Trước đó, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Giáo hội Texas (thành phố Dallas, bang Texas) cũng đã tham gia điều trị cho bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola được phát hiện trên đất Mỹ - người đã tử vong vào tuần trước sau khi được chẩn đoán nhiễm Ebola. Ngay sau khi có dấu hiệu sốt và được phát hiện nhiễm Ebola, nhân viên y tế này đã lập tức được cách ly vào ngày 14.10 (theo giờ địa phương).
Nhân viên y tế thứ 2 được chẩn đoán nhiễm Ebola tại Mỹ.
Thông tin về nhân viên y tế thứ 2 nhiễm virus Ebola khiến nhiều người quan ngại về khả năng ứng phó với dịch bệnh Ebola trên toàn thế giới.
Trước đó, nữ y tá người Mỹ gốc Việt Nina Phạm bị nhiễm Ebola cũng vì chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Ebola tại Mỹ. Hiện tại, 75 người ở Dallas từng tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola được phát hiện trên đất Mỹ vẫn đang được giám sát chặt chẽ.
Trong khi Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola, tình hình tại Tây Phi cũng ngày một nghiêm trọng. Hơn 4.000 người đã thiệt mạng do nhiễm Ebola kể từ đầu năm nay. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong vòng vài tháng tới, mỗi tuần có tới 10.000 ca nhiễm Ebola mới tại 3 quốc gia tâm dịch gồm Sierra Leone, Liberia và Guinea.
Liên Hợp Quốc ngày 14/10 cũng đưa ra cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ bị thất bại trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola, khi các nỗ lực quốc tế hiện không đáp ứng đủ công tác phòng chống dịch bệnh. Trong bài phát biểu được truyền từ Thủ đô Accra, Ghana tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, ông Anthony Banbury, người đứng đầu Phái bộ Liên Hợp Quốc phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola cho biết, virus Ebola đang vượt khỏi sự kiểm soát trong cuộc chiến chống đại dịch này.
(Tổng hợp)