Singlish - Thứ tiếng Anh siêu độc đáo của người Singapore

Trace, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 17/09/2015
Chia sẻ

Coffee? Ý bạn là muốn tìm mua cà phê? Ở Sing, hãy dùng từ "kopi", và đây chính là Singlish, tiếng Anh của người Singapore.

Chính phủ Singapore luôn khuyến cáo người dân ở quốc đảo này nên nói tiếng Anh. Đây là thứ ngôn ngữ chính thức được dùng trong trường học, công sở và cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế thứ tiếng Anh mà nhiều người Sing nói là loại ngôn ngữ được biến tấu một cách ảo diệu, có thể khiến các du khách đến đây hoàn toàn choáng váng với thứ ngôn ngữ "được mặc định là tiếng Anh-nhưng không phải tiếng Anh". Đó là Singlish - tiếng Anh của người Singapore.

1-6d141

Coffee? Ý bạn là muốn tìm mua cà phê? Ở Sing, hãy dùng từ "kopi", bằng không bạn sẽ khá vất vả để mua được một cốc cà phê, và nếu ai đó nói "lim kopi", hãy mỉm cười rồi gật đầu đồng ý ngay vì họ hỏi bạn có muốn uống cà phê không đấy!

Singlish bắt đầu xuất hiện khi Singapore tách ra thành một nước riêng cách đây 50 năm và quyết định dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung cho tất cả các nhóm người trên quốc đảo này.

Tuy nhiên mọi dự kiến sau đó diễn ra không theo kế hoạch ban đầu, khi mà các nhóm người có gốc gác đa dạng bắt đầu đưa vào tiếng Anh những từ ngữ và quy tắc ngữ pháp của riêng họ. Từ đó, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, nhưng Singlish trở thành ngôn ngữ trên đường phố.

5-35441
Tiếng anh được dùng ở tất cả mọi nơi trên đất Singapore.

Để giúp cải thiện khả năng nói tiếng Anh cho người dân, chính phủ Singapore liên tục tổ chức chiến dịch Speak Good English ở trường học, trên các phương tiện truyền thông nhưng có hiệu quả không được như mong đợi. Singlish vẫn tồn tại vững chắc và ngày càng phổ biến, đến mức xuất hiện trong từ điển và các nhà ngôn ngữ học phải vào cuộc.

Theo thời gian, chiến dịch Speak Good English từ mục tiêu ban đầu là hạ bệ Singlish, đã dần chuyển hướng sang chấp nhận sự thật rằng tiếng Anh và Singlish có thể cùng tồn tại với nhau. Thứ ngôn ngữ này được xem là một phần của con người, của văn hoá và đất nước Singapore. Thậm chí Singlish còn  xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo cho SG50 - kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của Singapore vào tuần trước.

2-6d141

3-6d141

Singlish thường được dùng trong các tình huống văn nói thường ngày giữa bạn bè, gia đình, khi cần gọi taxi hay đi chợ. Trong khi đó, tiếng Anh chuẩn mực được dùng trong các tình huống cần sự trang trọng như ở trường, công sở, nhất là khi gặp gỡ người lạ hoặc khách hàng.

Cho đến ngày nay, một người Singapore được xem là có giáo dục và vị trí xã hội cao là người biết sử dụng hợp lý, đúng lúc cả hai thứ ngôn ngữ trên, chứ không chỉ biết mỗi Singlish đơn thuần.

Ngữ pháp của Singlish bắt chước tiếng Quan thoại và Malay, vốn là ngôn ngữ của hai nhóm người bản xứ lớn tại Singapore. Để dễ hiểu, Singlish bỏ đi hầu hết các giới từ, liên từ, cụm từ.

Nói Singlish như thế nào?

Cùng lúc đó, kho từ vựng phản ánh nguồn gốc chủng tộc phong phú tại xứ sở này. Bên cạnh vay mượn từ tiếng Malay, Singlish còn sử dụng nhiều từ có nguồn gốc Phúc Kiến, Quảng Đông của Trung Quốc và Tamil từ Ấn Độ.

Một người luôn cảm thấy lo lắng được gọi là "kancheong spider", trong đó "kancheong" tiếng Quảng Đông nghĩa là lo lắng, còn "spider" tiếng Anh là "con nhện", với hàm ý liên tưởng một con nhện luôn sợ hãi trước mọi thứ xung quanh.

Cụm từ "lim kopi" (được nhắc ở trên) là sự kết hợp của từ "lim" trong tiếng Phúc Kiến nghĩa là "uống" và "kopi" trong tiếng Malay có nghĩa là "cà phê".

Trước một sự việc không thể chịu đựng nổi, người Sing có thể thốt lên "Buay tahan!". Từ "buay" trong tiếng Phúc Kiến là "không thể", còn "tahan" trong tiếng Malay là "chịu đựng".

Singlish cũng sử dụng một số từ nguồn gốc Trung Quốc vốn không có nghĩa cụ thể, chỉ đơn giản là các từ dùng để thêm vào ở cuối câu, và đây cũng chính là điểm khiến Singlish nghe khá thú vị và vui tai.

"I got the cat lah," là một lời khẳng định bạn vừa có được con mèo. "I got the cat meh?" là sự hoang mang khi ngờ ngợ rằng có thể mình vừa làm mất con mèo.

4-6d141
She got the cat lah...

Nhờ vào mạng xã hội, Singlish ngày càng xuất hiện dày đặc hơn, ngôn ngữ viết giờ đây cũng mang "phong cách" đặc trưng này thay vì chỉ nói như trước. Ví dụ thay vì "Like that" giờ người ta có thể viết "liddat", "Don't" trở thành "Donch".

Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn "choáng" và hoang mang khi tìm hiểu về Singlish, người Singapore sẽ nói với bạn rằng "Donch get kancheong".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày