Những điều độc đáo bạn chỉ có thể nhìn thấy khi ở Nhật Bản

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 01/06/2015

Bên cạnh văn hóa truyền thống tinh tế, Nhật Bản còn nổi tiếng với độ sự sáng tạo đến mức... kỳ dị, dưới đây là những thứ mà chỉ đến tận đất nước này mới có thể nhìn thấy.


Máy bán hàng tự động có mặt ở khắp mọi nơi trên nước Nhật, không chỉ bán nước ngọt, máy còn bán cả thức ăn, đồ ăn nhanh, sách, báo, thậm chí là cả... cái ô. Theo thống kê, trên toàn nước Nhật có khoảng 50 triệu máy bán hàng tự động.


Đây là Otooshi, bát nhỏ đựng một ít đồ ăn lạ miệng, nó dùng để phục vụ 
khách hàng khi món ăn chính chưa xong, giống như đĩa lạc ở quán bia hơi Việt Nam vậy, nhưng tất nhiên Otooshi đa dạng và ngon hơn rất nhiều.


Những chú mascot tên Yurukyara này dùng để đón chào khách du lịch khi đến thành phố nào đó, mỗi nơi trên nước Nhật đều có một bộ thiết kế Yurukyara rất khác biệt và sáng tạo.


Đây là miếng sưởi dùng 1 lần, bạn chỉ cần bóp hoặc lắc, sau đó nhét vào trong áo để giữ ấm. Đúng như tên gọi, người ta sẽ vứt nó đi sau lần dùng đầu tiên vì không thể tái sử dụng được nữa.


Nghệ thuật trồng lúa là "bộ môn" rất phổ biến ở những cánh đồng trên nước Nhật, người nông dân dùng các loại lúa khác nhau, tạo hình từ khi bắt đầu cày cấy. Tỉnh Inakadate là nơi khai sinh ra loại hình nghệ thuật này từ năm 1993.


Dekotora là tên gọi của những chiếc xe tải được độ hết bài, những thanh niên Nhật dồn tất cả sáng tạo của mình để có được chiếc Dekotora ngầu nhất và dị nhất, chính phủ Nhật cũng ủng hộ trào lưu này và cho phép những chiếc Dekotora được chạy ngoài quốc lộ.


Mục đích của những quả dưa hấu vuông này là để tiết kiệm không gian khi vận chuyển, và chỉ thế thôi, không có mục đích gì khác.


Nếu bạn chỉ mới biết đến Vrohto, thì sang Nhật bạn sẽ bị chóng mặt với hàng trăm nhãn hiệu thuốc nhỏ mắt. Mỗi loại lại đem đến một cảm giác khác nhau cho mắt, thậm chí có cả cảm giác... nóng.


Dép toa-lét, chỉ đi trong toa-lét, không được phép đi chỗ nào khác với đôi dép đặc biệt này.


Cửa taxi tự mở để tiết kiệm thời gian cho cả khách và tài xế, công nghệ này đã có ở Nhật từ năm 1964


Tiếp viên thang máy là nghề khá phổ biến ở Nhật, bên cạnh việc chào hỏi và bấm nút, tiếp viên sẽ giới thiệu sơ qua về tòa nhà nơi họ làm việc.


Trẻ em Nhật Bản luôn tự đi học một mình ngay từ khi học lớp 1, những em bé 6 tuổi sẽ tự bắt xe bus hoặc tàu điện ngầm để tới trường, đến chiều tối lại bắt xe bus về.


Thay vì đánh số nhà, ở ngoài cửa mỗi hộ gia đình Nhật đều  ghi tên chủ nhà, văn hóa "biển tên" này thuộc diện độc nhất vô nhị trên thế giới.


Vừa đi tàu hỏa vừa ngâm chân, tại sao không nhỉ?


Nhật Bản là một thiên đường Kitkat đúng nghĩa với đủ mọi mùi vị mà không nơi nào khác có như mù tạt, rong biển, gừng, chuối, đậu, dưa và đặc biệt là... Kitkat muối.
 Đây cũng là món bánh được du khách mua về làm quà nhiều nhất.


Khách sạn con nhộng rất được ưa chuộng tại Nhật vì giá rẻ và sạch sẽ, bên trong có đủ tiện nghi cần có để du khách nghỉ ngơi


Các nhân viên phân phát khăn giấy trên đường phố Nhật Bản là điều khiến rất nhiều người cảm thấy kỳ lạ.


Giấy ăn cũng là thứ được các designer Nhật thỏa sức sáng tạo.


Chỉ ở Nhật bạn mới thấy cái kệ rau củ quả không người trông ở ngoài đường, ai thích mua gì thì mua, tiền tự nhét vào trong hòm.


Cặp Randoseru là văn hóa đặc trưng của giáo dục Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp chiếc cặp này trong bất cứ ấn phẩm truyện tranh nào. Được may rất chắc chắn bằng da xịn, một chiếc cặp này có thể sử dụng đến 6 năm mà không hư hỏng. 
Theo truyền thống Nhật, nam sinh luôn đeo cặp đen còn nữ sinh đeo cặp đỏ.


Bàn sưởi Kotatsu dùng cho việc sưởi ấm chân khi cả gia đình ngồi tề tựu nói chuyện, xem tivi.