Biến thể Delta cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gene tại nhiều quốc gia lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước trên thế giới phải hết sức cảnh giác trước biến thể vô cùng nguy hiểm này.
Các khu vực ghi nhận số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục được mở rộng với số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros cảnh báo, biến thể này có thể đẩy nhiều nước lún sâu vào đại dịch.
Các nước Đông Nam Á đang trong cuộc chiến quyết liệt đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 do biến thể Delta. Đây có thể coi là "đợt tấn công" mạnh nhất của virus SARS-CoV-2 vào khu vực Đông Nam Á trong hơn 1,5 năm dịch COVID-19 hoành hành.
Biến thể Delta cũng đang lan rộng khắp châu Âu, đặc biệt tại Anh và Pháp. Theo số liệu của Bộ Y tế Anh, 99% ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này liên quan đến biến thể Delta.
Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã tăng gần 3 lần chỉ trong 2 tuần qua. Biến thể Delta chiếm tới 83% số ca nhiễm tại quốc gia này. Biến chủng Delta đã lan rộng ra toàn bộ 50 bang của nước Mỹ. Số ca nhiễm mới và nhập viện đã tăng mạnh trở lại, tập trung ở một số bang miền Nam, tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Dữ liệu cho thấy, chỉ trong 2 tuần từ ngày 6/7 đến 20/7, số ca nhiễm mới đã tăng gấp gần 3 lần, từ 13.700 ca lên tới 37.000 trường hợp. Số người nhập viện cũng tăng trên 50%.
Chuyên gia y tế Mỹ cho biết, 97% số người nhập viện do COVID-19 đều chưa được tiêm vaccine, trong khi gần như 100% số ca tử vong không được tiêm ngừa. Vaccine COVID-19 được coi là công cụ hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đến nay, gần một nửa dân số Mỹ đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19.
Biến thể Delta có thể đẩy nhiều nước lún sâu vào đại dịch (Ảnh: AP)
Giới chức y tế Mỹ lo ngại, nếu không đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, ngay cả 25 triệu người Mỹ mới tiêm được 1 liều vaccine COVID-19 cũng có nguy cơ bị lây nhiễm do biến thể Delta. Các chuyên gia còn cảnh báo, việc chậm tiêm chủng và biến thể Delta có thể gây nguy hiểm cho nhóm những người trẻ tuổi bởi nhiều người trong số này chưa tiêm vaccine COVID-19. Trên thực tế, số ca nhiễm mới COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ đang tăng mạnh trở lại sau nhiều tháng giảm.
Hiện biến thể Delta đã được phát hiện tại 16 quốc gia châu Phi, gây ra 97% số ca mắc tại Uganda và 79% tại CHDC Congo. Thậm chí, ở những nơi có độ phủ vaccine rộng, biến chủng Delta vẫn đang lây lan rất nhanh, đặc biệt ở những đối tượng chưa được bảo vệ, người dễ bị tổn thương và tình trạng đó đang tạo sức ép nhanh chóng lên hệ thống y tế.
Trong báo cáo dịch bệnh hàng tuần vừa được công bố, WHO cho rằng, trong vài tháng tới, biến thể Delta sẽ lấn át tất cả các biến thể khác, lây lan mạnh nhất và gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được một cách chính xác cơ chế giúp biến thể Delta lây nhiễm dễ dàng hơn các biến thể khác.
Các nghiên cứu cho thấy, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha, trong khi Alpha vốn đã có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với chủng gốc được tìm thấy ở Vũ Hán (Trung Quốc). Thời gian ủ bệnh với biến thể Delta ngắn hơn, khoảng 2 - 4 ngày so với các biến thể khác là 5 - 7 ngày.
Giới chuyên gia y tế Ấn Độ cho rằng, biến thể Delta có đột biến ở trong protein gai, giúp nó dính chắc hơn vào các enzyme ACE2 thụ thể tồn tại trên bề mặt các tế bào. Điều này cho phép biến thể Delta lây lan nhanh hơn và có khả năng né tránh miễn dịch của cơ thể.
Không chỉ biến chủng Delta, các khu vực ghi nhận những ca nhiễm biến thể đáng quan ngại gồm Alpha, Beta, Gamma cũng đang tiếp tục được mở rộng. WHO đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây lan trên toàn cầu của cả 4 loại biến thể này, trong đó Alpha đã được phát hiện ở 180 quốc gia, Delta tại 124, Beta ở 130 và Gamma tại 78 nước.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo, thế giới có thể sớm chứng kiến sự gia tăng của các biến thể virus SARS-CoV-2 dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay.