Thế giới tăng tốc tiêm phòng vaccine chống Covid-19

Vũ Anh Tuấn, Theo VOV 19:34 29/12/2020

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia cho rằng, vaccine là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh và quay trở lại cuộc sống bình thường.

Khi bản đồ lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục mở rộng, những ngày này các quốc gia đang đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine Covid-19.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ hôm qua (28/12) thông báo đã phân phối gần 11,5 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho các địa phương trên khắp nước Mỹ và tới nay đã tiêm chủng tổng cộng hơn 2 triệu liều vaccine đầu tiên. Chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng ở toàn bộ 50 bang nước Mỹ bắt đầu thực hiện từ ngày 13/12. 2 loại vaccine ngừa Covid-19 được phân phối trong đợt đầu tiên là vaccine của công ty Moderna của Mỹ và vaccine do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển. Việc phân phối cùng lúc 2 loại vaccine phòng Covid-19 được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho việc đẩy lùi đại dịch tại Mỹ, quốc gia hiện có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.

Thế giới tăng tốc tiêm phòng vaccine chống Covid-19 - Ảnh 1.

Không chỉ có Mỹ, châu Âu cũng đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, EU sẽ sớm có đủ liều vaccine phòng Covid-19 cho tất cả mọi người. Được biết, 27 nước EU có dân số gần 450 triệu người. Hiện nay, vaccine do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức phát triển là loại duy nhất được EU phê duyệt, với một hợp đồng mua 200 triệu liều và quyền lựa chọn mua bổ sung 100 triệu liều. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu dự kiến sẽ xem xét đơn xin cấp phép cho vaccine của Moderna vào ngày 6/1 tới. Hiện hàng loạt quốc gia EU đã triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 bằng loại vaccine của hãng Pfizer và BioNTech. Chiến dịch này được khởi động hôm 27/12, một ngày sau khi tất cả các quốc gia thành viên nhận được lô hàng vaccine đầu tiên kể từ khi được Ủy ban cho phép.

Ngoài Mỹ và châu Âu, một loạt các quốc gia khác cũng đang xúc tiến việc phê duyệt vaccine để tiêm cho người dân. Trong một tuyên bố, Tổng thống Brazil Bolsonaro cho biết, một loại vaccine ngừa Covid-19 sẽ có mặt tại quốc gia này trong vòng 5 ngày sau khi được cơ quan quản lý y tế liên bang phê duyệt.

"Tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng Y tế. 5 ngày sau khi được Cơ quan quản lý y tế phê duyệt, vaccine sẽ đến tay người dân. Không thể tiêm phòng cùng lúc cho tất cả mọi người vì chúng ta không có cách nào để có 100 triệu liều vaccine ngay lập tức nhưng vaccine sẽ được phân phối công bằng cho tất cả các bang ở Brazil".

Tại châu Á, một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Hàn Quốc, Singapore… cho biết cũng sẽ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine trong quý 1 năm tới. Hàn Quốc cho biết sẽ ký một thỏa thuận mua vaccine với hãng dược phẩm Moderna và dự kiến tiến hành chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 vào tháng 2 năm sau.

Ông Kang Min-seok, người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc cho biết: "Theo thỏa thuận ngày hôm qua (28/12) giữa Tổng thống Moon Jae-in và Giám đốc điều hành Moderna (Moderna Inc) Stéphane Bancel, Hàn Quốc và Moderna đang có kế hoạch ký hợp đồng để cung cấp vaccine cho 20 triệu người. Số liều vaccine sẽ tăng hơn nữa sau khi chúng ta đàm phán thêm với các hãng dược phẩm khác như Novavax và Pfizer".

Như vậy, trong bối cảnh thế giới vẫn còn loay hoay chống lại đại dịch Covid-19 khi con số ca lây nhiễm không ngừng gia tăng, vaccine được cho là chìa khóa để chiến thắng bệnh dịch. Tuy vậy, theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine chỉ là một trong số công cụ hiện có. Nhiều chuyên gia cảnh báo, vaccine sẽ không thể phát huy tác dụng nếu người dân không nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và chủ quan di chuyển trong dịp lễ cuối năm.