Phát hiện choáng ngợp này thuộc về nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ - nhân chủng học Emily Hammer từ Trường Đại học Pennsylvania - Mỹ.
Sau khi các dữ liệu viễn thám ban đầu - được thu thập bằng radar - hé lộ một thế giới bí ẩn bị nghi ngờ là thành đô Lagash lừng danh của người Lưỡng Hà, các nhà khoa học đã quyết định gửi một máy bay không người lái khảo sát khu đất ngập nước nằm giữa sông Euphrates và sông Tigris ở miền Nam Iraq.
Kết quả là chiếc máy bay thăm dò như bị "nuốt chửng" bởi một khung cảnh vô cùng ngoạn mục, rộng lớn, nơi các phế tích chỉ ra sự tồn tại của thành phố bị mất tích, được cho là xây dựng trên một quy mô khổng lồ: Kết nối bởi 4 đảo chính và gần 30 hòn đảo nhỏ với nhau, di chuyển nội đô chủ yếu bằng đường thủy.
Thành phố thuộc về nền văn minh Lưỡng Hà này được thành lập khoảng gần 5.000 năm trước, cụ thể là dao động trong 4.600-4.900 năm.
Một số phần nhỏ của thành phố đã được khai quật lần đầu cách đây hơn 40 năm, cho thấy thành phố đã bị bỏ hoang khoảng 3.600 năm. Nhưng nhờ ảnh chụp trên không, các nhà khoa học dã tận mắt chứng kiến quy mô không tưởng của cả Lagash cổ đại, ngày nay được gọi là Tell al-Hiba.
Theo Ancient Origins, nghiên cứu mới đã giúp thách thức một quan niệm truyền thống cho rằng các thành phố của nền văn minh Lưỡng Hà quá xa xôi chỉ là các khu định cư nhỏ gọn nằm trong vùng nội địa nông nghiệp.
Nhưng hình ảnh từ máy bay không người lái đã thể hiện nó lọt thỏm giữa một phức hợp đền đài độc đáo và ngay cả cách người xưa kết nối các đảo với nhau để tạo thành một thành phố nổi là điều khó tưởng tượng.
Toàn bộ các cấu trúc mà họ phát hiện trải rộng trên vùng đất có diện tích lên tới 300 ha.
Tại 2 trong số các đảo chính, các nhà khoa học tìm thấy các bức tường kín và những khu vực có lò nung lớn, có thể là hòn đảo mà các lò nung và nghề thủ công ngự trị.
Ba trong số các đảo chính nằm gần khu vực Vịnh Ba Tư, trong khi cái còn lại được thống trị bởi một ngôi đền khổng lồ. Vào thời kỳ đỉnh cao, thành phố đảo ma quái này chiếm diện tích bằng cả Chicago ngày nay.