Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt

Hương Cherry, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 20/03/2016
Chia sẻ

Tại một khu vực hẻo lánh ở Indonesia, người chết cùng xác của họ vẫn được coi là một phần của gia đình và chỉ được đem chôn cất khi người nhà cảm thấy cần thiết.

Chết là hết, là sang cõi khác, là vĩnh viễn chia ly với gia đình người thân. Đó chỉ là những gì mà cả thế giới nghĩ mà thôi, không phải quan niệm của người Toraja. 

Theo tập tục của người Toraja – một bộ tộc sống tại phía nam đảo Sulawesi, Indonesia thì việc giữ xác người quá cố trong nhà và sinh hoạt chung như người bình thường đã trở thành thông lệ. Tập tục này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian khá lâu – có thể là vài tháng, hoặc vài năm trước khi tang lễ chính thức được diễn ra để người thân làm quen dần với sự mất mát, đau thương.

Ngoài ra, các bà con hay họ hàng xa của họ cũng có thêm nhiều thời gian đến gặp mặt người quá cố lần cuối. Do vậy, khi tang lễ chính thức được diễn ra sẽ có rất đông người tới tham dự. Thậm chí, giao thông còn bị tắc nghẽn nghiêm trọng khiến xe cảnh sát và xe cấp cứu cũng không thể chen vào được.

Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt - Ảnh 1.

Người chết được gọi là "người ốm" và được giữ trong nhà nhiều ngày, nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm trước khi tang lễ chính thức được tổ chức.

Cụ thể, người Toraja sẽ ướp xác người quá cố bằng loại dung dịch formalin nhằm tránh sự phân hủy và hạn chế tình trạng bốc mùi khó chịu trong nhà. Dĩ nhiên, người chết vẫn sẽ được đối xử như khi còn sống và được gọi là makula, có nghĩa là "người ốm". Điều này cho thấy, bộ tộc sống tại phía nam đảo Sulawesi vẫn luôn giữ trong lòng một khái niệm bất di bất dịch: Cái chết không phải là dấu chấm hết và người chết vẫn có mối liên hệ mật thiết với người thân còn sống.

Được biết, người Toraja chỉ mới tiếp xúc với chữ viết từ đầu thế kỷ 20 nên đa số tập tục của họ đều là truyền miệng. Còn theo các nghiên cứu thì tập tục này được bắt nguồn từ trước thế kỷ thứ 9. Đối với người Toraja, thì lễ tang gần như là hoạt động quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của họ.

Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt - Ảnh 2.

Người chết trước khi chôn cất sẽ được ướp xác và đối xử y hệt như khi còn sống.

Bên cạnh đó, người đến dự lễ tang phải có nghĩa vụ tặng quà cho gia đình vừa mất người thân. Và gia đình này sẽ phải "trả lễ" bằng việc tặng lại những món quà có giá trị hơn khi đến dự lễ tang của những gia đình khác trong tương lai. Bởi vậy mà quà tặng trong tang lễ cũng được thống kê hết sức chi tiết. Thậm chí, người ta có thể không cho con cái học đại học vì "học phí quá cao". Nhưng vẫn sẵn sàng chi ra một số tiền còn lớn hơn để mua quà tặng khi một người họ hàng nào đó qua đời.

Đồng thời, số người tới tham dự và số trâu dùng để cúng trong tang lễ cũng phần nào nói lên địa vị của người đã khuất. Du khách tới làng vào dịp tang lễ chính thức sẽ được mời làm khách và được coi là một biểu tượng để thể hiện địa vị của gia đình.

Đặc biệt hơn, bộ tộc ít người Toraja còn có tập tục đào mộ người chết vài năm một lần để thay quần áo và áo quan mới trước khi đem chôn lại, gọi là ma’nene’ hay "tang lễ tiếp theo".

Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt - Ảnh 3.

 Tang lễ chính thức được coi như một "ngày hội" và số lượng trâu bị giết trong suốt tang lễ có thể lên tới hơn 100 con.

Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt - Ảnh 4.

  Du khách sẽ trở thành "khách Vip" nếu đến làng người Toraja đúng dịp diễn ra tang lễ.

Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt - Ảnh 5.

 Chỉnh kính cho xác chết trong ma’nene’ hay còn gọi là "tang lễ tiếp theo".

Indonesia: Khi cái chết không phải lời vĩnh biệt - Ảnh 6.

 Người Toraja trẻ chụp ảnh trong lễ ma’nene’ của tổ tiên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày