10 trường đại học danh tiếng ở Anh trong đó có trường Cambridge, Cardiff, London, Edinburgh... khiến nhiều người cảm thấy ghê sợ khi tiến hành những thí nghiệm được cho là dã man trên những chú mèo để nghiên cứu phương pháp chữa trị một số bệnh hiểm nghèo ở người.
Những con mèo bị gắn điện cực xung quanh hộp sọ, xương sườn, xương sống.
Tại trường Đại học Cardiff và Edinburgh, những con mèo tham gia thí nghiệm được nuôi trong bóng tối, hoàn toàn không được tiếp xúc với ánh sáng. Trong quá trình thí nghiệm, người ta tiêm vào cơ thể mèo con những liều thuốc gây mê khiến chúng bị tê liệt, hộp sọ bị phá vỡ rồi gắn những điện cực vào não, xương sườn và xương sống của chúng. Các nhà khoa học nói rằng họ tiến hành các thí nghiệm trên để nghiên cứu về cơ thể con người.
Phổi của nhiều chú mèo bị phá hủy hoàn toàn trong quá trình làm thí nghiệm, ở một số trường đại học người ta còn tiêm cả thuốc gây tê để chúng không thể thở hoặc di chuyển được. Điều đáng nói, là sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu, hầu hết những con mèo tội nghiệp đều bị giết hại.
Thuốc gây tê được tiêm vào cơ thể mèo để chúng không thể thở và cử động được nữa.
Những người hoạt động trong các tổ chức bảo vệ động vật ở Anh vô cùng bức xúc khi biết các phòng thí nghiệm tại 10 trường đại học danh tiếng nước Anh đối xử tàn bạo với những chú mèo, họ cho rằng đó là một hành động “ghê tởm”.
Andrew Tyler, giám đốc hội Cứu giúp động vật nói rằng: “Những chú mèo bị mang ra làm vật thí nghiệm đã phải chịu đựng bao nhiêu là đau đớn. Những thí nghiệm tàn bạo như vậy liệu sẽ đóng góp được gì cho sự tiến bộ của nền y học”.
Sau khi các thí nghiệm kết thúc, hầu hết các chú mèo không thể sống sót do bị tiêm quá nhiều thuốc gây tê.
Trong khi đó, đại diện của các trường đại học tiến hành thí nghiệm nêu trên đã lên tiếng phản đối cáo buộc của các tổ chức. Họ cho rằng việc nghiên cứu này đã được sự cho phép và giám sát của các tổ chức liên quan. Một số nhà khoa học cũng lý luận rằng mèo là con vật duy nhất có thể giúp họ tiến hành các thí nghiệm liên quan đế ngành y tế này.
Phát ngôn viên của Đại học London nói rằng các thí nghiệm mà mọi người đang lên án được thực hiện vào năm 1992 và năm 1998. Phía trường Đại học Cardiff thì cho biết quá trình nghiên cứu của họ đã kết thúc vào năm 2010 và “nghiên cứu của chúng tôi là nhằm hướng đến người bệnh, chúng tôi muốn tìm ra những giải pháp chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.