Theo thầy giáo Đỗ Cao Sang, thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Mỹ, cha mẹ nào cũng nhất mực thương yêu con cái. Nhưng có thể vì nhiều lý do như công việc bận rộn, tư duy sai lầm mà chúng ta quên đi hoặc có lúc thờ ơ với những điều vô cùng quan trọng việc dạy và rèn con trẻ.
Để trở thành bậc phụ huynh khả kính và mẫu mực, chúng ta luôn cần sửa mình và không ngừng học hỏi. Nâng cấp để hoàn thiện bản thân mình về trí tuệ, đạo đức, kỹ năng, kiến thức, bản lĩnh sống chính là cách tốt nhất, đúng đắn nhất để nuôi, dạy và rèn con nên người.
Ảnh minh họa.
Thầy Sang chỉ ra 10 lỗi lớn mà các ông bố bà mẹ thường mắc phải:
Cha mẹ, đặc biệt là các mẹ, luôn cố gắng trang bị cho con cái những thứ tốt nhất, đắt nhất, đẹp nhất (khi có điều kiện hoặc cố gắng ngay cả khi chưa có điều kiện). Tuy nhiên, điều này là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiều ông bố bà mẹ chiều chuộng con cái đến mức chúng không còn cảm thấy hạnh phúc với những gì chúng đang có. Hơn nữa, chúng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn và luôn luôn đòi những thứ khác.
Chẳng những vậy, con cái họ trở nên yếu đuối, ỷ lại, lười lao động, coi thường bạn bè và người nghèo. Hãy chuẩn bị cho con bạn đón nhận sự thất bại và khó khăn chắc chắn sẽ có lúc xảy ra trong cuộc đời chúng. Đủ và hơi thiếu mới là điều kiện lý tưởng của giáo dục. Sự thừa thãi và quá dễ dãi không phải là tốt, thậm chí còn là toa thuốc độc bảng A dành cho những tâm hồn con trẻ.
Khi bạn không ban ra kỷ luật thích đáng và bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt mỗi khi con mắc lỗi thì lâu dần, cháu bé đó sẽ hình thành những thói quen xấu khó bỏ. Nếu ta dễ dãi để bọn trẻ biến mọi thứ trong nhà thành một mớ hỗn độn thì chắc chắn chúng sẽ lại làm như vậy đối với nhà của người khác.
Tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng khi một đứa trẻ hàng xóm sang nhà bạn chơi. Cháu bé này đùa nghịch trên chiếc đi-văng đắt tiền của hàng xóm. Nó nhào lộn, tranh giành đồ chơi, lục tung mọi thứ và còn gọi con gái nhà chủ là "ngốc nghếch". Mọi thứ thành mớ hỗn độn chỉ trong vòng 15 phút.
Nếu bạn không nghiêm khắc với con cái bạn, thì chắc chắn sẽ có ai đó sẽ nghiêm khắc với chúng và bạn lại không hề thích điều đó.
Ngoài gia đình, trường học là nơi mà bọn trẻ sẽ dành nhiều thời gian hơn bất cứ nơi nào khác. Đó là nơi quan trọng hình thành nên kiến thức, bản lĩnh, kỹ năng sống, đạo đức của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không hề biết tên cô giáo chủ nhiệm và tên thầy hiệu trưởng nơi con mình học.
Nên có sự hiện diện của gia đình ở ngôi trường con đang theo học. Bạn có thể xin nghỉ phép một ngày để gặp hiệu trưởng và các cô giáo liên quan nếu bạn nhận ra tình hình cần phải như vậy.
Bạn cũng nên tạo dựng quan hệ và giữ liên lạc với thầy cô giáo của trẻ qua thư điện tử. Đó là cách tốt nhất để thầy cô thấy rằng bạn luôn luôn quan tâm đến sự trưởng thành của con và sẽ thông báo cho bạn về mọi điều liên quan đến chúng. Hơn nữa thầy cô có thể sẽ nâng cao trách nhiệm hơn đối với con cái bạn nếu bạn thường xuyên giữ liên lạc.
Khen ngợi có tính động viên khích lệ là điều tốt để xây dựng đức tự tin cho trẻ. Nhưng tư duy luôn muốn con mình nổi trội và hiểu lầm về năng lực của con cũng khá phổ biến ở một số bậc cha mẹ.
Hãy tán dương một cách kịp thời và phù hợp về những điều bọn trẻ làm được. Cho chúng thấy mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nữa nếu chúng nỗ lực hơn và không được thỏa mãn dừng lại.
Trẻ rất cần sự ghi nhận và khen ngợi khi chúng làm bài được điểm cao. Nhưng cũng cho chúng hiểu là một bài thi không ý nghĩa gì nhiều so với cuộc đời đầy rẫy những bài thi còn khó hơn gấp tỷ lần.
Bạn không nên để trẻ con quen với nhận thưởng cho những công việc vặt trong gia đình. Vì chúng đang sống trong gia đình chứ không phải là khách sạn. Chúng nên phát huy vai trò của mình trong gia đình. Nếu con cái lớn lên mà không hề có sự quan tâm đúng mực đến cha mẹ, anh em thì làm sao bạn có thể trông mong chúng sẽ đối xử tử tế với người ngoài và công việc của chúng sau này.
Dù chúng đỗ đại học hay tìm được một công việc nào đó thì cũng lấy gì đảm bảo chúng sẽ được thiên hạ công nhận và tin cậy khi không chịu làm những công việc đơn giản và gần gũi hàng ngày?
Thầy Đỗ Cao Sang.
Cách mà vợ chồng cư xử với nhau rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển mối quan hệ của bọn trẻ, đặc biệt giai đoạn chúng trưởng thành.
Nếu vợ hay chồng cư xử với nhau không đúng mực hay thường xuyên cãi vã, quát mắng nhau thì sẽ khiến con cái học theo cách cư xử như vậy. Con cái học được ở ba mẹ bằng cách quan sát cha mẹ chúng nhiều hơn là nghe cha mẹ giáo huấn.
Ngược lại nếu vợ chồng yêu thương và tôn trọng lẫn nhau thì sẽ cho con cái thấy được chân giá trị của một mái ấm gia đình. Từ đó sẽ là động lực lớn giúp chúng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Đối với con cái thì bạn nên có sự trông mong hợp lý về chúng, đặc biệt khi chúng còn nhỏ. Nếu bạn muốn ra ngoài ăn tối nhưng lại hi vọng là đứa con 2 tuổi của mình ngoan ngoan ngồi yên như một chậu cây cảnh thì thật là không tưởng. Hay như, nếu bạn thích con bạn trở thành một siêu cầu thủ trong khi chúng hơi nặng ký và lại say mê đọc sách thì bạn nên thay đổi quan điểm đó của mình.
Không nên nuôi ảo vọng về con trẻ. Mong đợi và hướng con cái đến nghề mình định sẵn là một ý định nguy hiểm. Nó cướp sự tự do phát triển của trẻ em. Con sẽ bất hạnh và oán trách bạn về sau nếu như cháu bé thích trở thành vận động viên bơi lội mà bạn lại ép con thi Kiến trúc cho giống nghề của bạn.
Con bạn luôn là một cá thể khác biệt với những điểm mạnh điểm yếu không theo ý đồ của bạn. Bạn phải chấp nhận điều này và nên hạnh phúc vì sự khác biệt, nổi trội của con mình. Không có ngành nào tốt và ưu việt, chỉ nên quan tâm tài năng của con ta trong ngành đó ra sao sau này.
Nuông chiều chính là cách cướp đi của con năng lực tự lập. Nhiều trẻ em đến 15 tuổi còn chưa biết gọt vỏ hoa quả và tự nấu ăn. Sau này, khi gặp biến cố, hoạn nạn hoặc thay đổi môi trường sống, con bạn sẽ bị sốc và khó có thể vượt qua thử thách dù chỉ là rất nhỏ.
Bạn có thể che chở cho con cái suốt đời không? Ai có thể đảm bảo suốt hành trình cuộc đời chúng sẽ không gặp tai ương?
Dạy chúng cách tự làm tự ăn, tự bảo vệ mình không có nghĩa là bạn ít quan tâm đến chúng; mà điều đó thể hiện rằng bạn yêu chúng nhiều và đúng cách hơn.
Ngoài việc ép con đi theo nghề mình định sẵn. Một số phụ huynh còn áp đặt cả bạn bè, sinh hoạt và sự giao lưu của con cái với xã hội xung quanh. Cha mẹ nên biết lắng nghe con cái. Có những điều bạn muốn nhưng chúng lại không muốn. Bạn cần thiết phải cho chúng tự do nếu sự tự do đó hoàn toàn chính đáng và vô hại.
Hãy định hướng cho con mình và để cho chúng lớn lên một cách tự nhiên. Khi bọn trẻ đã trưởng thành thì hãy để con bạn tự quyết định nghề nghiệp, bạn bè, công việc và lời khuyên của cha mẹ lúc đó chỉ mang tính chất định hướng.
Đừng hứa chắc chắn với con cái về một điều gì đó mà không thực hiện. Bởi mỗi lời nói của cha mẹ đối với chúng có thể gọi là nhất ngôn cửu đỉnh. Chúng luôn hy vọng và tin vào những gì cha mẹ hứa hẹn.
Nếu lời hứa đó không được thực thi thì con cái sẽ mất dần niềm tin vào cha mẹ. Như vậy mỗi khi bạn khuyến khích con bằng cách hứa với chúng một điều gì đó thì hãy chắc chắn rằng điều đó khả thi để xây dựng niềm tin yêu cho chúng.