Mười năm trước, vào tháng 3/2005, Kevin Berthia, một chàng trai trẻ sống tại vịnh San Francisco bỗng tìm đường ra cây cầu nổi tiếng Golden Gate, tìm cách kết thúc cuộc đời mình.
Kevin có một cô con gái nhỏ, cô bé sinh thiếu tháng, sức khỏe yếu ớt vô cùng. Chi phí chăm sóc cho con gái của Kevin đã lên đến 250.000 USD (khoảng 5.5 tỷ VNĐ), vô cùng tốn kém. Kevin chẳng tài nào có thể chi trả được khoản tiền khổng lồ này. Nợ nần chồng lên nợ nần, người đàn ông chẳng thể tìm ra cách trả, anh trở nên căng thẳng, trầm cảm và quyết định tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Trong suốt cuộc đời Kevin, chưa lúc nào anh lên cầu Golden Gate. Vậy mà ngày hôm ấy, lần đầu tiên anh bước lên cây cầu lại là ngày mà anh định kết thúc cuộc đời mình. Nào đã lần nào Kevin đến đây đâu. Thậm chí, anh còn phải hỏi đường người dân tới Golden Gate. Nó thê thảm đến đâu, khi người ta phải đi hỏi đường đến cái chết của mình?
Kevin Berthia trong lúc định nhảy cầu tự tử năm 2005.
Cũng ngày hôm ấy, sỹ quan Kevin Briggs có ca đi trực quanh khu vực cầu Golden Gate. Nhìn thấy Kevin đang trèo qua thành cầu, có thể sẽ nhảy xuống bất cứ lúc nào, một mạng sống có thể ra đi ngay trước mắt anh.
"Mọi thứ xung quanh đều làm tôi ngộp thở. Dường như mọi thứ đều đang nhắm vào tôi cả, mọi thứ cần phải giải quyết cùng một lúc ập vào đời tôi. Tôi cảm thấy mình như một tạo vật thất bại, chỉ cần quay lưng lại, buông đôi tay, và thế là mọi chuyện sẽ kết thúc. Tôi sẽ được giải thoát khỏi tất cả nỗi đau này", Kevin chia sẻ.
Ngày 06/03, hơn 10 năm kể từ ngày hôm ấy, Kevin năm nay đã 32 tuổi, sỹ quan Briggs cũng đã ngoài 50. Kevin không chết, anh quyết định quay về tiếp tục dũng cảm đối phó với mọi thứ, theo lời mà Briggs khuyên bảo.
Cũng ngày hôm ấy, chính cậu thanh niên ngày nào còn đang định kết thúc cuộc đời nay là người trao tặng bằng khen cho sỹ quan Kevin Briggs. Người ta vinh danh anh vì những cống hiến thầm lặng nhằm giảm thiểu số người tự tử mỗi năm tại Mỹ. Anh nghỉ hưu năm 2013 ở độ tuổi 50, sau đó tham gia vào tổ chức Tiếng nói toàn cầu, tập trung vào vấn đề giải quyết khủng hoảng, chống tự tử và kỹ năng lãnh đạo.
Kevin Berthia và ân nhân Kevin Briggs hội ngộ trong lễ trao giải ngày 06/03.
Ở đất nước được coi là phồn vinh bậc nhất, mỗi năm có đến hàng chục nghìn người tự sát mỗi năm. Theo số liệu của SAVE, một trang web về vấn đề giảm thiểu nạn tự sát, năm 2014 ở Mỹ có 42.227 vụ tự tử, chủ yếu ở lứa tuổi 15-24, lứa tuổi còn chưa chín chắn và rất dễ rơi vào khủng hoảng. Bất ngờ là, nam giới tự tử lại nhiều gấp 4 lần so với nữ giới.
Những người đàn ông, tưởng như luôn là biểu tượng của sự cứng rắn, luôn là hình mẫu anh hùng đương đầu với sóng gió lại là kẻ tìm đến biện pháp chạy trốn tiêu cực kia nhiều hơn cả. Liệu có phải là, khi xã hội quá kỳ vọng vào họ, ép buộc họ vào cái khuôn định kiến, buộc họ phải tự đương đầu với mọi thứ. Dần dà, những người đàn ông ấy chẳng tìm được sự đồng cảm, họ tự dồn mình vào chân tường và coi cái chết như một sự giải thoát. Một sự giải thoát rất đỗi hèn nhát và vô trách nhiệm.
Kevin Briggs có thể được coi là một người dẫn đường, chỉ cho những con người đang lầm lạc trong đau đớn một lối ra, dù cũng chỉ mông lung, nhưng vẫn gọi là có hy vọng. Nếu như không có anh, liệu bé gái 10 tuổi của Kevin Berthia giờ đang ở đâu? Dù mau chóng chia tay nhau sau khi Briggs đưa Kevin vào bệnh viện, Briggs có thể quên Kevin lẫn trong 200 người từng được ông cứu giúp, nhưng có lẽ, chẳng đời nào Kevin có thể quên được vị sỹ quan ngày nào.
Bức hình ghi lại khoảnh khắc sỹ quan Kevin Briggs an ủi, vỗ về cậu thanh niên dại dột đã trở thành một trong số những tấm hình mang giá trị nhân đạo lịch sử.
Hai người đàn ông lần đầu tiên gặp lại nhau sau hơn 1 thập kỷ.
"Tôi mất 8 năm cố đừng nghĩ về cây cầu ấy. Không bao giờ tôi muốn nhắc lại chuyện cây cầu. Nhưng khi tôi nhìn thấy anh, cứ như chúng ta là 2 người bạn cũ gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách vậy. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có thể dễ dàng chia sẻ, nói ra câu chuyện về mình, câu chuyện cây cầu và tất cả mọi thứ.
Mọi người biết đấy, chúng ta từng trải qua rất nhiều tình huống tương tự trong đời và tôi chưa bao giờ để ai nhìn thấy bộ dạng yếu đuối khốn khổ của tôi như hôm ấy. Tuy nhiên, cái quan trọng hơn là tôi phải ở đây vì con gái của mình. Con bé 10 tuổi rồi, và nếu không có anh ngày hôm ấy, chắc tôi chẳng có cơ hội được nhìn con bé lớn lên.", Kevin Berthia chia sẻ với ân nhân.