Hơn 530 nghìn chữ ký đã được thu thập để cưỡng chế dừng hoạt động một trang trại nhân giống chó Beagle mới tại Grimston, Tây Yorkshire, Anh. Những chú chó thuộc giống săn thỏ sẽ được nuôi nhốt, bán cho các cơ sở thí nghiệm và bị giết sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng cũng trên lãnh thổ Anh, có một trang trại nhân giống khác còn quy mô hơn rất nhiều, cũng là đầu mối cung cấp chó thí nghiệm cho các công ty dược phẩm và trường đại học trên cả nước.
Trang trại đó có tên Harlan, trong khi trang trại tại Grimston có khoảng 200 chó trưởng thành và 180 chó con thì tại đây hiện đang nuôi giữ khoảng 1.800 cá thể chó Beagle, trong đó có 350 con cái và 38 con đực làm nhiệm vụ sinh sản. Tại Harlan, chỉ có những con thuộc "ban sinh sản" mới được đặt tên, còn lại sẽ được gọi bằng số hiệu xăm trên tai chúng. Đặc biệt, những chú chó mang số hiệu đều được huấn luyện để tự động ngẩng cổ mỗi khi người ta cần lấy máu từ tĩnh mạch của chúng.
Những chú chó ở đây được huấn luyện biết ngẩng cổ mỗi khi cần lấy máu.
Chó Beagle tại trang trại Harlan khi đạt đủ 16 tuần tuổi sẽ bị bán cho các trường đại học hoặc các công ty dược phẩm với giá khoảng 1.600 Bảng Anh (gần 56 triệu VND) để sử dụng trong các loại thí nghiệm. Những con vật tội nghiệp sẽ bị tiêm hàng trăm thứ hóa chất, dẫn tới hiện tượng hư hại nội tạng, chảy máu trong, bại liệt. Khi những chú chó này chết đi, các nhà khoa học sẽ mổ cơ thể chúng, lấy nội tạng phục vụ các nghiên cứu tiếp theo.
Theo luật y tế, mỗi loại sản phẩm y học trước khi tung ra thị trường cần được thử nghiệm trên 2 cá thể động vật, một cá thể thuộc bộ gặm nhấm và một loài động vật khác. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động bảo vệ động vật, việc thử nghiệm sản phẩm trên cơ thể thú là không hề cần thiết, nhất là với sự phát triển công nghệ khoa học như hiện nay, người ta hoàn toàn có thể sử dụng máy móc hoặc tế bào lấy từ cơ thể người để làm thí nghiệm.
Gần 2000 chú chó được nuôi chỉ để sau đó sẽ bị giết.
Nhưng theo Andrew Gay, giám đốc truyền thông của trang trại Harlan, ở thời điểm này vẫn chưa có các biện pháp khác thay thế cho việc sử dụng động vật thí nghiệm. Ông này cũng nhận định rằng vai trò của chó Beagle là rất lớn trong khoa học, y tế, bởi chúng góp phần cho ra đời các loại dược phẩm, sản phẩm bảo vệ môi trường. Andrew cũng khẳng định rằng gần 2.000 cá thể chó Beagle trong trang trại Harlan đều được chăm sóc cẩn thận và cho rằng hi sinh cho khoa học là nghĩa vụ danh dự, thiêng liêng dành cho chó Beagle.
"Tôi không nghĩ có người dám nói rằng "A, sáng ngày hôm nay tôi muốn làm thí nghiệm trên mấy con chó". Chúng tôi cũng rất mong có một giải pháp khác mà không phải làm hại những con vật tội nghiệp này. Nhưng Beagle được sử dụng để cứu nhân loại, cho con người một cuộc sống tốt hơn và có khả năng bảo vệ môi trường", Andrew phát biểu.
Hi sinh cho khoa học là vinh dự và nghĩa vụ của chó Beagle?
Cũng trong tháng 8 vừa rồi,
38 chú Beagle ở khắp các phòng thí nghiệm tại Mỹ đã được nhóm dự án The Beagle Freedom Project giải cứu thành công. Hàng chục chú chó nhỏ từ khi sinh ra đã ở trong lồng sắt nay được biết đến cảm giác chạy trên thảm cỏ xanh, được ngủ trên nệm và được đặt tên. Rất mong một ngày nào đó tổ chức này sẽ có biện pháp cứu giúp những chú chó tội nghiệp ở nước Anh.
Sinh ra trong trang trại, chết đi ở phòng thí nghiệm, bao giờ chúng mới được chạy trên cỏ xanh?