Từ lâu, Hàn Quốc đã nổi tiếng là 1 trong những quốc gia châu Á có nền giáo dục cùng những kỳ thi áp lực nhất trên thế giới. Cũng như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác của châu Á, tại Hàn Quốc, đại học chính là chìa khóa của sự thành công, của tương lai sáng lạn, rạng ngời. Chính vì vậy, để có thể chắc suất trong những trường đại học danh giá, các học sinh tại quốc gia này phải cố gắng ôn luyện ngày đêm, thậm chí có những học sinh còn phải chuẩn bị kiến thức cũng như tinh thần từ khi mới lên... lớp 4, lớp 5.
Áp lực học tập, thi cử đè nặng lên mỗi học sinh.
Áp lực học tập đè nặng lên mỗi học sinh
Tờ NPR mới đây đưa tin tại Hàn Quốc, áp lực của kỳ thi đại học khiến nhiều học sinh của xứ sở kim chi rơi vào trạng thái trầm cảm, mà trong đó, rất nhiều em phải tìm đến cái chết để kết thúc "chuỗi ngày đen tối". Mới đây nhất, 2 nữ sinh 16 tuổi đến từ trường Daejeon đã nhảy lầu tự tử sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh với nội dung "Chúng tôi ghét trường học". Trước đó, vào năm 2011, một nam sinh 18 tuổi ở Daejeon cũng đã tự tử chỉ vài giờ trước khi bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời do em không thể chịu đựng được bất cứ áp lực, căng thẳng nào thêm nữa.
Trước giờ vào thi đại học ở Seoul, 1 người mẹ đã hôn khích lệ con gái thi tốt. Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được ví là "kỳ thi địa ngục", là mốc quan trọng thay đổi cả cuộc đời, tương lai phía trước. Giới chức giáo dục Hàn Quốc cho biết thông thường, các buổi học kết thúc vào 4h chiều, tuy nhiên, rất nhiều học sinh tại quốc gia này vẫn tham gia các lớp học thêm kéo dài tới tận 11h đêm. "Ở trường trung học nào, các học sinh cũng học như thế cả thôi", Han Jae Kyung và Yoon Seoyoon, 2 học sinh trung học cho biết.
Trong khi các buổi học trên lớp thường kéo dài từ 8h sáng tới 4, 5h chiều, nhiều học sinh vẫn thường tham gia các lớp học thêm hoặc ở lại trường để tự học tới 11h đêm.
Chính vì những áp lực học tập quá nặng nề mà các em phải chịu, nên không có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng học sinh Hàn Quốc nằm trong nhóm thanh thiếu niên kém hạnh phúc nhất trên thế giới. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với 30 quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Một thí sinh vừa làm xong bài thi, vì quá xúc động nên khóc nức nở trong vòng tay mẹ.
"Đó quả thực là điều đáng báo động. Nếu các học sinh không vui vẻ, hạnh phúc ở độ tuổi này, chúng tôi không thể đảm bảo sự hạnh phúc cho các em trong tương lai. Và nếu thế, tương lai của các em sẽ thực sự đen tối", cô Kim Mee Suk, 1 nhà nghiên cứu đến từ Viện y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho biết.
"Chúng tôi không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên duy nhất chúng tôi có là con người. Bởi vậy, mọi người đều cần được trang bị kiến thức đầy đủ để giúp ích cho chính đất nước và cho chính bản thân họ. Chính vì thế, chúng tôi đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn", cô Kim nói thêm.
Đứng trước thực trạng đáng báo động của các học sinh trước áp lực thi cử, cô Kim cùng rất nhiều nhà khoa học, hoạt động nhân quyền khác đang kêu gọi học sinh cần có nhiều thời gian vui chơi giải trí hơn. Tuy nhiên, đó chắc chắn vẫn còn là viễn cảnh rất xa xôi.
Hàn Quốc "tê liệt" trong thời gian diễn ra kỳ thi đại học
Do kỳ thi đại học tại Hàn Quốc được quan tâm và coi trọng đặc biệt nên cứ vào dịp thi đại học (tháng 11 hàng năm), cả đất nước Hàn Quốc như được đặt chế độ "im lặng" nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các sĩ tử tập trung làm bài.
Cụ thể, vào năm 2014, Bộ Giao thông Hàn Quốc đã áp đặt lệnh
cấm bay trong 40 phút khi diễn ra bài thi kỹ năng nghe môn ngoại ngữ tại 1.257 điểm thi trên toàn quốc. Ngành chứng khoán mở cửa muộn hơn 1 tiếng so với bình thường để các tuyến đường được thông thoáng và đảm bảo các thí sinh được đến trường thi đúng giờ.
Cảnh sát luôn sẵn sàng túc trực, đảm bảo đưa các thí sinh đến dự thi đúng giờ.
Bộ Quốc phòng cũng đã điều chỉnh lịch trình các cuộc tập trận trên không và bắn đạn thật. Xe cộ bị cấm trong bán kính 200m quanh các trường thi. Nếu học sinh có bất cứ vấn đề gì khó khăn, các em có thể gọi điện đến đường dây nóng 112 để nhận được sự trợ giúp khẩn cấp từ phía cảnh sát - những người luôn túc trực và sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Một số hình ảnh được ghi nhận trong các kỳ thi đại học tại Hàn Quốc:
Một bác sĩ chuyên khoa đang áp dụng phương pháp thôi miên cho các học sinh trong một buổi thiền tại trường nội trú Deung Yong Moon, Kwangju. Những học sinh này đang chuẩn bị tham gia kỳ thi “Suneung” hay còn gọi là College Scholastic Aptitude Test (viết tắt là CSAT). Đây là kỳ thi cấp quốc gia kéo dài 8 giờ đồng hồ bao gồm các môn ngôn ngữ, toán học, khoa học, khoa học xã hội và tiếng Anh mà bất cứ học sinh Hàn Quốc nào cũng phải trải qua để có thể được lựa chọn vào trường đại học danh tiếng.
Học sinh một trường nữ sinh cấp ba mặc Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) hành lễ trước phụ huynh và giáo viên. Tại Hàn Quốc, cha mẹ coi việc con cái thi đỗ vào trường đại học tốt là một biểu tượng thành công trong cuộc sống.
Người Hàn Quốc có câu "Tứ đang ngũ lạc" để nêu cao trách nhiệm học tập. Câu này có ý là nếu ngày chỉ ngủ 4 tiếng, học sinh sẽ được nêu tên trên bảng vàng, còn nếu ngày ngủ 5 tiếng thì không đỗ đạt gì hết. Trong ảnh: Các học sinh một trường cấp ba ở Seoul đang dồn sức cho kỳ thi đại học. Để tránh ngủ gật, rất nhiều em chọn cách vừa đứng vừa ôn bài.
Quyển lịch nhắc nhở ngày thi là thứ không thể thiếu của các sĩ tử trước mỗi kỳ thi. Nhiều học sinh thậm chí còn phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học từ khi mới lên lớp 4, lớp 5.
Lễ tập dượt của tình nguyện viên cho kỳ thi đại học năm 2013 tại một sân vận động ở Seoul, thu hút nhiều học sinh và phụ huynh tham gia.
Một người đàn ông đang động viên con gái trước khi con bước vào trường thi ở Seoul. Rất nhiều cha mẹ Hàn Quốc luôn quan tâm và sẵn sàng đầu tư tiền bạc cho việc học tập của con.
Vẻ mặt căng thẳng của các thí sinh trước giờ làm bài thi.
Học sinh Hàn Quốc cực kỳ chú ý đến quan hệ sư huynh sư đệ, học sinh lớp lớn hơn có uy phong trước học sinh lớp dưới.
Các học sinh khóa dưới cầu nguyện may mắn và thành công cho các học sinh khóa trên khi kỳ thi đang diễn ra tại Seoul.
Ngoài ra, các học sinh khóa dưới còn tập trung cổ vũ các anh chị lớp trên thi tốt.
Trong khi các sĩ tử tập trung làm bài thi, bên ngoài, các bậc phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Nhiều người tìm đến các đền chùa gần điểm thi của con để cầu nguyện cho con thi tốt.
(Tổng hợp)