Giới thượng lưu Trung Quốc chi tiền học cách làm sang

Trang Linh, Theo Trí Thức Trẻ 18:10 01/12/2014
Chia sẻ

"Người giàu Trung Quốc trước đây thường chỉ chăm chăm đi mua hàng hiệu để phô trương sự giàu có, nhưng bây giờ họ lại tập trung để nâng cao kiến thức, cách ứng xử để giúp mình trở nên khác biệt"...

Sự phát triển của kinh tế và du lịch toàn cầu cùng mối quan tâm với giáo dục phương Tây đã khiến tầng lớp trung và thượng lưu Trung Quốc khao khát tìm đến những chuyên gia về ứng xử, ngoại giao, nhằm cải thiện phong cách và vị thế cho mình.

"Người giàu Trung Quốc trước đây thường chỉ chăm chăm đi mua hàng hiệu để phô trương sự giàu có, nhưng bây giờ họ lại tập trung để nâng cao kiến thức, cách ứng xử để giúp mình trở nên khác biệt", ông James Hebbert, Giám đốc quản lý của Seatton, một công ty văn hóa và giao tiếp Anh ở Trung Quốc, cho biết.

Giới thượng lưu Trung Quốc chi tiền học cách làm sang 1
Nhiều cô gái và phụ nữ có chồng đã chi rất nhiều tiền để tham gia những khóa học ứng xử với mong muốn có được phong thái đài các, sang trọng và quý tộc.

Với sự phát triển mạnh của xu hướng này, ông Habbert đã có cơ hội đi tới khắp mọi miền Trung Quốc để hướng dẫn, giảng dạy cho giới nhà giàu cách bắt tay, ôm hôn, thắt cà vạt, thắt nơ hay sử dụng dao dĩa, cách ăn mặc, trang điểm cho phù hợp với từng dịp. 

"Người Trung Quốc không muốn mất mặt trong các cuộc hội đàm kinh doanh hay những chuyến du lịch sang các nước phương Tây", ông Hebbert nói.

Theo Tổ chức Boston Consulting Group, Trung Quốc là quốc gia có số lượng tỷ phú nhiều thứ 2 trên thế giới với số các hộ gia đình triệu phú tăng từ 1,5 triệu vào năm 2012 lên 2,4 triệu trong năm 2013. Và với số lượng gia đình triệu phú ngày một tăng cao, nhu cầu cải thiện bản thân của họ lại càng tăng cao.

Tại 1 trường học văn hóa và giao tiếp Sarita, người sáng lập Sara Jane Ho đã mở ra các khóa học hướng đến các tầng lớp thượng lưu của Trung Quốc. Trong đó, tại Bắc Kinh, Jane Ho đã mở 1 lớp học các quy tắc ứng xử cho những phụ nữ đã kết hôn và xuất thân trong gia đình giàu có.

"Học viên của tôi - những người từng mua những chiếc túi Hermes vào 10 năm trước, giờ đây, họ muốn thể hiện đẳng cấp của mình và có những khao khát lớn hơn", cô Ho chia sẻ.

Khóa học ứng xử kéo dài 12 ngày và có mức học phí là $16,345 (hơn 33 triệu đồng). Khi tham gia khóa học này, những học viên sẽ có cơ hội được học các nghi thức giao tiếp xã hội cấp cao như cách tổ chức một bữa tiệc tối, các thủ thuật giao lưu, các quy tắc ngoại giao, cách ứng xử trong khách sạn và nhà hàng. Thậm chí, còn có cả những lớp học giúp học viên đánh vần chính xác các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Ngoài ra, còn có những khóa học khác được mở cho những cô gái trẻ để giảng dạy về cách thức hẹn hò, giới thiệu bản thân hay làm thế nào để trò chuyện và ăn mặc thu hút người đối diện.

Cô Ho, đến từ Hồng Kông, từng học tập và sinh sống tại Mỹ cho biết mình có kinh nghiệm giảng dạy trong các khóa ứng xử, giao tiếp cho biết “Các học viên của chúng tôi là những người đi tiên phong trong ngành kinh tế, chính trị và nhiều lĩnh vực khác, vì thế việc tìm kiếm được 1 người thầy mà họ tôn trọng là điều rất khó khăn. Bởi vậy, những giáo viên tại trung tâm của tôi cũng xuất thân từ tầng lớp quý tộc và họ đang sống cuộc sống giàu có, và như vậy, họ có thể hiểu được nhu cầu của từng học viên".
 
Nhiều bậc phụ huynh giàu có tại Trung Quốc ngày càng có xu hướng giáo dục con theo phong cách của người phương Tây. Họ gửi con vào các trường học nội trú, và bằng mọi giá họ luôn cố gắng để con em của mình có thể nhập học ở môi trường tốt nhất, hiện đại nhất.
 
Lớp học của cô Ho tập trung vào các kỹ năng làm cha mẹ. Theo lời khuyên của ông, một nhóm phụ huynh có con ở độ tuổi 10 tuổi đã cho con sang Bỉ du học với hy vọng trở thành những nhà lãnh đạo hoặc những nhà kinh doanh tài ba. “Trẻ em cần được học tại những ngôi trường hàng đầu để được hưởng nền giáo dục tốt nhất”, cô Ho nói.
 
Trường học văn hóa ứng xử có tên Debretts ở London từng chiêu mộ được rất nhiều sinh viên nước ngoài theo học. Các lớp học của Debretts chuyên tập trung vào việc phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp trong cuộc sống (bao gồm phỏng vấn, đối thoại, mạng xã hội,…).

“Học tập ở nước ngoài có thể khiến nhiều bạn cảm thấy sốc với một khối lượng học tập lớn. Chúng tôi đang giảng dạy các học viên cách ứng xử trong bất kỳ môi trường nào trên thế giới”, Joanne Milner - Giám đốc điều hành của Debretts nói.

Năm nay, Debretts tung ra các chương trình đào tạo tại Hồng Kông và Thượng Hải. Rất nhiều sinh viên nước ngoài lựa chọn để tham dự các lớp học ở London. Trong tháng Bảy, khóa học ở London đã có 14 sinh viên Trung Quốc đăng ký.
 
Các khóa học khẳng định bản thân, ăn uống và học nghi thức của trường có giá 735USD (hơn 15 triệu đồng) và kỹ năng phỏng vấn là 850USD (hơn 17 triệu đồng).
 
“Những cách giáo dục của chúng tôi rất đơn giản như việc giao tiếp bằng ánh mắt, cái bắt tay như một hành động rất tự nhiên mà không hề gò bó đối với các sinh viên trẻ Trung Quốc. Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Chúng ta phải xử lý như thế nào, phải làm gì để thúc đẩy bản thân khi nội dung cuộc thảo luận được đưa ra và liên tiếp đưa ra những câu hỏi”, Milner nói.
 
Khi đề cập đến việc mở rộng nội dung đa dạng với các nền văn hóa và các nghi thức của nhiều dân tộc, Hebbert nói đó không phải là vấn đề đúng hay sai. “Đó chỉ là cách giảng dạy và đề cao các nền văn hóa khác nhau”, đại diện trường học này khẳng định.

(Nguồn: CNN)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày