Sở hữu nhiều siêu xe Bentley hơn người Anh, trang trí nhà bằng đồ pha lê thượng hạng Swarovski nhiều hơn cả người Thụy Sỹ, vung tiền cho các mặt hàng thời trang xa xỉ như Louis Vuitton hay Versace nhiều hơn cả người Pháp và Italia... nhưng phong thái lịch thiệp của người Trung Quốc thì vẫn còn thiếu và thấp hơn nhiều quốc gia trên.
Các quan chức nước này cũng từng rất đau đầu với những thói quen xấu của người dân như khạc nhổ bừa bãi, quát tháo giữa đường, ăn uống xì xụp và chen lấn khi xếp hàng. Bởi vậy, rất nhiều chiến dịch truyền thông lớn nổ ra khắp nơi kêu gọi người dân có ý thức, hành vi ứng xử lịch thiệp.
Cách đây không lâu, thành phố Thượng Hải từng tiến hành chiến dịch “7 không”: không khạc nhổ, không xả rác, không phá phách, không phá hoại cây cảnh, không đi bộ trái luật, không hút thuốc nơi công cộng và không chửi thề. Tuy vậy, chiến dịch này đã thất bại thảm hại.
Trong kỳ thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, có tới 1.500 nhân viên được cử tới giám sát, ngăn ngừa các vụ đánh nhau tại trạm xe buýt. Trong khi đó, các tình nguyện viên mặc đồng phục liên tục phát các túi giấy để người dân địa phương khạc nhổ vào đó, thay vì nhổ ra đường.
Khi Trường ĐH Bắc Kinh tiến hành khảo sát độ lịch sự của người dân thì hầu hết tất cả các chỉ số đều chưa đạt chuẩn quốc tế.
Nhận thấy người đại lục có nhu cầu lớn trong việc học phép lịch sự, 1 ngôi trường về lễ nghi chuẩn bị được khai trương với những lớp học nghi lễ theo chuẩn mực tầng lớp quý tộc Anh.
Jane (phải) và các học viên trong một buổi học về nghi thức trên bàn ăn.
Sara Jane Ho, một nữ doanh nhân tại Hong Kong, lớn lên ở London sẽ là người tiên phong trong công cuộc khai trương lớp học này. Được tổ chức tại một khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh, mức học phí của khóa học này khá đắt, mỗi khóa sẽ dao động từ 2.000-10.000 bảng Anh (khoảng 330 triệu đồng).
Dù học phí cao nhưng lớp học này vẫn thu hút rất đông học viên. Hàng chục phu nhân của những doanh nhân giàu có đã đăng ký để được học cách dùng dao, dĩa đúng cách trên bàn ăn, cách gọt vỏ trái cây, cách chào đón mẹ chồng tương lai, hay cách đi giày cao gót và cách ăn canh, súp mà không tạo ra tiếng xì xụp. Các ông lớn của những tập đoàn quốc doanh Trung Quốc cũng sẽ mời Jane tới giảng dạy để giúp họ biết cách ứng xử trong những cuộc họp với các doanh nhân đến từ Mỹ hay Châu Âu.
Jane cho biết, rất nhiều người Trung Quốc giàu có muốn cải thiện hình ảnh trong xã hội bằng cách học theo lối cư xử tinh tế của giới quý tộc Anh. Cô cho biết “Có một sự huyền bí về các hoàng gia châu Âu mà người Trung Quốc không thể cưỡng lại. Mọi nét quý tộc tại Trung Quốc đã bị xóa bỏ nên giờ người dân Trung Quốc lại tỏ ra thích thú với cung cách ứng xử của những triều đại hoàng gia cách đó hàng trăm năm”.
Trong các buổi giảng bài, Jane dự định sẽ dùng những hình ảnh và đoạn video minh họa của công nương Anh, Kate Middleton bởi cô cho rằng công nương cũng có xuất phát giống như rất nhiều người dân tại đất nước Trung Quốc.
Jane cho biết “Kate có lẽ là thành viên hoàng gia được người Trung Quốc chú ý nhất. Cô ấy rất thanh lịch, rất đẳng cấp. Mặc dù cô ấy không xuất thân từ một gia đình quý tộc nhưng cô ấy lại thể hiện điều đó rất tốt. Và tôi nghĩ rằng cô ấy xứng đáng trở thành hình mẫu lý tưởng cho các bạn trẻ trên toàn cầu. Tất cả các học viên của tôi đều biết tới cô ấy."
Trong 1 quán ăn tại Bắc Kinh, Sara Jane - cựu sinh viên trường ĐH Harvard - cho biết người Trung Quốc đã đánh mất cung cách chuẩn mực của mình sau Cuộc cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, gia đình cô đã chuyển tới Hong Kong và làm ăn thành công ở đó.
Với một giọng Anh rất chuẩn, cô cho biết: “Tôi là người Trung Quốc và rất tự hào về đất nước mình. Tôi không nghĩ đa số người Trung Quốc cố ý tỏ ra khó chịu. Họ đơn giản là không được giảng giải về những nghi thức. Tại Hong Kong và London, sự tinh tế là quan trọng nhất."
Bà Zaozao Jiang, vợ của một triệu phú, một trong những học viên mới của Jane cho biết, chính cách hành xử gây sốc của những người xung quanh từng khiến cô suýt nữa thì quyết định ra nước ngoài sinh sống. “Tôi đơn giản là không thể chịu nổi việc người ta ngoáy mũi, khạc nhổ và nói chuyện quá oang oang”, cô gái duyên dáng ở tuổi 30 cho biết.
Chồng của Zaozao chính là chủ của một trong những nhà đấu giá lớn nhất Trung Quốc và gia đình có thu nhập tương đương 1 triệu bảng Anh/tháng. Bản thân cô thường xuất hiện trên các tạp chí thời trang bắt mắt.
Zaozao khẳng định: “Một số người cư xử cứ như thể những kẻ thô lỗ. Họ ăn uống rất ồn ào và nghe điện thoại ngay trong rạp chiếu phim hay đang dùng bữa tối. Trung Quốc có rất nhiều người giàu nhưng họ không hề biết cách cư xử. Tôi thường nghĩ về việc ra nước ngoài cũng vì lý do này”.
Cô sẽ chấp nhận chi trả từ 5.000 - 6.000 bảng Anh cho khóa học của mình và cho biết mình thực sự bất ngờ khi nhận ra nhiều điều chỉ sau 2 buổi học thử. “Chúng tôi được dạy cách bắt tay, cách thể hiện sự chú ý khi nói chuyện. Trước khóa học tôi không biết cách lau miệng sao cho đúng hoặc gập khăn ăn thế nào trước khi đặt lên đùi hoặc cách xé bánh mỳ và phết bơ lên trên”.
Theo tác giả bài báo trên tờ Daily Mail của Anh, sau khi tới Trung Quốc lần đầu năm 2004, ông học được "bài học" rằng không nên thò đầu ra ngoài cửa sổ xe khách ở đây. Bởi khi ông thò đầu ra cửa sổ, một người đàn ông ngồi trước đó 3 hàng ghế đã nhổ nước bọt “một cách rất chuyên nghiệp và rất nhiều” ra khỏi cửa sổ và trúng ngay vị trí ông ngồi. Ngoài ra việc mọi người xì mũi mà không có khăn tay cũng rất thường thấy.