Cuộc sống tủi nhục của người Việt trong các hiệu làm móng ở Anh

Trang Đỗ (Theo DailyMail), Theo Trí Thức Trẻ 16:39 19/08/2013

Cảnh sát cho biết hàng nghìn thợ làm móng gốc Việt tại Anh Quốc bị đối xử như nô lệ, thậm chí còn bị ép buộc hành nghề mại dâm.

Cảnh sát Anh mới đây cho biết hàng nghìn thợ làm móng gốc Việt tại Anh Quốc là những nạn nhân trong đường dây buôn người xuyên quốc gia. Trong số những nạn nhân này chủ yếu vẫn là phụ nữ. 

Cơ quan điều tra cho biết trên tờ The Sunday Times rằng để được nhập cư vào Anh Quốc, những nạn nhân này phải trả số tiền là 20.000 bảng Anh (khoảng 664 triệu đồng) cho những kẻ môi giới hay thậm chí là những kẻ buôn người. Tuy nhiên, do không có khả năng chi trả ngay từ đầu nên họ sẽ buộc phải làm việc kiếm tiền để trả nợ tại xứ người, đồng thời thường bị đe dọa đánh đập và ép buộc hành nghề mại dâm với mức lương bèo bọt. Kiếp "nô lệ" của những người lao động Việt sẽ chỉ kết thúc cho đến khi số tiền nợ khổng lồ kia được thanh toán hết.

Cuộc sống tủi nhục của người Việt trong các hiệu làm móng ở Anh 1

Theo điều tra, tại Anh, có khoảng 30.000 quán làm móng và cảnh sát đã đột kích khoảng 100 quán làm móng kể từ năm 2008. Bị bắt quả tang thuê 150 nhân viên nhập cư bất hợp pháp làm việc, những chủ quán làm móng này đã bị phạt khoảng 700.000 bảng Anh (hơn 23 tỷ đồng).

London, Manchester và Portsmouth là những điểm nóng của tình trạng bóc lột, mại dâm núp bóng dịch vụ làm móng. Cảnh sát thừa nhận rằng họ cũng không thể biết được chính xác số nạn nhân trong đường dây buôn người đang hành nghề làm móng tại những thành phố này.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, những kẻ buôn người thường kiếm được 21 tỷ bảng Anh từ những thương vụ buôn người và có khoảng 21 triệu người từng bị rơi vào đường dây buôn người, lạm dụng lao động đó.

Cuộc sống tủi nhục của người Việt trong các hiệu làm móng ở Anh 2

Một nạn nhân 28 tuổi có tên Mi Duc Li mới đây đã từng phát biểu trên Tòa án Northampton Crown rằng anh bị ép buộc làm việc trong quán làm móng ở Midlands để chi trả 23.000 bảng Anh (764 triệu đồng) - số tiền mà anh được cho vay để nhập cư bất hợp pháp sang Anh.

Xuất hiện với tư cách nhân chứng chống lại "trùm buôn người" Hanh Van Vu, anh Li đã kể lại cuộc sống bươn chải của mình sau 7 năm làm nô lệ nơi xứ người.

Li cho biết trước đây anh đến Anh Quốc với lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng, một mức lương hấp dẫn và có thể đổi đời. Sau khi sử dụng các loại giấy tờ du lịch giả để rời khỏi Việt Nam, Li đã hủy toàn bộ số giấy tờ đó trên máy bay và khai báo với giới chức trách tại sân bay Heathrow rằng anh là dân tỵ nạn. Sử dụng tên giả, Li bị những kẻ buôn người sau lưng thúc ép nói xấu chính quyền Việt Nam để được tị nạn ở Anh.

Bị thuyết phục bởi câu chuyện cùng những lý do mà Li và những kẻ buôn người đưa ra, Li được ở lại Anh mà không bị thẩm vấn thêm bất cứ lần nào khác. Anh được đưa tới 1 quán làm móng ở Bletchley, Buckinghamshire để làm việc và chỉ được nghỉ 1 ngày/tháng. Anh nói "Tôi rất hiếm khi được trả tiền. Vu luôn lấy hết tiền của tôi với lý do đã đưa tôi sang đất nước này."

Cuộc sống tủi nhục của người Việt trong các hiệu làm móng ở Anh 3

Sau khi đường dây buôn người bị phát hiện, Vu đã bị bắt giam 11 năm tù vì hành vi buôn người trái phép.

Một trường hợp khác cũng mới thoát khỏi đường dây buôn bán người trái phép, anh Li Tan cho biết anh luôn lo ngại rằng nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng sẽ bị lừa và đi theo vết xe đổ của anh. Anh cho hay tại Hải Phòng - nơi quê anh sinh sống, nhiều bạn trẻ thường chi 150 bảng Anh (khoảng 4,5 triệu đồng) để đi học làm móng với hy vọng xuất ngoại và sẽ kiếm được cực nhiều tiền chỉ trong thời gian ngắn.

Tờ The Sunday Times trích dẫn số liệu từng được khảo sát đó là hiện tại có tới 100.000 người làm móng gốc Việt đang hành nghề tại các quán làm móng của Anh. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 29.000 người nhập cư hợp pháp và được chính quyền công nhận.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã thực hiện chương trình thí điểm nhằm cung cấp các khoản vay, giúp đỡ những nạn nhân trong đường dây buôn người tại Anh quay trở về Việt Nam làm lại cuộc đời.

Hiệp hội Thẩm mỹ và Trị liệu Anh khuyến cáo người dân nên nói chuyện với các công nhân về trình độ, chế độ làm việc và đãi ngộ của họ nhằm tìm ra dấu vết của những kẻ buôn người đang ẩn nấp trong xã hội Anh.