Ác mộng của Nigeria hiện giờ là Boko Haram, tổ chức khủng bố được mệnh danh là còn tàn ác hơn cả IS. Trong 6 năm hoành hành, tổ chức này đã khiến 2 triệu người Nigeria phải rời bỏ quê hương, 90 nghìn người Cameroon khác phải mất đi nhà cửa, lang thang đi tìm một chân trời mới yên bình hơn.
Ibrahim và Hauna là một cặp đôi người Nigeria phải chịu cảnh chia ly cũng vì Boko Haram. Trong khi nàng trôi dạt tới trại tị nạn Minawao ở nước làng giềng Cameroon, chàng kiên quyết ở lại Nigeria để hoàn thành nốt khóa học. Ngày ấy, chàng còn kỳ thi, và nếu bỏ đi, có thể Ibrahim sẽ chẳng còn cơ hội nào để tiếp tục việc học nữa. Tương lai sẽ thế nào khi không có tri thức?
Anh Ibrahim và chị Hauna trong ngày vui hội ngộ.
Đời đưa đẩy thế nào, cuối cùng cả hai lại hội ngộ ở trại tị nạn Minawao chỉ một thời gian ngắn sau đó. Gặp lại nhau, việc đầu tiên mà cặp đôi làm là dành cho nhau cái ôm thật chặt, họ đã từng hứa sẽ làm đám cưới ở quê nhà, nhưng giờ chẳng còn nhà mà về nữa rồi. Chẳng sao, họ quyết định sẽ tổ chức đám cưới ở Minawao.
"Tôi phải ôm em, cọ sát má em vào mặt tôi. Thiên đường chưa bao giờ ở gần tôi đến thế trong ngày hôm ấy, ngày tôi gặp lại em", Ibrahim chia sẻ về khoảnh khắc anh nhìn thấy tình yêu của đời mình, vẫn nguyên vẹn và thân thương như thế tại Minawao.
Đám cưới diễn ra đơn sơ nhưng thật ấm cúng. Vây quanh là sự chúc phúc của bạn bè, những con người mới chỉ kịp quen ở trại tị nạn. Bữa tiệc cũng tuềnh toàng vài chai nước ngọt, một ít bánh, quan trọng gì mâm cao cỗ đầy, có nhau là đủ rồi. Ibrahim và Hauna đã bắt đầu cuộc sống gia đình như thế đấy, dù vẫn còn không ít khó khăn trước mắt, tuy nhiên chỉ cần được bên nhau, có nắm trong tay chỉ là vài hòn sỏi đá cũng là đá quý trân châu.
Ibrahim và Hauna thành hôn trong ngày hôn lễ.
Hoàn cảnh ngặt nghèo không thể ngăn cản con người ta tìm thấy ánh sáng của niềm hy vọng. Có thể, ngày hôm trước, họ còn miệng khô, mắt cạn nước, gào thét thảm thiết giữa lòng Địa Trung Hải, vậy mà ngày hôm sau khi chạm chân xuống bờ biển cát vàng, nụ cười lại rạng rỡ tươi tắn như mọi sóng gió gian truân chưa từng một lần xảy ra.
Không chỉ Ibrahim và Hauna, nhiều người cũng vậy.
Nụ cười hạnh phúc của lũ trẻ đang sống tại Trung tâm phục hồi trẻ em tại Uganda. Tổ chức này được lập ra để giúp đỡ trẻ em đường phố tái hoà nhập cuộc sống và giúp đỡ gia đình.
Người cha tung đứa con gái lên, vui đùa với nó tại một trạm trung chuyển dành cho người tị nạn tại Sid, Serbia. Được biết, Serbia là điểm trung chuyển dành cho người tị nạn muốn tiến vào khu vực lãnh thổ Châu Âu.
Diễn viên Kuisang Ramba đang nhảy múa cùng bé gái 9 tuổi Jamuna Nepali tại khu vực chăm sóc trẻ em tại Charikot, quận Dolakha, Nepal. Một trận động đất 7.8 độ Richter trong năm 2015 đã giết chết hơn 8000 người Nepal và phá huỷ hàng loạt tài sản người dân.
Những đứa trẻ đến từ miền nam Sudan đã lại có thể vui cười hồn nhiên sau khi tìm được bến đỗ mới của cuộc đời tại Uganda. Nam Sudan hiện đang phải trải qua cuộc nội chiến tồi tệ kể từ sau 2 năm độc lập tách khỏi Sudan. Ít nhất có khoảng 2.2 triệu người thiệt mạng hoặc bỏ xứ ra đi vì chiến tranh kéo dài.
Niềm hạnh phúc của cô bé Dunya, 13 tuổi, đến từ Mosul, Iraq khi nhận được đôi giày mùa đông mới. Dunya cũng là một trong số hàng triệu người phải đi tìm nơi sống khác sau khi IS chiếm đóng thủ đô Mosul và phá hoại cuộc sống yên bình nơi đây.
Khoảnh khắc được vô ưu vô lo hiếm hoi của những thiếu niên ở trung tâm cứu trợ Otopavac, Croatia. Kể từ ngày cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu bắt đầu nhen nhóm, chúng có lẽ chưa bao giờ được vô tư đến thế.
Quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến Mùa xuân Ả Rập có lẽ là Syria. Nạn nhân trực tiếp cho cuộc nội chiến tàn bạo ấy, không ai khác chính là bọn trẻ. Đáng ra ở cái lứa tuổi này, chúng nên được cười như thế này nhiều hơn nữa.
Nhìn những nụ cười này, có ai nghĩ hai cha con vừa trải qua canh bạc sống chết với Tử thần đâu. Tuy rằng chặng đường đến với giấc mơ Châu Âu vẫn còn dài lắm, nhưng có lẽ dựa vào nhau, cả hai rồi sẽ ổn thôi.