Thất tình có thể gây chết người? Ít nhất điều đó cũng xảy ra với cô gấu trắng này

J, Theo Trí Thức Trẻ 13:24 20/04/2017

Cô gấu trắng Bắc Cực Szanja vì quá đau lòng sau khi bạn "đồng chuồng" bị chuyển đi mà qua đời.

Gắn bó với ai đó thật sâu đậm rồi đột ngột bị chia cắt, đó là một trải nghiệm thực sự đau lòng. Trái tim giống như có gì đó bóp nghẹn lại, nhói đau, "tan vỡ" theo đúng nghĩa đen.

Nhưng đừng nghĩ đây là một trải nghiệm dù đau khổ nhưng không thể thiếu của tuổi trẻ. Cảm giác đó có thể tước đi một sinh mạng, giống như trường hợp thương tâm của cô gấu trắng Bắc Cực tại công viên Hải dương SeaWorld tại San Diego (Mỹ).

Thất tình có thể gây chết người? Ít nhất điều đó cũng xảy ra với cô gấu trắng này - Ảnh 1.

Cô gấu Szenja mới chết tuần qua. Cái chết của cô được cho là vì buồn chán, do bạn đồng hành bị chuyển đi

Cô gấu có tên là Szenja - 21 tuổi. Một ngày, người quản lý bỗng nhận thấy cô gấu không cử động, không ăn uống gì hết. Hóa ra cô đã chết, chỉ vài tuần sau khi bạn gấu đồng hành của cô là gấu Snowflake chuyển đi.

Snowflake là một cô gấu khác, đã ở cùng với Szenja từ năm 1997. Cuối tháng 2/2017, Snowflake được chuyển tới vườn thú Pittsburgh nhằm phối giống. Tuy nhiên, hành động lần này có vẻ như đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, khi Szenja không thể chịu nổi cảnh chia cắt mà qua đời.

Theo báo cáo từ Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA), Szenja vì quá đau buồn mà ra đi. "Mất đi người bạn đồng hành trong hơn 20 năm, Szenja đã làm một điều tương tự như con người khi mất đi toàn bộ hy vọng: cô gấu đã từ bỏ tất cả, không thiết ăn uống nữa" - Tracy Remain, phó chủ tịch PETA cho biết.

Thất tình có thể gây chết người? Ít nhất điều đó cũng xảy ra với cô gấu trắng này - Ảnh 2.

Được biết, Szenja được đưa đến SeaWorld từ năm 1995. Thông thường, gấu trắng có tuổi thọ 18 năm ngoài tự nhiên, và 20 - 30 năm khi nuôi nhốt. Chú gấu già nhất thế giới là Uulu tại vườn thú San Francisco, 36 tuổi, nhưng chú cũng đã chết vào đầu năm 2017.

Trên thực tế, trải nghiệm suy sụp tình cảm đã được chứng minh có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Ở người, có hẳn một hội chứng mang tên "con tim vỡ tan" (heart-broken syndrome), còn gọi là chứng bệnh lý cơ tim Takotsubo.

Cụ thể, hội chứng sẽ kích hoạt một lượng lớn adrenaline đến cơ tim. Lượng hormone này sẽ khiến khoang bơm phía đáy tim bị sốc, làm nó ngừng lại, trong khi khoang bơm phía trên lại hoạt động mạnh hơn. Lúc này, hình dạng quả tim trông giống như quả bóng bay vậy, và hệ quả có thể là đau ngực, khó thở, đột quỵ, đau tim...

Dù trải nghiệm ở loài gấu có thể khác, và có thể chúng cũng chẳng biết thế nào là tình yêu. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng chúng cũng có mối liên hệ tinh thần cực kỳ mạnh mẽ. Điều này thể hiện qua chính những lần con người chia tách động vật nuôi nhốt: những con ở lại thường bỏ ăn, và phải mất một thời gian mới trở lại bình thường.

Thất tình có thể gây chết người? Ít nhất điều đó cũng xảy ra với cô gấu trắng này - Ảnh 3.

Szenja và SnowFlake

Bên cạnh đó, Remain cho rằng sự việc chính là một lời cảnh tỉnh cho không chỉ công viên hải dương SeaWorld, mà đối với những sở thú, viện hải dương khác trên thế giới. "Ngưng phối giống và vận chuyển động vật đi khắp nơi. Và hãy đóng cửa, trả tự do cho chúng" - cô cho biết.

Nếu như đã từng đến vườn thú, nhìn thấy ánh mắt buồn bã của những loài động vật trong chuồng, bạn sẽ hiểu điều Remain đã nói. Cuộc sống của các loài thú vốn là thiên nhiên hoang dã, nơi chúng mài giũa bản năng sinh tồn trong sự tự do - thứ đã bị con người đánh cắp. Giờ đây, chúng bó gối trong những cái chuồng chật hẹp, ngày qua ngày chịu đựng hàng trăm cặp mắt soi vào.

Thất tình có thể gây chết người? Ít nhất điều đó cũng xảy ra với cô gấu trắng này - Ảnh 4.

Tuy rằng các vườn thú luôn trưng ra mác "bảo tồn động vật hoang dã", nhưng việc nhốt chúng sau những chấn song không phải là cách làm đúng. PETA đánh giá đó chỉ là khẩu hiệu lố bịch, nhằm biến động vật thành những con rối để kiếm lợi nhuận mà thôi.

Nguồn: Daily Mail