Bạn trẻ đã vô cùng thích thú khi nghe câu chuyện về một giảng viên kỳ cựu ở ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, người quyết định viết chồng bài giảng mới lên tấm bảng bẩn rồi thông báo cuối giờ kiểm tra để "trị" những sinh viên lười trực nhật.
Mới đây, người dùng mạng lại tiếp tục tìm thấy một thầy giáo trẻ đang giảng dạy tại ĐH Vinh. Thầy là chủ nhân của hơn 200 lời phê bá đạo dành cho học trò trong bài kiểm tra (trên mạng chỉ là số ít).
Những lời phê của thầy khi thì chân thực, gần gũi lúc lại hài hước "đá xéo". Thầy nói thẳng nói thật vào khuyết điểm của sinh viên nhưng lại không tạo ra khoảng cách quá lớn hay những áp lực vô hình ngăn cách giữa người dạy và người học. Có khi, thầy còn dùng lời phê có nhiều teen code nữa cơ!
Một số lời phê trong hơn 200 lời phê khác của thầy Phương khiến cộng đồng mạng "chao đảo".
"Em định sống như thế này cho đến bao giờ", "Em sợ bạn khác nhìn bài hay sao mà viết chữ nhỏ dzạ?", "Có cái kính nào đeo vào học giỏi hơn không?", "Nhan sắc tỉ lệ nghịch với chữ viết?", "Hằng có tin vào phép màu không? Theo thầy, phép màu luôn tồn tại...", "Em nên viết thư pháp vào mùa Xuân để tăng thêm thu nhập", "Có những đứa dành hẳn 15 tuần cũng không lấy được con 9 này của em đâu, well done", "Chữ xấu là dấu hiệu của thiên tài đó em, em đúng là một "thiên tài luôn"... là một số lời phê bá đạo của thầy giáo khiến người xem cười ngất khi đọc.
Loạt ảnh tập hợp những lời phê "đá xoáy" học trò của thầy giáo đến từ ĐH Vinh nhận được hơn 8.3k like cùng rất nhiều chia sẻ, bình luận chỉ sau ít giờ đăng tải trên các diễn đàn mạng, group học tập.
Thầy giáo trẻ, chủ nhân của những lời nhận xét thật đến mất lòng nhưng chẳng ai nỡ ghét ấy chính là Nguyễn Việt Phương (sinh năm 1989). Thầy Phương là giảng viên khoa Giáo dục và công tác tại trường ĐH Vinh, đến nay đã được 7 năm.
Thầy Phương luôn nghĩ mình phải gần gũi với sinh viên, hiểu sinh viên vì mình cũng từng là họ...
Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT ĐH Hà Nội, thầy Phương về trường công tác. Một năm sau, thầy có học bổng du học Úc ngành Thạc sĩ Quản lý giáo dục ở trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT). Tốt nghiệp Thạc sĩ nước ngoài, thầy Phương tiếp tục về trường giảng dạy vì muốn cống hiến.
Thầy giáo trẻ chia sẻ: "Những lời phê này của anh là học phần "Quản lý hành chính Nhà nước và Quản lý ngành GD&ĐT". Có một số bạn xem xong thắc mắc sao thầy chấm điểm thấp thế, anh xin trả lời là điểm thì căn cứ theo barem bài thi nên cao hay thấp là do năng lực của sinh viên. Tuy nhiên đó chỉ là một phần trong những bài đánh giá thôi".
Thầy Phương là một người có nhiều thành tích trong hoạt động Đoàn tại ĐH Vinh.
Khi đặt bút phê vào bài làm của sinh viên, thầy Phương không nghĩ gì nhiều. Bài của sinh viên như thế nào, thầy nghĩ gì thì phê vào như thế.
"Anh vốn rất thích gần gũi với sinh viên nên hay dùng teencode và từ địa phương để phê vào bài kiểm tra hay lúc nói chuyện với các bạn. Một số bạn nơi khác không hiểu cho rằng thầy mà còn sai chính tả, khi dùng teencode thì rõ ràng quy tắc về chính tả không phải là điều quan trọng.
Nói cho đúng thì ngay khi về trường anh đã theo phong cách này rồi chứ không phải vì đi học nước ngoài, có lẽ một phần lớn là do tính cách, phần nữa là do giáo dục gia đình. Anh đang làm Đoàn và làm công tác đào tạo liên quan trực tiếp đến xử lý các vấn đề cho sinh viên nên nếu cứ tạo khoảng cách, không gần gũi thì có lẽ công việc sẽ rất khó khăn gây ảnh hưởng cho uy tín của khoa và nhà trường.
Mặc khác, mình cũng từng là sinh viên, mình không muốn các em trải nghiệm những việc khó khăn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu quả thực việc đó là đúng anh hoàn toàn giúp các bạn được", thầy Phương vui vẻ nói.
"Hằng có tin vào phép màu không...".
Nhận được lời phê này bạn có nỡ ghét thầy không?
Lời phê bá đạo của thầy giáo khiến học sinh "đỡ" không nổi.
Thầy giáo trẻ là người hòa đồng được học sinh yêu mến.