Cuối xuân năm 1934, hàng ngàn người dân Nhật Bản đổ về ga tàu Shibuya, Tokyo để tham dự một sự kiện chưa từng có. Một vẻ mặt khác lạ chợt hiện lên trong đám đông, nhẫn nại chịu đựng những bài phát biểu lê thê của các vị chính khách không một lời than vãn. Từ giáo sư Đại học Tokyo cho đến Thị trưởng quận Shibuya, chẳng lời nói hoa mỹ nào có thể khiến vị này thay đổi sắc mặt. Thay vào đó, vị khách quý chỉ bình thản nằm xõa tứ chi, đôi mắt thẳm buồn. Có thể vì không ưa những thứ trang trí kỳ lạ đang bị khoác lên người. Cũng có thể vì không hiểu gì. Bởi đơn giản, đó là một chú chó, có tên Hachiko.
Sau phần phát biểu, thị trưởng dắt một cô bé len qua đám người chật ních, tiến thẳng tới một khối đá hoa cương phủ lụa. Trong tiếng hò reo vang dội, cô bé nhanh chóng lật tấm vải. Hachiko, to như thật, lấp lánh ánh đồng thau. Chỉ trong vài phút, hàng ngàn hành khách chen nhau mua đồ kỷ niệm trong các cửa hàng cạnh ga như chocolate Hachiko, bánh gạo Hachiko, muối vừng Hachiko… Kể cũng đúng, bởi Hachiko vốn là chú chó nổi tiếng nhất xứ Phù Tang, mang trong mình ký ức buồn thảm nhất.
Vẻ mặt buồn bã thường trực của Hachiko những ngày cuối đời.
Huyền thoại bốn chân này ra đời vào tháng 11/1923, thuộc giống Akita thuần Nhật cổ. Mới được 2 tháng tuổi, Hachi (tên gốc) đã bị nhét vào thùng gỗ và gửi tàu hỏa về miền Nam. Đón chú ở ga tàu là ông chủ mới Hidesaburo Ueno, giáo sư tại Đại học Tokyo. Là người sống độc thân, giáo sư Ueno dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để chăm sóc, dạy dỗ và chuyện trò với Hachi. Trong tình thương của chủ nhân, Hachi nhanh chóng phổng phao và dần trở nên quá khổ với những chú chó Akita cùng lứa. Thân thiết như hình với bóng, mỗi sáng đôi bạn lại cùng nhau tản bộ trên con đường ra ga Shibuya gần nhà. Hachi thường đợi cho bóng ông Ueno đi khuất rồi mới về. Cứ đúng 3 giờ chiều khi tàu vào bến, chú đã có mặt ở cửa ga để đón ông cho dù mưa rơi hay tuyết phủ.
Tiễn chủ đi làm và đợi chủ trở về luôn là niềm vui sống mỗi ngày của Hachiko.
Những ngày hạnh phúc cứ êm đềm trôi cho đến ngày 21/5/1925 định mệnh. Tai họa ập đến, giáo sư Ueno bất ngờ đột quỵ do xuất huyết não khi đang giảng bài. Ông không qua khỏi và mãi mãi không bao giờ trở về nữa, bỏ lại Hachi ngày ngày đến ga chờ đợi trong suốt 9 năm, 9 tháng và 15 ngày sau đó.
Hachiko luôn nhẫn nại chờ đợi chủ nhân với một niềm tin bất diệt.
Buổi chiều hôm ấy, Hachi không thấy bóng dáng quen thuộc bước xuống sân ga. Điềm tĩnh ngóng đợi như thường lệ, Hachi đáng thương không hề biết rằng ông chủ yêu quý đã vĩnh viễn rời xa chú. Từ đó trở đi, hành khách đi tàu dần quen với một cảnh tượng lạ: Một con chó rất to nằm trước cổng ga Shibuya, đôi mắt đượm buồn như đang ngóng ai. Họ kể lại, trông nó rất cô đơn trong ánh chiều tà, im lặng và ngoan ngoãn. Vài ngày sau đó, như đoán được điều chẳng lành, không đợi đến tối, Hachi cứ có dịp lại đều đặn ra ga ngóng đợi trong vô vọng.
Chú chó già ngày một tiều tụy nhưng vẫn không từ bỏ thói quen ra ga ngóng chủ.
Truyền thông nhanh chóng biết được câu chuyện. Năm 1932, tờ Tokyo Asahi đã đưa hình ảnh Hachi lên trang nhất. Nhờ đó, rất nhiều người tìm đến ga Shibuya để tận mắt chứng kiến lòng trung thành đáng ngưỡng mộ của chú chó. Người ta cũng không ngại đem thức ăn và quần áo cho Hachi. Trẻ con đi học tìm cách vòng qua ga để vuốt ve chú, bác sĩ thú y tình nguyện chăm sóc miễn phí cho chú. Thậm chí, hoàng hậu Nhật Bản hồi đó còn không tiếc lời cảm thán cho số phận của Hachi. Từ đó trở đi, chú có hẳn một ổ lót chăn ấm trong phòng bưu điện ở ga làm nơi trú chân.
Hachiko thường được mọi người ở ga tàu quan tâm chăm sóc.
Sau này, Hachi được đổi tên thành Hachiko, vốn có ý nghĩa âu yếm và trang trọng trong tiếng Nhật. Từ đó, báo chí liên tục đăng tải nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa về chú chó trung thành Hachiko. Các cửa hiệu gần ga cũng nhanh nhạy cho ra nhiều mặt hàng mới như tem thư Hachiko, búp bê Hachiko... Các giáo viên coi Hachiko như tấm gương sáng về lòng trung thành cho học trò noi theo, các nghệ sĩ nổi tiếng cũng bắt đầu tán dương chú. Cả nước dấy lên phong trào phát triển giống chó Akita, và danh hiệu Chūken - chú chó trung thành - ra đời, làm rung động trái tim hàng vạn người dân đất nước Mặt trời mọc.
Bộ tem thư in hình Hachiko.
Không may, ngót 10 năm đợi chờ đã khiến Hachi yếu đi trông thấy. Ngoài tai trái bị liệt từ năm 1929, các bác sĩ còn phát hiện ra Hachi bị viêm khớp, ung thư phổi và đau tim. Cuối cùng, sau 10 năm ròng rã, phép màu của đợi chờ cũng đến khi Hachiko có cơ hội đoàn tụ với người chủ yêu thương. Ngày 8/3/1935, Hachiko trút hơi thở cuối cùng trong một buổi tối tuyết rơi trắng xóa tại một con phố ở Shibuya. Người ta còn đồn rằng, đây là con phố trước đây Hachiko chưa từng qua, nhưng xác của chú lại tình cờ chỉ về hướng mộ giáo sư Ueno. Qua đời khi đã 12 năm tuổi, khoảng thời gian chờ đợi trong suốt 1 thập kỷ đã chiếm trọn cuộc đời Hachiko.
Hình ảnh cuối cùng của Hachiko khi qua đời.
Ga Shibuya hôm sau chứng kiến một đám đông và sự im lặng chưa từng có. Cả quảng trường lớn ngập trong hoa và khói hương. Sự ra đi của Hachiko xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo lớn. Người dân Nhật còn dành hẳn một ngày để tang Hachiko.
Hàng ngàn người đổ về ga Shibuya để đưa tiễn Hachiko.
Xác Hachiko sau đó được bảo quản, nhồi bông và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên Nhiên và Khoa học Nhật Bản thuộc quận Ueno, Tokyo như một biểu tượng bất diệt của lòng trung thành.
Các chuyên gia đang hoàn thiện hình nộm Hachiko.
Vào năm 1987, câu chuyện phi thường về Hachiko đã được dựng thành phim điện ảnh “Hachiko Monogatari” (Câu chuyện về Hachiko) và được Hollywood làm lại vào năm 2009 với tên gọi “Hachi: A Dog's Tale” (Hachi: Câu chuyện về một chú chó).
Năm 1994, Đài phát thanh CBN Nhật Bản cho phát một bản ghi âm cũ ghi lại tiếng sủa của Hachiko. Với chiến dịch quảng cáo rầm rộ, ngày 28/5/1994, 60 năm sau cái chết của Hachiko, hàng triệu thính giả Nhật Bản đã cùng bật đài lắng nghe tiếng sủa hiếm hoi của chú. Ngoài ra, Hachiko còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều cuốn truyện thiếu nhi trên toàn thế giới. Thậm chí, một tuyến xe bus mang tên Hachiko từng được lập ra ở Shibuya, chuyên chạy trên tuyến đường trước đây Hachiko hàng ngày tiễn chủ đi làm.
Hình ảnh Hachiko tràn ngập trên đường phố Shibuya.
Ngoài bức tượng đồng đầu tiên được dựng năm 1934 tại cửa ga Shibuya (sau đó bị nung chảy để phục vụ chiến tranh), một bức tượng Hachiko khác được dựng lên ngay tại vị trí cũ, nơi chờ đợi quen thuộc của chú 10 năm trước. Không lâu sau đó, tại quê nhà của Hachiko, một bức tượng tương tự cũng được đặt ngay phía trước nhà ga Odate. Năm 2004, một bức tượng mới cũng được dựng trên bệ đá ngay trước Bảo tàng các loài chó giống Akita tại thành phố Odate.
Bức tượng Hachiko bằng đồng trước cửa ga Shibuya luôn được người dân trân trọng, thậm chí còn được đội mũ và quàng khăn khi tuyết rơi, bên cạnh là một người bạn mới bằng tuyết chia sẻ cái lạnh.
2015 là năm kỷ niệm 90 năm ngày mất của giáo sư Hidesaburo Ueno và 80 năm ngày Hachiko qua đời. Nhân dịp này, Đại học Nông nghiệp Tokyo đã dựng một bức tượng đồng về Hachiko trong khuôn viên trường. Đây trở thành một công trình không có tiền lệ khi mô tả cảnh tượng Hachiko vui mừng đoàn tụ với chủ nhân sau 10 năm xa cách.
Cảnh tượng đoàn tụ khiến nhiều con tim thổn thức.
Bức tượng này khiến không ít người rơi nước mắt bởi trong tâm trí họ, chú chó trung thành nay đã không còn phải chờ đợi trong cô đơn. Với Hachiko, 10 năm mòn mỏi trông ngóng vô điều kiện nay đã được đền đáp xứng đáng.