm nở tối tàn và niềm vui của con người không ngắn hạn sau mỗi lần F5, những câu nói của "Táo Quân" trở nên "thời thượng" lắm. Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo chưa bao giờ làm chúng tôi thất vọng vì những câu "chất như nước cất" mà đến tận bây giờ, sau hàng chục năm, tôi vẫn thỉnh thoảng buột miệng.

Thế hệ tôi lớn lên cùng Táo Quân, 17 năm khóc cười rồi cũng kết thúc: Tiệc vui đã đến lúc khép màn - Ảnh 2.
Thế hệ tôi lớn lên cùng Táo Quân, 17 năm khóc cười rồi cũng kết thúc: Tiệc vui đã đến lúc khép màn - Ảnh 3.
Thế hệ tôi lớn lên cùng Táo Quân, 17 năm khóc cười rồi cũng kết thúc: Tiệc vui đã đến lúc khép màn - Ảnh 4.

Lũ trẻ xem "Táo Quân" vì những câu đùa hài hước, người lớn xem "Táo Quân" vì những công kích sâu cay. Tôi không nhớ quá nhiều những câu nói năm đầu và mãi cho tới khi tới một độ tuổi nhất định, hiểu được xã hội đang vận hành xung quanh, những lời thâm thúy của "Táo Quân" trở nên hay hơn, có giá trị hơn. Người ta ví xã hội như một bánh răng ăn khớp, trật nhịp chỗ nào thì "Táo Quân" rút ra, làm chất liệu đưa vào chương trình. Khán giả cần một món ăn tinh thần đáp ứng được mọi nhu cầu: Vui vẻ và hài hước cho ngày Tết, dễ hiểu cho trẻ nhỏ, thâm thúy chua cay cho người lớn nhưng vẫn phải giữ một độ an toàn nhất định khi nói về các vấn đề nhạy cảm. Đến bây giờ, tôi nghĩ rằng "Táo Quân" đã phần nào làm tốt được những điều đó.

Người ta xem "Táo Quân" để thấy cuộc sống, thấy bản thân trong từng nhân vật, soi chiếu vào các Táo để ngẫm lại mình trong suốt một năm qua. Tôi thích Bắc Đẩu vì sự chua cay nhưng cũng dí dỏm và hài hước của nhân vật này. Những người nghệ sĩ đã đi theo cùng các nhân vật điển hình như Tự Long, Công Lý, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Vân Dung, Chí Trung… chắc khó ai có thể thay thế được khi họ thực sự đã sống cùng nhân vật suốt bao nhiêu năm qua. "Táo Quân" dừng, những người nghệ sĩ chắc là buồn nhất.

Có lẽ với tôi, cái được nhất của "Táo Quân" là tạo ra được một thói quen cho phần đông người Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc mỗi dịp Tết đến. Để gây dựng được một nét văn hóa mỗi dịp Tết, một thói quen cho người dân cần đến hàng chục hay hàng trăm năm còn "Táo Quân" chỉ cần chục năm. Lũ trẻ có thể quên tắm lá mùi ngày cuối năm, bố mẹ có thể quên dựng cây nêu trước nhà nhưng không ai quên mở "Táo Quân" ra hay hò reo mỗi khi chương trình phát sóng. "A, đến "Táo Quân" rồi, xuống xem đi mẹ ơi".

Nếu có người bạn nào nói với tôi họ buồn man mác, hụt hẫng hay cảm giác tiếc nuối khi "Táo Quân" kết thúc, tôi tin những cảm xúc đó là thật. Đằng sau đó, có thể là sự kết thúc của một kỷ nguyên truyền hình truyền thống khi Internet và mạng xã hội lên ngôi, sự kết thúc của một thói quen khiến nhiều người tự hỏi "Tết năm nay sẽ làm gì?", sự kết thúc của những câu chuyện đả kích các vấn đề tiêu cực trong xã hội - liệu người ta có thay thế và bù đắp được những điều đấy?

""Táo Quân" gần như đã thành một dấu hiệu để đánh dấu sự chuyển giao thời khắc năm mới và cũ với mình, chờ đợi năm mới là chờ đợi "Táo Quân". Không còn "Táo Quân", cảm giác như mất Tết vậy", một bình luận tôi đọc được trên Facebook, nghe cũng thấy nao nao.

Thế hệ tôi lớn lên cùng Táo Quân, 17 năm khóc cười rồi cũng kết thúc: Tiệc vui đã đến lúc khép màn - Ảnh 5.

Nhưng liệu có tới lúc, "Táo Quân" cần thay đổi?

Người ta đã từng có ý định dừng "Táo Quân" sau 10 năm phát sóng nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục. Đôi khi tôi tự hỏi, áp lực "món ăn tinh thần" của hàng triệu người Việt mỗi dịp Tết đến có phải quá lớn với một chương trình 17 năm vẫn giữ nguyên một format?

Song song với câu chuyện chiếc bình cũ 17 năm chỉ thay rượu, người ta cũng nói về việc "Táo Quân" đã bớt đi tính hấp dẫn so với những năm trước kia: Nội dung không còn "chất" như xưa khi nhiều tình huống hài kịch cảm giác hơi sượng, không tự nhiên. Người trẻ nói rằng họ cũng chẳng còn lượm lặt được nhiều câu nghe đậm chất "Táo Quân" như ngày xưa nữa còn nhiều người lớn tặc lưỡi: ""Táo Quân" giờ cắt mạnh tay quá, nhiều vấn đề trở nên dở dang và không chạm được tới khán giả". Đấy là còn chưa tính tới câu chuyện đưa quảng cáo vào nhiều hơn, khiến người xem đôi lúc cảm giác đang ăn cơm ngon thì có sạn. "Táo Quân" cũng bị chỉ trích vì những yếu tố liên quan tới những phần đùa chưa được tinh tế liên quan tới giới tính của nhân vật Bắc Đẩu. Những năm gần đây, khi "Táo Quân" kết thúc, người ta lại bình luận, lại để lại dấu hỏi lớn trong lòng nhiều người: Rồi tiếp tục hay sẽ có lúc dừng lại?

Tiệc vui rồi cũng có lúc phải khép màn, một chương trình dù có hay và ý nghĩa tới đâu cũng sẽ cần thay đổi để phù hợp với thị hiếu của người xem cũng như những thay đổi của cuộc sống hiện tại. Tôi nghĩ cái kết của "Táo Quân" được nhiều hơn là mất: Một "di sản" của truyền hình Việt Nam, một đứa con tinh thần của đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các nghệ sĩ, một ký ức tươi đẹp của bao người trẻ Việt trước khi chương trình có nguy cơ lao dốc và hơn cả là một kỷ niệm mới, một “truyền thống" mới mở ra cho khán giả.

"Táo Quân" đã trở thành một cái bóng quá lớn để các chương trình sau này cần vượt qua, và phải làm tốt hơn rất nhiều. Thế hệ chúng tôi đã lớn cùng "Táo Quân", vui buồn cùng "Táo Quân" nhưng cũng sẽ nhẹ lòng khi chương trình kết thúc lúc mọi điều vẫn còn tốt đẹp. Cái Tết 2020, cả gia đình vẫn sẽ quây quần cùng nhau xem một chương trình mới, chờ đón Giao thừa và mong một năm mới ý nghĩa đang cận kề.

Tạm biệt "Táo Quân" - một phần ký ức tươi đẹp của chúng tôi.