Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, trẻ em sống gần khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima thường được chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp với tỷ lệ cao gấp 50 lần bình thường. Và đa phần trong số hơn 370.000 trẻ em tại tỉnh Fukushima hiện đang sinh sống gần khu vực chịu ảnh hưởng xấu đã được kiểm tra bằng hình thức siêu âm định kỳ từ năm 2011, khi mà thảm họa sóng thần gây rò rỉ phóng xạ xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi.
Trẻ em sinh sống gần khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima được chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp với tỷ lệ cao gấp 50 lần bình thường.
Kết quả mới thu được vào tháng 8 vừa qua cũng cho thấy, căn bệnh ung thư uyến giáp đã được phát hiện trên 137 trường hợp, tăng 25% so với năm ngoái. Thông thường, chỉ có một hoặc hai trẻ em trong số 1 triệu trẻ em bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh quái ác này. Do vậy, kết quả thu được tại Fukushima là hết sức bất thường và đã cao hơn ngưỡng trung bình từ 20 đến 50 lần. Kết quả nghiên cứu trên của Đại học Y tế Fukushima cũng được công bố rộng rãi trên tạp chí Epidemiology. Tuy nhiên, việc phân tích mối quan hệ giữa phóng xạ và ung thư là rất khó khăn, khi mà không thể quy kết nguyên nhân gây nên ung thư trong một trường hợp cụ thể nào đó cho phóng xạ.
Đây là kết quả kiểm tra bằng siêu âm định kỳ được tiến hành trên 370.000 trẻ em sống tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Việc kiểm tra thường xuyên trong các khu vực có nồng độ phóng xạ cao khiến cho các khối u được phát hiện sớm hơn, từ đó dẫn tới tỷ lệ ung thư thu được cũng tăng cao đột biến. Đây được gọi là “hiệu ứng xét nghiệm lâm sàng”. Theo chính phủ Nhật Bản, các cuộc kiểm tra tuyến giáp định kỳ chỉ là để đề phòng rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Tsuda - một giáo sư tại Đại học Okayama thì những kết quả kiểm tra định kỳ bằng siêu âm mới nhất đã gây ra nhiều nghi hoặc đối với quan điểm này của chính phủ Nhật Bản. Cộng đồng y học thế giới đã tìm thấy mối quan hệ gắn kết giữa phóng xạ với căn bệnh ung thư tuyến giáp từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Tuy không nguy hiểm tới tính mạng nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhưng những người mắc phải căn bênh ung thư này sẽ phải sống phụ thuộc vào thuốc kháng sinh suốt đời.
Tuy vậy nhưng không phải ai cũng đồng tình với những ý kiến trên. Theo giáo sư Scott Davis – hiện đang công tác tại Khoa Dịch tễ học, thuộc Viện Sức khỏe Cộng đồng, Đại học Washington thì điểm hạn chế chủ chốt của nghiên cứu trên là việc thiếu số liệu cụ thể về liều phơi nhiễm phóng xạ của mỗi ca mắc bệnh. Giáo sư Davis cũng cho biết thêm, ông hoàn toàn đồng ý với các dự đoán trước đó được đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Hội đồng Khoa học Liên hợp quốc về Ảnh hưởng của Phóng xạ Hạt nhân UNSCEAR, rằng tỷ lệ ung thư tại Fukushima sẽ duy trì ổn định và không xảy ra bất cứ sự gia tăng bất thường nào do ảnh hưởng của phóng xạ.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người dân Nhật Bản sống xung quanh khu vực bị “nhiễm độc” quyết định rời đi vĩnh viễn do lo sợ những ảnh hưởng tiêu cực của phóng xạ đối với con em mình.
Kết luận cuối cùng về vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới những chính sách hỗ trợ và bồi thường của chính phủ Nhật Bản đối với người dân đang sinh sống trong vùng chịu ảnh hưởng tại Fukushima. Quá trình tháo dỡ toàn bộ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi được dự đoán sẽ phải kéo dài tới hàng thập kỷ. Trong khi đó, ngày càng nhiều người dân Nhật Bản xung quanh khu vực này đã quyết định rời đi vĩnh viễn do lo sợ những ảnh hưởng tiêu cực của phóng xạ sẽ tác động xấu tới sức khỏe của con em mình.
Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã gây rò rỉ phóng xạ trên một khu vực rộng lớn tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiến hành kiểm tra định kỳ nồng độ phóng xạ tại các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Giới y học vẫn đang tranh cãi xung quanh kết quả nghiên cứu mới được công bố này.
(Nguồn: DailyMail)