Thấy giá vàng tăng, ham nhảy vào sóng lớn: Chuyên gia nhận định đây không phải cuộc chơi dành cho người mới!

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 19:10 12/04/2024
Chia sẻ

Trong danh sách các kênh đầu tư lý tưởng cho F0, vàng chỉ đứng ở vị trí số 2.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy việc giá vàng liên tục “nhảy múa” trong khoảng thời gian gần đây, đã chia những đồng nghiệp quanh chúng ta thành 3 nhóm người điển hình.

Đầu tiên là hội lương thấp, giá vàng tăng hay giảm cũng chẳng bận tâm vì không có vàng để bán ra, cũng chẳng có tiền để mua vào.

Tiếp theo là hội giàu ngầm, mở mắt ra là check giá vàng, âm thầm mang vàng đi bán hoặc vẫn mạnh tay mua vào, bất chấp giá đang cao.

Cuối cùng là những “tấm chiếu mới”, có chút tiền để dành nhưng lại chẳng đủ quyết liệt để ôm tiền lao ra tiệm vàng, mua lấy vài chỉ; mà cứ ngồi im thì cũng bứt rứt, sợ lỡ mất cơ hội để tiền sinh lời.

Không khó để nhận ra tâm lý FOMO của nhóm người cuối cùng. Có nên mua vàng lúc này không là “câu hỏi nhỏ”. Vấn đề lớn và quan trọng hơn mà F0 - “những tấm chiếu mới” trên thị trường cần quan tâm chính là: Vàng có phải kênh đầu tư ổn định, lâu dài và lý tưởng nhất cho mình trong giai đoạn kinh nghiệm đầu tư còn non nớt hay không?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia Gerard Do (Đỗ Thành Vinh) để được “gỡ rối” vấn đề này.

Thấy giá vàng tăng, ham nhảy vào sóng lớn: Chuyên gia nhận định đây không phải cuộc chơi dành cho người mới! - Ảnh 1.

Điều quan trọng cần làm rõ: Vàng là kênh đầu tư hay kênh trú ẩn?

Anh Gerard Do tiết lộ câu hỏi này vẫn luôn là chủ đề gây tranh luận trong giới tài chính. Nhiều người coi vàng là kênh đầu tư, nhưng cũng có nhiều người chỉ xem đó là một kênh trú ẩn khi nền kinh tế có biến động.

Hiểu đơn giản thế này: Giả sử bạn mua vàng ở thời điểm giá vàng là 58 triệu đồng/lượng, đến giờ, khi giá vàng đã lên tới 82-85 triệu đồng/lượng, nghĩa là bạn đang có lời. Nếu tư duy theo cách này, vàng đúng là một kênh đầu tư.

Tuy nhiên, nếu xét trên nhiều khía cạnh khác, ngoài việc lời - lỗ, vàng có thể sẽ là một kênh trú ẩn, hơn là một kênh đầu tư.

“Bây giờ bạn dùng số tiền mua 1 chỉ vàng để mua 100 cổ phiếu của doanh nghiệp A - Tôi giả sử mức lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp này là 10 triệu đồng. 1 năm sau, lợi nhuận của họ tăng lên thành 15 triệu đồng. 100 cổ phiếu của doanh nghiệp 15 triệu sẽ rất khác 100 cổ phiếu của doanh nghiệp 10 triệu. Giá trị tăng lên rõ ràng.

Nhưng nếu bây giờ bạn mua 1 chỉ vàng, 1 năm sau nó vẫn chỉ là 1 chỉ vàng mà thôi.

Khi nền kinh tế gặp bất ổn, khủng hoảng, đồng tiền mất giá, nhiều người sẽ mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Tôi cho rằng điều này không đúng với tính chất của đầu tư.

Thấy giá vàng tăng, ham nhảy vào sóng lớn: Chuyên gia nhận định đây không phải cuộc chơi dành cho người mới! - Ảnh 2.

Đầu tư là việc bạn bỏ ra một số vốn và đặt kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi giá trị khoản đầu tư của mình tăng trưởng theo tốc độ phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Còn vàng là thứ bạn mua khi nền kinh tế gặp bất ổn và bạn lo sợ tài sản của mình có thể sẽ mất giá.

Một bên là đầu tư với kỳ vọng tăng trưởng tiền vốn, một bên là chuyển đổi tài sản để bảo toàn giá trị. Đây là hai đặc tính để phân biệt kênh trú ẩn và kênh đầu tư” - Anh Gerard Do giải thích.

Đến đây, anh có nhắc tới nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffett. Năm 2011, trong bức thư gửi các cổ đông, ông có viết rằng vàng thỏi cũng chỉ giống như một đồng xu khi được cất xong két sắt.

“Sự thật là ngay cả Warren Buffett cũng từng chia sẻ công khai rằng ông không thích đầu tư vàng, vì nó không tạo ra dòng tiền và giá trị nội tại của nó không tăng theo thời gian” - Anh Gerard Do bổ sung cho quan điểm vàng là kênh trú ẩn, không phải kênh đầu tư của mình.

Vàng cũng không là kênh đầu cơ ngắn hạn tốt!

Không phải một kênh đầu tư đúng nghĩa, nhưng với sự biến động của giá vàng trong thời gian qua, nhiều người có tâm lý mua đi bán lại trong ngắn hạn, hy vọng kiếm được một chút tiền chênh lệch qua những phiên biến động giá vàng. Liệu đó có thực sự là một cơ hội kiếm tiền hay không?

Trả lời câu hỏi này, anh Gerard Do khẳng định vàng không phải là loại tài sản mà bạn nên đầu cơ, hiểu nôm na là mua vào và bán ra trong thời gian ngắn, bởi khả năng thua lỗ là rất cao.

Thấy giá vàng tăng, ham nhảy vào sóng lớn: Chuyên gia nhận định đây không phải cuộc chơi dành cho người mới! - Ảnh 3.

“Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.

Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn” - Anh Gerard Do nhấn mạnh.

Chứng chỉ quỹ mới là kênh đầu tư lý tưởng cho các F0!

Một nhà đầu tư F0 đang hoàn toàn chưa có nhiều kiến thức về các thị trường đầu tư, đâu mới là kênh đầu tư lý tưởng nhất?

Với thắc mắc này của chúng tôi, anh Gerard Do cho rằng nếu bạn chưa có nhiều kiến thức về đầu tư, nhưng bạn vẫn muốn làm gì đó với đồng tiền của mình thay vì để nó “nằm yên một chỗ”, đây là gợi ý dành cho bạn.

Thấy giá vàng tăng, ham nhảy vào sóng lớn: Chuyên gia nhận định đây không phải cuộc chơi dành cho người mới! - Ảnh 4.

“Có hai trường phái đầu tư là đầu tư thụ động và đầu tư chủ động. Chứng chỉ quỹ là một dạng đầu tư thụ động, được thiết kế dành cho những người chưa biết gì hoặc chưa biết nhiều về thị trường đầu tư.

Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ. Ưu điểm của đầu tư chứng chỉ quỹ là bạn không cần dành thời gian tìm hiểu, chọn lọc cổ phiếu cho danh mục đầu tư của mình.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà bạn cần tìm hiểu kỹ là chứng chỉ quỹ bạn muốn đầu tư, hoặc được mời đầu tư có những công ty nào trong đó, thuộc ngành nào - chứng khoán, BĐS hay tài chính,...” - Anh Gerard Do khuyên bạn nên hỏi thẳng những điều này với người đang bán chứng chỉ quỹ cho bạn, trước khi chốt mua.

Việc đầu tư chứng chỉ quỹ cũng giống như việc mua vàng, mỗi tháng, bạn dành một ít vốn và mua đều hàng tháng trong tối thiểu 1 năm. Nếu làm được như vậy, anh Gerard Do khẳng định thành quả mà bạn gặt hái được sẽ rất lạc quan.

“Sở dĩ, tôi xếp vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các kênh đầu tư cho F0 theo mức độ lý tưởng giảm dần vì như tôi đã chia sẻ từ đầu, quan điểm của tôi là vàng là kênh trú ẩn, không phải kênh đầu tư. Trong trường hợp bạn có chút tiền và không muốn dòng tiền của mình đứng yên, bạn có thể thỏa mãn mong muốn ấy bằng cách mua vàng, miễn sao đừng đầu cơ là được.

Còn chứng khoán nằm ở vị trí thứ 3 là vì đối với các bạn F0 chưa có nhiều kiến thức và trải nghiệm, đầu tư chứng khoán cực kì rủi ro và có khả năng rất cao là các bạn sẽ thua lỗ. Tuy nhiên, nếu như đối tượng là những nhà đầu tư lâu năm Fn thì tôi sẽ xếp chứng khoán ở vị trí số 1, trên cả chứng chỉ quỹ. Gửi tiết kiệm ở vị trí cuối cùng vì đây là lựa chọn kém hấp dẫn nhất với lãi suất rất thấp như hiện nay ” - Anh Gerard Do giải thích về cách sắp xếp các kênh đầu tư dành cho F0 theo mức độ lý tưởng giảm dần.

Cảm ơn anh Gerard Do vì những chia sẻ bổ ích và thú vị. Hy vọng những chia sẻ của anh sẽ phần nào giúp các bạn F0 non trẻ đỡ hoang mang, bỡ ngỡ trên hành bước những bước đầu tiên vào thị trường đầu tư!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày