Những thương hiệu xây dựng theo hình thức kinh doanh mạng lưới này xuất hiện ngày một nhiều, nhưng không phải công ty nào cũng thành công vì điều cần nhất trong hình thức này lại là quảng cáo và tăng cường uy tín.
Hiện tại, có đến 4 thương hiệu nằm top đầu thế giới đi theo mô hình này, đó đều là những cái tên hết sức quen thuộc và quá nổi tiếng.
1. Facebook - Kẻ canh giữ kho tàng
Là một mạng xã hội miễn phí, Facebook là thương hiệu quá quen thuộc đối với cả tỷ người trên thế giới. Được thành lập bởi Mark Zuckerberg từ năm 2004, sau 11 năm hoạt động, mạng xã hội này đã trở thành một gã khổng lồ trong giới công nghệ với số lượng người dùng lên tới 1,39 tỷ và một "kho tàng" thông tin, dữ liệu khổng lồ chưa từng thấy.
Theo xác nhận chính thức của Facebook, mỗi ngày có tới 350 triệu tấm ảnh, hàng chục triệu video và các thông tin có giá trị được tải lên mạng xã hội này, lượng dữ liệu truyền thông khổng lồ này vượt xa tất cả những dịch vụ khác như Tumblr, LinkIn, Twitter. Tuy vậy, bản thân Facebook lại chưa từng tạo ra tấm ảnh, đoạn phim hay bất cứ nội dung gì, tất cả những gì họ có đều là từ người dùng đóng góp.
2. Uber - Hãng Taxi "nhẵn thín"
Là một thương hiệu kinh doanh mạng lưới vận tải nổi tiếng toàn cầu, với ý tưởng cực kỳ táo bạo: Người dùng đưa đón nhau, chúng tôi... chả có gì hết. Uber đã phát triển điên cuồng từ năm 2009 cho tới nay. Tuy gặp phải rất nhiều scandal liên quan đến tiền bạc, đạo đức và những vấn đề khác, nhưng Uber vẫn vươn lên trở thành hãng taxi lớn nhất thế giới ngày hôm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 6 năm phát triển, Uber được định giá hơn 40 tỷ USD trên thị trường, bành trướng tại 53 quốc gia với 200 thành phố lớn. Dù có như vậy, gã khổng lồ này vẫn... tay trắng, họ chả sở hữu chiếc xe hơi nào trong tay cả.
3. Alibaba - Cửa hàng khổng lồ chẳng sản xuất thứ gì
Là một tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc, Alibaba thuộc sở hữu của "siêu doanh nhân" Jack Ma (Mã Vân) với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ, là tập đoàn đi đầu về thương mại điện tử và sở hữu "siêu chợ ảo" Taobao bán hàng triệu đơn hàng mỗi ngày, nhưng bản thân Alibaba lại chẳng sản xuất ra món đồ nào từ ngày thành lập đến nay.
4. Airbnb - Chuỗi khách sạn không phòng
Là một ý tưởng táo bạo của Brian Chesky, Airbnb là dịch vụ cho khách du lịch thuê phòng, nhưng không phải phòng khách sạn của họ, mà là nhà ở của những thành viên đăng ký mạng lưới trên khắp thế giới, theo báo cáo chính thức, đến năm 2013 Airbnb có tới 250 nghìn phòng ở và nhà cho thuê trên toàn cầu.
Chính vì đi theo mô hình mạng lưới "tay trắng" như những ông lớn khác, nên dù là công ty về khách sạn hàng đầu thế giới, nhưng Airbnb chẳng sở hữu căn nhà hay mảnh đất nào, họ đơn thuần chỉ kiếm tiền với vai trò trung gian. Tuy vậy, có một sự thật thú vị là trong biên chế của Airbnb có tới 70 nhiếp ảnh gia sống ở khắp các châu lục, công việc của họ chỉ đơn giản là đi chụp lại các căn nhà đẹp nhất có thể để hấp dẫn khách du lịch.
5. Instagram - Không có lấy một nhiếp ảnh gia
Là dịch vụ chia sẻ ảnh uy tín nhất thế giới hiện nay, Instagram đã khai sinh ra kiểu ảnh hình vuông, phù hợp với cả máy tính và thiết bị di động.
Được thành lập bởi Kevin Systrom và Mike Krieger, Instagram có cái tên ban đầu là Burbn và dùng để "check in" là chính, sau nhiều thăng trầm và biến cố, Burbn đã đổi tên thành Instagram và nhanh chóng vượt lên trên hàng loạt đối thủ để trở thành mạng xã hội ảnh mạnh nhất thế giới với 70 triệu tấm ảnh được đăng tải mỗi ngày.
Tuy đi lên nhờ ảnh, nhưng bản thân Instagram lại chưa bao giờ thuê nhiếp ảnh gia đăng bài "mồi" như những dịch vụ khác, toàn bộ dữ liệu của dịch vụ này đều do người dùng đóng góp.
Và tất nhiên, ảnh trên Instagram 100% đều miễn phí.