Với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu, được dịch sang 39 ngôn ngữ khác nhau, TikTok đang thu hút người dùng mới với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội lớn nào khác trên thế giới.
Chỉ sau hơn 4 năm, TikTok đã hoàn thành mục tiêu người dùng, điều mà Facebook và Instagram phải làm trong 10 năm.
Tháng 1/2024, Mỹ là quốc gia có lượng tài khoản TikTok lớn nhất cho đến nay, với gần 170 triệu người dùng tương tác với nền tảng video này. Tuy nhiên, Tiktok cũng đang phải đối mặt với một loạt lệnh cấm với nhiều lý do.
TikTok có khả năng dễ dàng tiếp cận nhiều người dùng khi mang lại lợi ích về tinh thần và thậm chí còn có thể kiếm tiền qua nền tảng này. Tuy nhiên, chỉ cách đây vài ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật sẽ cấm TikTok nếu chủ sở hữu ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc không bán cổ phần của họ trong vòng 6 tháng kể từ khi dự luật này được ký ban hành thành luật.
Mặc dù đã được Hạ viện Mỹ thông qua nhưng đây chưa phải là dấu chấm hết với ứng dụng nổi tiếng này bởi dự luật sẽ cần phải được Thượng viện Mỹ xem xét thận trọng. Và quy trình này có thể kéo dài vài tháng.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ - nhận định, đây là lĩnh vực phát triển và thay đổi rất nhanh, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu thúc đẩy tiến trình quá vội vàng hoặc không có thông tin thực tế.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ (Ảnh: AP)
Tại Thượng viện Mỹ, dự luật cấm TikTok sẽ phải đối mặt với một vòng tranh luận nữa từ các nhà lập pháp ở cả hai đảng và có thể sẽ xuất hiện những điều chỉnh cho dự luật để phù hợp với tình hình hơn. Đơn cử đã có những ý kiến được đưa ra về khả năng yêu cầu công ty mẹ bán TikTok cho một "bên mua đủ điều kiện" thay vì cấm hoàn toàn.
Cộng đồng những người sáng tạo nội dung số tại Mỹ đang băn khoăn về việc nếu một ngày không còn TikTok nữa thì sẽ thế nào.
Không ít quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những động thái cấm hoặc từng cấm rồi lại dỡ bỏ lệnh cấm đối với TikTok.
Canada, Đan Mạch, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Pháp, Vương quốc Anh, Hà Lan và một số tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) như Nghị viện châu Âu (EC) đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt phải xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Pháp thậm chí còn cấm nhân viên chính phủ sử dụng Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.
Ấn Độ áp lệnh cấm trên toàn quốc với TikTok và hàng chục ứng dụng khác, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat.
TikTok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ (Ảnh: AP)
Chính quyền Taliban ở Afghanistan và Jordan cũng cấm TikTok vì không phù hợp với luật Hồi giáo và không xóa những bài đăng kích động bạo lực và gây hỗn loạn.
Indonesia và Pakistan cũng từng cấm TikTok với những lý do là có nội dung không phù hợp, tuy nhiên, lệnh cấm được bãi bỏ sau khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung.
Điểm chung có thể thấy là lý do của các quốc gia và vùng lãnh thổ cấm TikTok đưa ra chủ yếu là vì an ninh và cấm sử dụng trên các thiết bị làm việc của nhân viên nhà nước, còn các thiết bị cá nhân hay của những người dân bình thường vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, những người sáng tạo nội dung ở quốc gia tỷ dân này đã quen với việc không có TikTok trong 4 năm qua. Kinh nghiệm của họ có thể là bài học cho các đồng nghiệp tại Mỹ nếu viễn cảnh TikTok bị cấm tại quốc gia này.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ từng là thị trường lớn nhất của TikTok. Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm TikTok và một số ứng dụng nổi tiếng khác của Trung Quốc với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng nước này. Quyết định có phần chớp nhoáng đã tạo "cơn sốc" với gần 200 triệu TikToker tại Ấn Độ.
Đó là 4 năm trước, hiện tại, cuộc sống không TikTok đã là bình thường với người dân tại đây.
Chị Sanjivani Sharma - nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội - cho rằng: "Dù có thêm nền tảng nào đóng cửa thì chúng tôi cũng luôn sẵn sàng chuyển đổi. Ví dụ như nếu Instagram đóng cửa tại Ấn Độ thì chúng tôi sẽ chuyển ngay sang video ngắn của YouTube. Sẽ luôn có ứng dụng để thay thế".
Đã từng có hoài nghi rằng lệnh cấm TikTok có thể vấp phải sự phản ứng vì ứng dụng này sở hữu số lượng người dùng đứng đầu tại Ấn Độ, nhiều trong số đó coi đây là kênh để kiếm tiền từ đăng tải nội dung và bán hàng. Nhưng rồi thực tế cho thấy, TikTok ra đi thì lợi thế lấp đầy vị trí của ứng dụng này nghiêng hẳn về các công ty của Mỹ và Ấn Độ.
Đơn cử như Instagram đã tung ra Reels - tính năng video mang dáng dấp của TikTok. Google cũng không chậm chân với YouTube Shorts. Trong khi đó, ứng dụng chia sẻ video Roposo của Ấn Độ đã chứng kiến lượng người đăng ký tăng vọt lên 22 triệu lượt chỉ trong 48 giờ sau khi lệnh cấm TikTok được ban hành. Điều này cho thấy rằng, ngay cả khi một nền tảng độc đáo như TikTok bị cấm, thị trường vẫn có thể nhanh chóng chuyển đổi và tìm ra các giải pháp thay thế.
Theo Reuters, một số cá nhân và tổ chức bắt đầu tính đến việc mua TikTok vì để tránh bị cấm, TikTok cần phải nhượng lại cho đối tác khác tại Mỹ. Nhưng nếu muốn mua nền tảng này, họ sẽ phải chi số tiền khổng lồ.
Theo Bloomberg, TikTok Mỹ hiện được định giá 150 tỷ USD. Thậm chí công ty mẹ ByteDance của TikTok còn đang trên đà vượt qua Meta để trở thành công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Theo Financial Times, doanh thu TikTok riêng tại Mỹ được cho là đạt kỷ lục 16 tỷ USD vào năm 2023.
Về phía Trung Quốc cho biết, họ kiên quyết phản đối bất kỳ hành động ép buộc bán TikTok nào. CEO TikTok Mỹ Shou Zi Chew nói với người dùng rằng, nếu được thông qua, dự luật sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok ở Mỹ. Công ty đang hiển thị thông báo trên ứng dụng để vận động 170 triệu người dùng tại Mỹ kêu gọi các thượng nghị sĩ phản đối dự luật.
Theo Reuters, nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden giữ lời hứa ký một dự luật với nội dung cấm TikTok hoạt động tại Mỹ, ông Biden có thể sẽ làm mất đi nền tảng mà ekip vận động tái tranh cử của chính ông và các thành viên của Đảng Dân chủ đang sử dụng để tiếp cận với các cử tri trẻ.
Ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu tham gia mạng xã hội TikTok với tài khoản @bidenhq, ra mắt bằng một video dài 26 giây, trả lời loạt câu hỏi về nhiều chủ đề từ chính trị đến giải bóng bầu dục Mỹ NFL. Các chiến lược gia về chính trị cho biết, cuộc bầu cử tới sẽ rất sát sao và các cử tri có thiên hướng ủng hộ Đảng Dân chủ đã chuyển sang sử dụng ứng dụng TikTok trong những năm gần đây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu tham gia mạng xã hội TikTok vào tháng 2 (Ảnh: AP)
Người dùng TikTok phần lớn thuộc về các nhóm bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Hiện chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump không có tài khoản TikTok chính thức. Việc cấm hoàn toàn TikTok sẽ khiến một bộ phận lớn cử tri mất khả năng giao tiếp về chính trị vào thời điểm một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi sắp diễn ra.
Viễn cảnh TikTok có thể bị cấm hoạt động được dự báo sẽ gây tác động mạnh mẽ với hàng triệu người dùng ứng dụng này tại Mỹ, đặc biệt là giới sáng tạo nội dung .
Macy Eleni - một người có ảnh hưởng về thời trang với gần nửa triệu người theo dõi trên ứng dụng - cho biết, cô đã đạt được hợp đồng xuất bản sách lớn thông qua các bài đăng trên TikTok của mình và cũng nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo. Những người sáng tạo nội dung như Macy đương nhiên phản đối cuộc bỏ phiếu của Hạ viện - động thái có nguy cơ làm nguồn thu của họ bị ảnh hưởng.
"Sẽ thật khủng khiếp nếu mất đi những khán giả trên nền tảng TikTok. Tôi yêu những khán giả đó" - Macy Eleni chia sẻ.
Lauren và Si Willis là cũng là những TikToker sở hữu kênh TikTok consumingcouple, chia sẻ những thông tin ẩm thực toàn cầu và có gần 439.000 người theo dõi trên TikTok, 215.000 người theo dõi trên Instagram và 5.600 người đăng ký trên YouTube. Trái ngược với Macy, họ đã có sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất xảy ra.
"Tôi nghĩ thật nguy hiểm khi bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Tôi nghĩ với tư cách là người sáng tạo, bạn phải có nhiều nguồn thu nhập, không chỉ từ một nền tảng" - Lauren Willis cho biết.
Lauren cũng chia sẻ rằng, họ đã bắt đầu đa dạng hóa thu nhập của mình và tăng tương tác để biến cộng đồng khách hàng trực tuyến thành những khách trực tiếp trong đời thực.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia vẫn cho phép TikTok hoạt động. Tuy nhiên, trước khả năng Mỹ có thể cấm TikTok, những nhà sáng tạo nội dung Việt cũng có những lo lắng.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung cho biết, họ sẽ thích ứng bằng cách đồng thời phát triển những kênh mạng xã hội khác như Instagram hay Pinterest. Nhưng đây sẽ là công việc cần nhiều thời gian và đối diện với một tương lai không chắc chắn như những gì mà TikTok đã mang lại cho họ.
Trong bối cảnh thế giới vẫn xôn xao về cấm hay không cấm TikTok, không thể phủ nhận rằng, để đạt được thành công như ứng dụng này vẫn là điều mơ ước của nhiều tay chơi khác trong đường đua nền tảng mạng xã hội. Vì thế, các công ty công nghệ không ngừng cập nhật để chớp lấy cơ hội cạnh tranh trực diện với Tiktok.
Mới đây nhất, Spotify - ứng dụng nghe nhạc trực tuyến của Thụy Điển - đã có bước chuyển mình đáng chú ý khi quyết định lấn sân sang đường đua phát video. Tất nhiên, sở trường của Spotify là phát nhạc nên nội dung chủ yếu sẽ là video âm nhạc. Tuy nhiên, với số lượng người dùng dịch vụ khổng lồ sẵn có, bước đi này hoàn toàn hợp lý.
Trong khi đó, mạng xã hội X (trước đây là Twitter) dưới bàn tay của tỷ phú Elon Musk đang nhắm tới khả năng giúp người dùng kiếm tiền từ nội dung. Cụ thể là việc thu hút các nhà chuyên sáng tạo nội dung như MrBeast chuyển sang X và thu tiền từ quảng cáo.
Đây chỉ là hai trong số nhiều cái tên lớn đang nhăm nhe soán ngôi hoặc ít nhất là lấy được người dùng từ TikTok. Nhưng cũng như mọi cuộc đua trong thế giới công nghệ, sự an toàn và các nội dung mang tính sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định để các nền tảng giữ chân người dùng.