Hồi đầu tháng 9, toàn thế giới nhỏ lệ trước hình ảnh của Aylan Kurdi, cậu bé Syria 3 tuổi chết trên bờ biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính Aylan là phát súng đầu tiên nổ lên, thức tỉnh hàng tỷ người về một thực trạng nhức nhối tại khu vực biên giới Châu Âu, và cũng chính em từ đó đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng tị nạn, đại diện cho số phận hàng triệu người đang mạo hiểm tính mạng để tìm cuộc sống mới.
Người Syria nói riêng, hay cộng đồng người tị nạn nói chung đều là nạn nhân chiến tranh và nghèo đói. Tuy nhiên, người phải chịu thiệt thòi và hậu quả nặng nề nhất luôn là những đứa trẻ. Cuộc đời một con người đẹp nhất là quãng thời gian thơ ấu, được sống trong tình yêu thương của bố mẹ và những người xung quanh. Vậy mà các em bé tị nạn, bỏ cả tuổi thơ để đi tìm cuộc sống mới. Tuổi thơ của các em chỉ toàn là bom đạn, là những cảnh tượng chết chóc kinh hoàng, là người thân bỏ mạng ngay trước mắt.
Phóng viên ảnh của AP, anh Muhammed Muheisen có rất nhiều cảm hứng với những số phận tuổi thơ lưu lạc này, thậm chí còn trước khi sự kiện Aylan Kurdi xảy ra. Thông qua những tấm ảnh mà Muhammed chụp được, bản phác họa về cuộc đời của những em bé tị nạn dường như được khắc họa rõ nét hơn. Anh đã kể lại câu chuyện của những con người giống với gia đình Aylan Kurdi, rời bỏ quê hương hoang tàn, tiếp tục hoang tàn trên cuộc hành trình mới, chỉ mong một ngày được sống bình yên, được lớn lên trong hòa bình.
Đây là tấm ảnh mà Muhammed chụp tại một lớp học dã chiến trong trại tị nạn khu vực thị trấn Mafraq, Jordan, gần biên giới với Syria. Bỏ nhà bỏ cửa mà đi nhưng không thể bỏ kiến thức. Dẫu sao chúng cũng còn cả một chặng đường dài trong đời để bước đi, không chỉ là chặng hành trình tàn khốc này. Những đứa trẻ ở đây buộc phải tự mình tiếp thu kiến thức một cách tối đa trong điều kiện vật chất tối thiểu nhất.
Lại thêm một tấm ảnh khác được Muhammed chụp ở Jordan, nơi đang là mái nhà tạm bợ cho hàng triệu người Syria kể từ khủng hoảng nội chiến giữa các phe phái xảy ra. Trong ảnh là cô bé Zubaida Faisal, xuất thân từ Syria. Tấm ảnh không đơn thuần chỉ là một cô bé đang tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đây còn là minh chứng cho ánh sáng cuối đường hầm, là hy vọng lóe sáng trong cuộc sống vốn đầy sự hỗn loạn rối ren.
"Tôi muốn chụp lại những khoảnh khắc cho thấy cuộc sống không hề dừng lại, vẫn tiếp diễn kể cả khi nó đang mắc kẹt trong hoàn cảnh khó khăn nhất", Muhammed cho biết.
Trong tháng 11, sau một loạt những vụ hỗn loạn của người tị nạn, một quy định mới đã được ban hành tại biên giới Hy Lạp- Macedonia. Trong quy định ấy, chỉ có người Afghanistan, Syria và người Iraq được phép tiếp tục cuộc hành trình Châu Âu, những người quốc tịch khác với danh sách buộc phải dừng chân tại cửa ải này, hoặc tìm cách tự trở về nước.
Tại khu vực biên giới lúc ấy có khoảng 800 người tị nạn tới từ Tunisia, Lebanon, Algeria, Yemen, Iran, Pakistan, Bangladesh, Somalia và Congo. Bỗng dưng cánh cửa hy vọng đóng sập ngay trước mặt họ. Họ cảm thấy bất lực.
Người đàn ông trong ảnh là một trong những kẻ bị bỏ rơi như thế. Anh ngã quỵ xuống, không thể nào chịu đựng thêm nữa. Cùng là người tị nạn, cùng cái sự thống khổ ấy, tại sao lại phải phân loại nhau?
Tấm ảnh này được Muhammed chụp vào tháng 1/2014. Đây cũng là bức ảnh đầu tiên mà nhiếp ảnh gia lưu lại tên gọi cho nhân vật, thay vì "một em bé Afghanistan" như trước đây. Cô bé tên Laiba Hazrat, 6 tuổi, người Afghanistan sống tại một khu ổ chuột tại Pakistan cùng gia đình.
"Đây chỉ là một lời tựa nhỏ cho bức ảnh thôi, nhưng tôi nghĩ rằng cô bé thực sự đẹp đến ám ảnh. Cái nét đẹp ấy là sự hòa quyện của những vất vả và nét trong sáng của trẻ thơ, khiến người ta buộc phải đặt ra câu hỏi mỗi khi xem, rằng cái thế giới này sẽ ra sao trong mắt đứa trẻ Afghanistan ấy".
Trong cái sự khó khăn ấy, người trong gia đình mới thực sự gắn bó với nhau chặt chẽ. Người làm cha, làm mẹ khi ấy trong đầu chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là bảo vệ con mình. Có thể họ không có sức mạnh, chẳng có tiền bạc, chẳng có mối quan hệ thân quen, nhưng họ thừa tình yêu và sẵn sàng tưới tắm tình yêu ấy cho đứa con. Dù cuộc sống chông gai đến đâu, tình yêu cha mẹ vẫn là mật ngọt mát lành.
Chỉ với tấm hình này thôi, sự bất lực, sự lo lắng của người mẹ đã được lột tả hoàn toàn. Cô không biết tiếp theo mình sẽ đi đến đâu, nhưng có một điều cô luôn chắc chắn: phải bảo vệ con. Cô là Kunata al-Hamadi, 24 tuổi, đến từ Syria. Con trai cô mới 7 tháng tuổi đã phải theo mẹ đi tị nạn ở Jordan, hiện cậu bé bị suy dinh dưỡng vì điều kiện sống quá thiếu thốn.
"Tôi đã thấy bọn trẻ lớn lên từng ngày. Một số cảm thấy rất tò mò về công việc mà tôi làm với chiếc máy ảnh. Không rõ là chúng có biết đây là máy ảnh hay cái gì không nữa. Nhưng thỉnh thoảng khi tôi chỉ cho chúng biết cái máy hoạt động thế nào, bọn trẻ sẽ quây vào rất đông".
Bức ảnh này được chụp tại rìa thành phố Islamabad, Pakistan vào năm 2014. Một người bán hàng rong đi qua khu vực này bán bóng bay và bình thổi bong bóng, những món đồ chơi tưởng như rất rẻ tiền, ai cũng có thể mua được. Tuy nhiên đối với bọn trẻ tị nạn, một quả bóng bay không chỉ là món đồ chơi vài ba ngày là bỏ, mà là món đồ chơi duy nhất mà chúng có được. Bọn trẻ này chỉ cần những viên sỏi trên đường để chơi thôi cũng có thể hạnh phúc hơn cả triệu đứa trẻ trên thế giới được bố mẹ sắm cho hàng loạt những Playstation hay Gameboy, Xbox.
Thông điệp đằng sau tấm ảnh này là gì? "Bạn không cần quá nhiều để có thể cảm thấy hạnh phúc". Đôi khi, những điều giản đơn nhất lại đem đến niềm hạnh phúc lớn hơn cả.