Như vậy, Hy Lạp đã trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên vỡ nợ trước IMF, một tổ chức tài chính quốc tế với 188 quốc gia thành viên có nhiệm vụ duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới.
Ảnh: CNN
Với việc vỡ nợ, Hy Lạp sẽ bị ngăn không được tiếp cận các nguồn lực của IMF cho đến khi việc thanh toán được thực hiện.
Trước đó, hôm 30/6, Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, chính phủ nước này đã đề xuất một thỏa thuận 2 năm với Cơ chế Bình ổn châu Âu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của Athens, và nhằm tái cấu trúc nợ đồng thời.
“Hôm nay (30/6), Chính phủ Hy Lạp đã đề xuất một thỏa thuận 2 năm với Cơ chế Bình ổn châu Âu nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của Athens và việc tiến hành tái cấu trúc nợ (diễn ra đồng thời). Hy Lạp vẫn đang đàm phán”.
Cơ chế Bình ổn châu Âu được hiểu là quỹ cứu trợ thường trực của Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, được khởi động từ 2012. Mục tiêu của chương trình này là duy trì ổn định tài chính trong khu vực đồng Euro.
Quyết định trên được xem như là nỗ lực cuối cùng vào phút chót của Athens, với hy vọng có thể khai thông được tình trạng bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán, thương lượng với các chủ nợ của nền kinh tế châu Âu này.
Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro đã tiến hành cuộc họp bất thường qua điện thoại để xem xét yêu cầu trên. Cuối cùng các bên đồng ý sẽ tiến hành một cuộc họp khác trong ngày hôm nay. Dự kiến, ở lần họp này, Hy Lạp sẽ đưa ra nhiều chi tiết hơn.
Theo ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro, bất cứ sự giải cứu nào cũng yêu cầu các điều kiện chặt chẽ hơn so với những gì mà Hy Lạp đã từ chối, vì sự đi xuống nhanh chóng của hệ thống tài chính Athens.