Những lùm xùm liên quan đến việc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) tự ý cắt giảm tiền thuê mặt bằng vẫn chưa dừng lại. Mới đây, theo nguồn tin từ Tuổi Trẻ, TGDĐ đã tiếp tục gửi công văn mới đến đối tác cho thuê.
Cụ thể, văn bản được gửi vào ngày 6/10 với tiêu đề "Công văn gửi quý đối tác mặt bằng lần thứ 4" (về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19).
Trong công văn này, TGDĐ một lần nữa nhắc lại nội dung trong công văn 0208/2021/TGDĐ-ĐMX gửi ngày 2/8 trước đó, thông báo giảm 70% tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng bán giãn cách và không thanh toán 100% tiền thuê trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa. Tiền thuê đã thanh toán sẽ được cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo và sẽ tiếp tục áp dụng cho đến khi hết hạn hợp đồng.
Theo TGDĐ, hiện đã đến kỳ thanh toán nên gửi thêm công văn mới cho đối tác chưa có phản hồi với công ty, yêu cầu chủ nhà phản hồi trước ngày 25/10 để hai bên thống nhất mức giảm giá thuê mặt bằng trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận, hợp đồng thuê sẽ được điều chỉnh theo sự thống nhất của hai bên. Sau ngày 25/10/2021, nếu chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Quý Đối tác thì TGDĐ/ĐMX sẽ tiến hành các nội dung như đã thông báo đến Quý Đối tác trong công văn 0208/2021/TGDĐ-ĐMX, đồng thời chúng tôi sẽ xúc tiến các thủ tục để thanh lý hợp đồng theo điều kiện bất khả kháng được nêu trong hợp đồng mà hai bên đã ký", TGDĐ viết trong công văn.
(Nguồn: Tuổi trẻ)
Trước đó, hàng loạt chủ nhà đã bày tỏ phẫn nộ, không đồng tình với việc TGDĐ đơn phương giảm tiền thuê nhà, gửi thanh toán tiền thuê đã giảm trừ mà chưa nhận được sự đồng thuận của đối tác cho thuê.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định: "Sự kiện bất khả kháng là một chế định cơ bản trong pháp luật, dù có hay không được đề cập đến trong hợp đồng thì vẫn được áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng không đồng nghĩa với việc được chấm dứt hợp đồng, không trả tiền hoặc trả ít hơn số tiền đã thỏa thuận. Sự kiện bất khả kháng chỉ là tiền đề, là điều kiện, cơ sở để xem xét có ảnh hưởng đến nghĩa vụ hay không và việc chấp nhận miễn trách đến mức độ nào.
Dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật, nhưng có được áp dụng miễn trách nhiệm vào hợp đồng và áp dụng vào nghĩa vụ nào, mức độ nào mới là quan trọng. Nếu nói vì bất khả kháng mà không trả tiền thuê nhà, thì khác gì bạn bảo với chủ nhà rằng, vì tôi thất nghiệp nên đương nhiên không phải trả tiền nhà, hay nói với ngân hàng rằng, vì tôi thua lỗ nên khỏi thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay ngân hàng. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì chỉ cho phép trả chậm mà không bị phạt quá hạn, chứ vẫn có nghĩa vụ trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận cụ thể về việc được miễn giảm số tiền phải trả.
Với cách thức, địa điểm và thời hạn thanh toán thì được áp dụng sự kiện bất khả kháng, còn với số tiền phải thanh toán thì về nguyên tắc không được miễn giảm. Trên thực tế, nếu vì bất khả kháng mà không sử dụng được nhà thuê trong một thời gian dài, thì gần như 100% các trường hợp chủ nhà sẽ xem xét giảm giá ít nhiều, nhất là với hợp đồng lâu dài và số tiền thuê lớn. Còn khi chủ nhà kiên quyết không giảm cho đồng nào thì cũng đành chịu hoặc tìm cách chấm dứt hợp đồng và cuối cùng dẫn nhau ra toà, nếu như không có tiếng nói chung".