Hành trình 9 năm bay trong vũ trụ để chụp được hình ảnh lịch sử về Diêm Vương tinh

Diệp Nguyễn, Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 18:44 15/07/2015

Sau 9 năm ròng rã bay trong vũ trụ, con tàu New Horizons đã tới được nơi xa xôi nhất trong hệ Mặt Trời, ghi lại thành công hình ảnh đầu tiên của ngôi sao Diêm Vương đầy bí ẩn.

Vậy là vào chiều ngày 13/7 (3h sáng ngày 14/7 giờ Việt Nam), “cư dân Trái Đất” đã được nhìn thấy Diêm Vương Tinh (Pluto) một cách rõ nét nhất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bề mặt Pluto lộ diện một cách chi tiết và trọn vẹn đến vậy. Và điều vĩ đại hơn cả, đó là tàu thăm dò New Horizons - con tàu đã chụp lại bức ảnh Pluto và gửi về - đã mất tổng cộng hơn 9 năm để có thể tiếp cận mảnh đất xa xôi này.


Bức hình rõ nét nhất về bề mặt Pluto mà "người Trái đất chúng ta" từng được thấy.


Bắt đầu hành trình của mình vào năm 2006, New Horizons đã du hành với tốc độ 14km/s (31 nghìn dặm/giờ) qua hơn 4,8 tỉ cây số vũ trụ trong suốt 9 năm ròng rã, chỉ để ghi lại những hình ảnh cận cảnh của bề mặt Pluto. Ở phạm vi tiếp cận gần nhất, New Horizons “chỉ” cách bề mặt 12.500 km và đó chính là điểm gần nhất mà các nhà khoa học từng tiếp cận được với Pluto.

Ngay sau khi những bức hình về Pluto được ghi lại, tàu New Horizons đã gửi về cho trạm vũ trụ NASA bức hình rõ nét nhất. New Horizons thậm chí đã mất 4 tiếng rưỡi chỉ để gửi bức hình này về Trái Đất. Và theo như NASA, bức hình này được chụp ở khoảng cách 766.000 km tới bề mặt Pluto, và được chụp vào khoảng 4 giờ chiều ngày 13/7 (giờ miền Đông nước Mỹ), chỉ khoảng 16 tiếng trước khi New Horizons tiếp cận Pluto ở cự ly gần nhất. 

Trong suốt hành trình của mình, New Horizons đã ghi lại rất nhiều hình ảnh của Pluto và mặt trăng của nó. Chúng ta có thể thấy, từ những chấm mờ trắng trên ảnh cho đến bức hình rõ nét của ngày hôm nay là cả một hành trình vĩ đại của con tàu này. Team New Horizons ở mặt đất vẫn mong chờ sẽ tiếp tục công bố những bức hình mới nhất và gần nhất về bề mặt của Pluto, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian tới. Bởi sẽ mất tới 16 tháng để team New Horizons nhận hết dữ liệu từ tàu chuyển về mặt đất. 


Bên trái là hình Pluto được chụp lại vào tháng 4 năm 2015, và bên phải là bức hình mới nhất được New Horizons gửi về.


Từ trước đến nay, hình ảnh của Pluto vẫn là một bí ẩn lớn với tất cả các cư dân Trái Đất. Dù là một trong 9 "thuộc hạ" của Mặt Trời, thế nhưng bởi khoảng cách khổng lồ của Pluto tới Trái Đất, chúng ta vẫn chưa bao giờ được thật sự nhìn thấy Pluto. Cho đến ngày 13/7 vừa rồi, bức hình rõ nét nhất về bề mặt của Pluto mà chúng ta có được là bức hình chụp từ kính thiên văn Hubble. Trong bức hình này, bề mặt Pluto mờ ảo với những đốm sáng tối không rõ ràng. Vào năm 1994, bức hình Pluto và mặt trăng Charon của nó chỉ là hai đốm đỏ cam, còn bức hình chụp bề mặt Pluto vào năm 1996 chỉ là…. một tổ hợp các khối vuông đen - trắng.


Bình minh trên Pluto, ở khoảng cách này, mặt trời chỉ như một ngôi sao nhỏ xa xôi.


Theo công bố từ NASA, Diêm Vương Tinh nằm cách mặt trời 5,9 tỷ cây số, mặc dù là nơi xa xôi nhất trong hệ mặt trời, nhưng ngôi sao nhỏ bé này vẫn nhận được lượng ánh sáng giữa trưa tương đương với buổi chiều tối của Trái Đất.

Trong những ngày tới đây, khi con tàu kiên cường New Horizons hạ cánh xuống bề mặt Diêm Vương, "người Trái Đất" có thể sẽ biết thêm rất nhiều điều về ngôi sao lạnh giá và bí ẩn này.