Nền giáo dục Nhật Bản được coi là nền giáo dục hàng đầu trên thế giới, với tỷ lệ mù chữ trên toàn quốc là xấp xỉ bằng không. Trẻ em Nhật từ khi đi học mẫu giáo đã được học không chỉ kiến thức, văn hóa xung quanh mà còn cả những kỹ năng sống cần thiết, nếp sinh hoạt tập thể và tinh thần trách nhiệm. Đối với quốc gia này, mỗi hoạt động trong ngày tại trường học đều là những tiết học thú vị, kể cả giờ ăn trưa tập thể, đây cũng là một trong những niềm tự hào trong nền giáo dục của Nhật Bản.
Với người Nhật, việc giáo dục cho con trẻ không nhất thiết phải theo nền nếp khuôn khổ cứng nhắc, họ muốn để bọn trẻ được tự mình cảm thấy vui thích và có hứng tiếp thu tri thức hơn. Vì vậy, cách thức mà trẻ em được tiếp nhận giáo dục tại Nhật là vừa học vừa chơi, lồng bài học cuộc sống vào những hoạt động đời thường nhất.
Các bài học về kỹ năng sống được lồng ghép vào những hoạt động đời thường nhất.
Bữa trưa của trẻ em Nhật tại trường không đơn thuần chỉ là một hoạt động bổ sung dinh dưỡng cho một ngày học tập thuần túy. Trong bữa trưa ấy, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng làm việc tập thể và những bài học đạo đức được lồng ghép vào nhau, tạo nên một tiết học đặc biệt vừa vui vừa bổ ích.
Khác với nhiều nước trên thế giới, các trường tiểu học, trung học cơ sở tại Nhật không có căng-tin. Phần lớn bữa trưa của học sinh sẽ do nhà trường tự nấu ngay tại bếp trường bằng những nguyên liệu tươi, mỗi ngày là một bữa ăn mới, không hề có chuyện làm thức ăn sẵn, bảo quản trong tủ đông rồi mới lấy ra hâm nóng khi đến bữa. Khẩu phần ăn dành cho học sinh được tính toán rất cẩn thận, cân bằng dinh dưỡng, tập trung nhiều vào rau củ và thịt cá. Vì vậy, trong gần 4 thập kỷ qua, tỷ lệ béo phì của trẻ em Nhật luôn đứng ở top thấp nhất trên thế giới, cũng như tuổi thọ của người dân nước này luôn luôn rất cao, trung bình là 83 tuổi.
Một bữa ăn tiêu chuẩn của trẻ em Nhật.
Bữa trưa tại trường học của trẻ em Nhật Bản là bữa ăn tự phục vụ. Chủ yếu các em sẽ cùng nhau dùng bữa trên chính lớp học của mình và tự phục vụ lẫn nhau. Mỗi ngày sẽ có một nhóm học sinh được phân công làm "anh nuôi" của cả lớp, có nhiệm vụ đi xuống bếp trường lấy thức ăn, bát đĩa lên cho cả lớp, sau đó chính nhóm này sẽ được "đứng quầy" phân phát thức ăn cho các bạn. Trẻ em Nhật được dạy tính kỷ luật ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng được bố mẹ giáo dục phải tự biết ơn cuộc đời, chấp nhận thức ăn mà mình được ban phát. Cũng chính vì thế, rất hiếm có chuyện các cô giáo phải đi dỗ dành, van nài học sinh ăn cho đủ bữa.
Thông thường, khâu chuẩn bị cho bữa trưa của học sinh sẽ bắt đầu từ sáng sớm. Đội ngũ đầu bếp khoảng 12 người sẽ cùng nhau lo liệu thức ăn cho khoảng 760 học sinh, đảm bảo sau khi tiết học cuối cùng của buổi sáng kết thúc, các học sinh sẽ có đồ ăn ngay. Mỗi trường ngoài các đầu bếp còn có những người chuyên nghiên cứu và viết thực đơn, thay đổi bữa ăn nhằm đảm bảo học sinh vừa không có cảm giác chán ăn, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng. Đây thực chất là một công việc khá khó khăn, bởi người đảm nhận sẽ phải có tư tưởng khá toàn diện, từ khía cạnh giáo dục, kỹ năng nấu nướng cho đến cách tư duy của một vị phụ huynh.
Đội ngũ đầu bếp sẽ một tay lo liệu gần 1000 suất ăn cho các học sinh trong trường.
Đến giờ ăn, nhóm khoảng 6 học sinh được phân công trực nhật ngày hôm đó sẽ cùng xuống nhà bếp lấy thức ăn. Việc phải lo thức ăn cho cả lớp không bao giờ là một việc nặng nhọc với trẻ em Nhật, thậm chí còn là vinh dự, bởi chúng sẽ coi đó là dịp để thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trước cả lớp. Thức ăn sẽ được đặt trên xe đẩy để học sinh không phải mất sức mệt mỏi khi mang hàng chục suất ăn lên lớp cho các bạn. Sau khi được giao đồ ăn, chúng sẽ cúi đầu cảm ơn đầu bếp, thể hiện sự biết ơn với những người đã bỏ công chế biến đồ ăn cho mình. Nhóm này lên lớp và tự phân phát thức ăn cho các bạn, sau đó dọn dẹp bát đĩa và vệ sinh lớp học sau bữa ăn. Mỗi suất ăn phải được cân đối bằng nhau, không hơn cũng không kém, chỉ khi các bạn đã ăn xong hết và vẫn còn thừa thức ăn, những đứa trẻ muốn ăn thêm mới được phép tiếp tục "nạp năng lượng", đây cũng là bài học về sự công bằng cho trẻ em Nhật Bản. Vỏ sữa sau khi được sử dụng xong cũng được các em thu thập vào một khay riêng biệt, phân loại với những rác thải sinh hoạt khác để tái chế.
Mỗi ngày sẽ có một nhóm học sinh được phân công trực nhật lo bữa trưa cho cả lớp.
Giáo dục Nhật Bản là cả một quá trình và cũng rất toàn diện. Bên cạnh phổ cập kiến thức cơ bản, các kỹ năng sống cũng rất được coi trọng và được lồng ghép vào những hoạt động tưởng như vô cùng đời thường. Chính từ nền giáo dục toàn diện ấy, người dân Nhật Bản mới có tinh thần trách nhiệm cao và sức cống hiến hết mình, tạo dựng một cường quốc Châu Á như ngày nay.