Gần thành phố Daly, phía nam San Francisco (Mỹ) là một thị trấn nhỏ mang tên Colma thuộc quận San Mateo. Dù diện tích chỉ rộng hơn 5 nghìn mét vuông nhưng nơi đây có tận 17 nghĩa trang và là nơi an nghỉ của hơn 1,5 triệu linh hồn người chết. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, dân số nơi đây chỉ có vỏn vẹn khoảng 1800 người.
Để nói về lịch sử của Colma, trước tiên phải nhắc đến cơn sốt vàng hồi giữa thế kỷ 19. Thời đó, người nhập cư, thương nhân và thợ mỏ từ khắp nơi trên thế giới thi nhau đổ về San Francisco với hy vọng kiếm chác, tìm món hời, làm dân số nơi đây vụt lên 10.000 người trong chớp mắt. Thế nhưng, công cuộc đào vàng không dễ dàng như người ta tưởng, tai nạn liên tiếp xảy ra, cộng với dịch bệnh khiến số lượng người chết tăng lên một cách chóng mặt. Chỉ trong vòng thời gian ngắn, toàn bộ nghĩa trang ở San Francisco chật kín chỗ, diện tích đất sống bị thu hẹp đáng kể.
Người dân thành phố San Francisco tiến hành bốc mộ và di dời sang nơi khác.
Năm 1900, chính quyền San Francisco tuyên bố thành phố đã không còn đủ chỗ để xây dựng nghĩa trang và người dân không được phép chôn cất ở đây nữa. Năm 1914, địa phương bắt đầu đòi lại đất nghĩa trang, các ngôi mộ bị “trục xuất” và buộc phải được di dời sang các vùng lân cận, chủ yếu là chuyển đến Colma.
Ngày nay, thị trấn Colma là nơi sinh sống của gần 2000 người và là nơi an nghỉ cuối cùng của hơn 1,5 triệu người, trong đó, có những nhân vật quyền lực bậc nhất thế giới như ông hoàng quần jean Levi Strauss, nhà báo William Randolph Hearst, ông trùm kinh doanh Amadeo Giannini… Chính bởi số lượng mộ phần nhiều áp đảo, hơn gấp 10 lần dân số nên Colma được mệnh danh là “thị trấn tĩnh lặng”, “thị trấn chết chóc" hay "thành phố của những linh hồn". Khiếu hài hước của người dân nơi đây được thể hiện qua câu khẩu hiệu: “Thật tuyệt khi ở Colma mà chưa chết”.
(Nguồn: Amusing Planet)