Những hành động khiến bạn có thể bị phạt nặng và ngồi tù khi đi du lịch nước ngoài

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 03/07/2015

Đến một đất nước mới, việc trước tiên nhất là nên tìm hiểu tập quán tại nơi đó. Giả dụ việc mặc đồ bơi tại nơi công cộng ở Tây Ban Nha sẽ "tiêu hao" của bạn khoảng 10 triệu đồng.

Đặt chân đến một đất nước xa lạ mà không hề có khái niệm gì về văn hóa, tập quán của địa phương đó là một trong những sai lầm lớn nhất của những kẻ thích vi vu. Kylie Bretag, một "phượt thủ" người Úc đã từng bị tống vào tù tại Mexico chỉ vì các nhà chức trách không đóng dấu hộ chiếu của cô. 

Kylie Bretag từng phải ngồi tù ở Mexico vì hộ chiếu chưa được đóng dấu.

Bởi vậy mới nói, "nhập gia tùy tục", đi đến một nơi không thân thuộc bạn phải chuẩn bị kỹ kiến thức về địa điểm đó, người ta làm gì, người ta kị gì, cái gì có thể "sút" bạn ra đằng sau song sắt. Và sau đây là một số đất nước bạn cần tham khảo:

Thái Lan

Đất nước Chùa Vàng không hề khuyến khích việc khoe ảnh chụp gợi cảm của các cô gái. Bạn có thể thoải mái mặc bất cứ bộ bikini nóng bỏng nào mình muốn, khoe triệt để đường cong táo bạo, nhưng khi giơ máy lên chụp hình selfie, hãy nhớ tới cánh cửa song sắt đang vẫy gọi mình.

Chính phủ Thái Lan đã ban lệnh cấm các du khách chụp ảnh khoe nửa dưới ngực của bản thân. Xu hướng chụp ảnh này từng là một trào lưu hot trên Internet thế giới, nhưng không thể ở đất nước này. Điều luật về tội phạm máy tính ra đời năm 2007 cấm các nội dung khiêu dâm có thể phát tán ra cộng đồng.

Thái Lan nói "không" với ảnh chụp đồi trụy.

Hình phạt cho hành vi "xấu nhưng không chịu che giấu" là 5 năm ngồi bóc lịch, có nghĩa là bạn mất khoảng 1/4 tuổi trẻ làm bạn với song sắt chỉ vì một tấm ảnh nửa dưới gò bồng đào. Thế nên, khi chụp ảnh hãy nhớ che chắn cẩn thận, và đừng quên rằng "thả rông" ra đường tại Thái Lan, kể cả nửa trên hay nửa dưới cũng là vi phạm pháp luật.

Đức

Vương quốc của bia chính là một xứ sở thần tiên dành cho dân "tổ lái". Tốc độ trung bình mà các tài xế phải duy trì trên đường cao tốc tại đây là vào khoảng 130km/h, rất nhanh, rất nguy hiểm, theo đúng nghĩa đen.

Tốc độ trung bình trên đường cao tốc Đức là... 130km/h.

Bởi tốc độ quá kinh hoàng như vậy, việc tự dưng hết xăng trong lúc đang tham gia giao thông là điều tối kỵ tại đây. Bạn sẽ phải đối mặt với khoản phạt khổng lồ, tước bằng lái, hoặc trong trường hợp hậu quả gây ảnh hưởng tới tính mạng người khác thì lại phải tham gia sinh hoạt trong tù trong nửa thập kỷ. Vì thế hãy luôn đảm bảo kim xăng của bạn luôn trong tình trạng căng hết cỡ mỗi khi muốn lái xe ra ngoài ở Đức.

Singapore

Trên đời này có 2 loại người, một loại là những kẻ nhai kẹo cao su, còn lại là cộng đồng nói không với nó. Singapore nằm trong diện thứ 2. Lệnh cấm nhai kẹo cao su đã có hiệu lực từ năm 1992 nhằm giảm thiểu vấn nạn "phá hoại cảnh quan và sự sạch đẹp" của các công trình, phương tiện công cộng. Cố tình vi phạm sẽ khiến bạn phải nộp phạt 1000 SGD ( hơn 16 triệu đồng).

Mặt hàng kẹo cao su không có chỗ đứng tại Singapore.

Tuy nhiên, các loại kẹo cao su y tế, kẹo cao su nha khoa được cho phép sử dụng, miễn là người sử dụng có ý thức nhả bã đúng nơi đúng chỗ, không có cái kiểu bạ đâu trét đấy thường thấy ở phần còn lại trên Trái Đất. Chính phủ cũng đã nói, kể cả đến khi việc nhả bã lung tung hoàn toàn bị tru diệt, kẹo cao su cũng sẽ không còn lối về Đảo quốc sư tử nữa.

Tây Ban Nha

Người Tây Ban Nha nổi tiếng với phong cách sống phóng khoáng, có phần hơi bị quá "thoáng", nhưng đụng đến việc đồ bơi thì khái niệm đó bị xóa bỏ hoàn toàn. Với nỗ lực nhằm hạn chế việc khỏa thân nơi công cộng, kể cả bán thể hay toàn phần, Barcelona đã ban lệnh cấm mặc đồ bơi ở những nơi công cộng không phải bãi biển, bể bơi hay khu vực đi lại gần bãi biển.


Nhưng nếu bạn là người có niềm đam mê đặc biệt với đồ bơi và muốn mặc chúng bất cứ nơi đâu, bạn hoàn toàn có quyền làm vậy, chỉ cần chuẩn bị trước một bao tải tiền, đủ để trả khoản phạt 500 USD ( khoảng 10 triệu đồng) mỗi lần bị "tóm". Quên chưa nói, lái xe mà đi dép tông cũng không được hoan nghênh ở xứ sở bò tót đâu.

Thụy Sĩ

Nếu như bạn có ý định làm một chuyến dã ngoại tới vùng ngoại ô Thụy Sĩ, nhớ một điều, hãy kiểm tra luật giao thông trước khi nhấn ga là được. Người Thụy Sĩ luôn luôn lái xe bên tay phải, và chỉ tay phải mà thôi, không có đánh võng gì hết.

Thêm nữa, khi bạn lái xe lên vùng đồi núi, cứ yên tâm mà thẳng tiến, bởi những xe đi chiều xuống đều phải nhường đường cho bạn mà thôi. Và hãy nhớ là đừng có bấm còi trước khi trời tối nếu còn muốn yên thân ở Thụy Sĩ.

Ý

Cả ngày rong ruổi từ Rome tới Venice, lại còn trong thời tiết nắng nóng thì một que kem hay cốc nước mát lạnh sẽ là thứ đầu tiên mà bạn muốn vồ lấy. Tuy nhiên, hãy kiềm chế lại, bởi việc ăn uống trong di tích lịch sử là coi thường luật pháp, mà nhờn với luật là kiểu gì cũng bị phạt. Chắc chắn là bạn không muốn ăn một que kem giá hàng trăm Euro đâu nhỉ?

Ý cấm tiệt việc ăn uống trong khu di tích lịch sử.

Bạn không phải là kẻ duy nhất khó chịu với quy định này đâu, những chú chim bồ câu vốn rất béo tốt khi quy định này chưa có hiệu lực thì giờ đây nặng chỉ còn một nửa mà thôi. Tất cả vì một cảnh quan sạch đẹp cho các di tích lịch sử Ý.

(Nguồn: News.au)