Mới đây, hình ảnh 1 cậu bé da màu bật khóc nức nở khi ôm chặt viên cảnh sát da trắng trong cuộc biểu tình ở Portland, Oregon (Mỹ) do nhiếp ảnh gia gốc Việt Johnny Nguyễn chụp lại đã được lan truyền và gây xúc động trên toàn thế giới.
Vài giờ sau khi được đăng tải trên trang The Oregonian, bức ảnh đã nhận được hơn 150.000 lượt chia sẻ với rất nhiều bình luận cho rằng đây là "cái ôm lan tỏa khắp thế giới". Cậu bé trong bức ảnh được xác định có tên Devonte Hart, 12 tuổi và người cảnh sát là trung sĩ Bret Barnum của sở cảnh sát Portland.
"Cái ôm lan tỏa khắp thế giới".
Phía sau bức ảnh, ít ai biết được rằng nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc nhân văn đó là 1 chàng sinh viên của một trường Cao đẳng Cộng đồng ở thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ. Anh là một nhiếp ảnh gia tự do và chưa từng có tác phẩm nào được đăng báo. "Đây là lần đầu tiên một tác phẩm của tôi được đăng tải chính thức trên các phương tiên thông tin truyền thông. Điều này thật khó tin", nhiếp ảnh gia Johnny Nguyen chia sẻ với tờ Oregonian.
Để mọi người hiểu hơn về bức ảnh cũng như nhiếp ảnh gia ghi lại được khoảnh khắc ấm áp tình người đó, mới đây, tờ The Oregonian đã có buổi trò chuyện với nhiếp ảnh gia gốc Việt.
Chân dung nhiếp ảnh gia gốc Việt Johnny Nguyễn.
Tại sao anh lại có mặt trong cuộc biểu tình ở Portland?
Tôi đã biết được thông tin về cuộc biểu tình trên Facebook. Nó bắt đầu từ lúc 4h chiều ngay trước Trung tâm Tư pháp. Tôi đã có mặt ở đó với 1 chiếc Canon 6D ống kính 50mm lúc 3h30 để chụp ảnh khi cùng tham gia dòng người biểu tình.
Có rất nhiều người tham gia biểu tình, tại sao anh lại chú ý đến cậu bé da màu đó?
Ban đầu, tôi chỉ đi loanh quanh để chụp ảnh. Tôi chụp tất cả mọi khoảnh khắc khiến tôi bị thu hút. Tôi đã đi dọc tuyến phố bắt đầu từ Trung tâm Tư pháp và nhìn thấy Devonte Hart đang ôm 1 người đàn ông khác, không phải là viên cảnh sát Barnum.
Và tôi nghĩ "Thật là 1 bức ảnh có sức mạnh lan truyền: Một người đàn ông da trắng ôm 1 cậu bé da màu", bởi vậy, tôi đã chụp lại khoảnh khắc này.
Tôi tiến lại gần khi thấy người đàn ông cùng cậu bé đang nói chuyện. Khi cuộc nói chuyện kết thúc, Devonte đã quay về phía tôi. Nước mắt cậu bé tuôn rơi và tôi nhìn thấy tấm biển trên cổ cậu bé có ghi "Free hugs" (Cái ôm tự do).
Anh có nói chuyện với Devonte không?
Có.
Tôi đã hỏi tên cậu bé. Tôi hỏi "Cháu có biết chuyện gì đang xảy ra không". Cậu bé nói "Biểu tình".
Tôi hỏi cậu bé xem đây là chuyện tốt hay xấu, nhưng cậu bé không nói gì chỉ liên tục khóc nấc, bởi vậy, tôi cũng lại gần ôm cậu bé thật chặt.
Mẹ Devonte đứng gần đó cho biết "Devonte có 1 trái tim nhân hậu".
Vào thời điểm đó, tôi biết cậu bé này thực sự đặc biệt. Cậu bé có trái tim lớn lao. Nhưng tôi đã lùi lại và đi trên vỉa hè cách xa Devonte một vài bước.
Tôi tiếp tục chụp ảnh trong cuộc biểu tình. Nhưng trái tim mách bảo tôi nên ở lại cùng Devonte thêm một lúc nữa. Quả thực, khi quay lại, tôi đã thấy Devonte nói chuyện với trung sĩ Bret Barnum.
Tôi không nghe thấy họ nói chuyện gì với nhau vì 2 người đều nói rất nhỏ, nhưng có vẻ 2 người đang nói về chuyện học hành. Sau đó, họ tiến lại gần và ôm chầm lấy nhau.
Trung sĩ tiến tới gần Devonte để trò chuyện.
Và anh đã có 1 bức ảnh tuyệt vời. Tại sao anh lại chia sẻ bức ảnh với OregonLive?
Ban đầu, tôi chỉ đăng tải bức ảnh đó lên Instagram, nhưng rồi sau đó, tôi lại muốn cả thế giới được chiêm ngưỡng khoảnh khắc ấm áp tình người này. Vì vậy, tôi đã tới tòa soạn Oregonian để hỏi xem liệu họ có muốn sử dụng bức ảnh hay không.
Anh đã nói chuyện với Devonte hay gia đình cậu bé kể từ khi bức ảnh được đăng tải và lan truyền chóng mặt trên thế giới?
Tôi vẫn chưa có cơ hội liên lạc với họ nhưng tôi sẽ cố gắng để được nói chuyện với họ trong thời gian sắp tới.
Anh đã bắt đầu bước chân vào ngành nhiếp ảnh như thế nào?
Tôi đã đam mê nhiếp ảnh ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng khoảng 3, 4 năm trở lại đây, tôi mới thực sự theo đuổi đam mê của mình. Tôi yêu thích nhiếp ảnh vì đây là 1 công cụ hiệu quả để ghi lại những khoảnh khắc mà 100 năm sau, những khoảnh khắc đó vẫn còn được lưu giữ.
(Nguồn: Oregonlive)