Một phụ nữ có con gái trên chuyến bay MH370 đã khóc trước cuộc họp với các quan chức Malaysia Airlines tại Bắc Kinh hồi tháng 1/2017. (Ảnh: Reuters)
Hành trình về với những đứa con và nỗi đau còn ở lại với người đầu bạc
Muktesh Mukherjee, 42 tuổi, một người Canada gốc Ấn Độ làm việc cho Công ty Năng lượng và Tài nguyên XCoal, đã gặp vợ là cô Bạch Tiểu Mạc, trong chuyến đi công tác ở Trung Quốc năm 2002. Họ sống ở Montreal (Canada) trước khi chuyển đến Bắc Kinh (Trung Quốc).
Khi ấy cặp vợ chồng họ đang trên đường trở về Bắc Kinh sau một chuyến đi chơi biển tại Việt Nam. Bạch Tiểu Mạc, 37 tuổi, đã đăng hình ảnh kỳ nghỉ của họ trước khi lên máy bay. Hai đứa con trai của hai người đang đợi họ ở nhà.
Ông Trương và chiếc huy hiệu hỗ trợ dành cho thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH370 (Ảnh: Morung)
Ông nội của Mukherjee là cựu Bộ trưởng chính phủ Ấn Độ, cũng qua đời trong một vụ tai nạn máy bay ngoài New Delhi vào những năm 1970. Bác của Mukherjee ở Ấn Độ chia sẻ: "Những điều kỳ diệu rất có thể sẽ xảy ra, chúng tôi cầu nguyện điều đó sẽ xảy ra vào lúc này và Muktesh sẽ trở lại với chúng tôi.
Trong tất cả 239 hành khách trên chuyến bay MH370, 154 hành khách là người Trung Quốc. Con gái Trương Kỳ của Trương Dũng Lý cũng nằm trong số nhiều hành khách trên chiếc máy bay. Ông đã chỉ cho phóng viên một huy hiệu mà ông nhận được từ một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các thành viên trong gia đình của hành khách bị mất tích. Ông Trương cho biết vụ việc đã hủy hoại cuộc đời của ông và vợ.
Bà Hồ đang lau nước mắt trong căn phòng có tấm ảnh của người cháu gái (Ảnh: Morung)
Bà Hồ, và toàn bộ gia đình người con trai tên Triệu của bà là nạn nhân trên chuyến MH370, đã lau nước mắt trong một cuộc phỏng vấn. Hình ảnh đóng khung của cháu gái được nhìn thấy trong phòng khách nhà bà.
Bà nói rằng, bà không thể về nhà một thời gian sau vụ việc, bởi bà sợ đi vào căn nhà trống mà không còn nụ cười đáng yêu của cháu gái. Thậm chí, bà nói mình đã có những ý định tự tử.
Bà Cao Hiền Ảnh với cháu gái 3 tuổi bị mất tích của mình, Triệu Ánh Tâm. (Ảnh: Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp)
Khi chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất trên màn hình radar vào ngày 8 tháng 3 năm 2014, nó cũng đã mang theo ba thành viên của gia đình Cao Hiền Ảnh rời xa bà trong đó có con gái, con rể và cháu gái 3 tuổi của bà, Triệu Ánh Tâm. Người phụ nữ 62 tuổi nói nhẹ nhàng rằng, bà vẫn tin gia đình bà sẽ trở lại.
"Con gái tôi vẫn còn sống. Hành khách MH370 vẫn còn sống ", Bà Cao nhấn mạnh lời nói của mình trong khi cầm chiếc khăn giấy đẫm nước mắt. "Tôi chỉ chờ đợi cho con tôi về nhà."
Con gái bà Cao Hiền Ảnh, cô Trương Tiểu Lai, người đã lên máy bay cùng chồng và con gái. (Ảnh: The Guardian)
Căn nhà mơ ước còn dang dở, tuần trăng mật trễ và những giọt nước mắt dằn vặt
Trí Lương ngồi trong căn nhà trống rỗng mà anh và vợ chưa cưới của mình dự định thiết kế cho cuộc sống của họ. (Ảnh: Morung)
Trí Lương, một chàng trai trẻ đang ngồi bần thần trong căn nhà trống rỗng mà vợ chưa cưới của mình đã dự định thiết kế cho cuộc hôn nhân của họ. Ngôi nhà vẫn chưa được trang trí. Trí Lương nói rằng, anh sẽ không bao giờ dừng việc chờ đợi vị hôn thê bị mất tích của mình trở lại. Họ đã lên kế hoạch kết hôn trong năm đó.
Cô Norli Akmar Hamid, 33 tuổi và chồng cô Razahan Zamani, 24 tuổi, đến từ Malaysia đã gặp nhau trong khi làm việc tại một siêu thị tại Kuala Lumpur.
Razahan Zamani, dưới cùng bên phải, và vợ Norli Akmar Hamid, trong tuần trăng mật trễ của mình (Ảnh: Reuters)
Họ quyết định kết hôn vào năm 2012 và đang trong một chuyến đi hưởng tuần trăng mật dài đến Bắc Kinh. Một người thân đã nói với hãng tin nhà nước Malaysia Bernama rằng, hai vợ chồng dự định nghỉ lễ sau khi cô Norli bị sẩy thai.
Tạp chí Wall Street trích dẫn những người bạn rằng, đây là lần đầu tiên cặp đôi đi máy bay.
Thành Lý Bình với chiếc ly yêu thích của chồng cô và bức ảnh chụp cùng chồng mình. (Ảnh: Morung)
Thành Lý Bình, cũng mang chung nỗi đau ấy, chỉ khác rằng, cô là người ở lại, còn chồng cô, anh Tú là hành khách trên chiếc máy bay bị mất tích. Chia sẻ với Tân Hoa xã, trên tay cô vẫn đang cầm chiếc ly yêu thích của chồng mình và bức ảnh của cô và chồng.
Cuộc đời của cô đã thay đổi hoàn toàn kể từ vụ việc. Hai đứa con trai nhỏ của họ vẫn chưa hiểu điều gì đang xảy ra, vẫn tiếp tục hỏi cô rằng, khi nào bố chúng sẽ trở lại, cô Thành chia sẻ.
Cô Lưu đang đeo thử chiếc nhẫn của chồng mình. (Ảnh: Morung)
Cô Lưu, người có chồng là Lý Chí Tấn đã ở trên máy bay, đang đeo thử chiếc nhẫn của chồng mình. Cô đã tranh luận với chồng về cuộc gọi điện thoại cuối cùng trước khi vụ việc xảy ra. Cô đã không thể biết rằng, đó sẽ là cuộc nói chuyện cuối cùng của họ, điều này giờ đây đã trở thành sự hối tiếc lớn nhất trong cô, cô Lưu tâm sự.
Công việc bị bỏ ngỏ
Giám đốc điều hành IBM, ông Philip Wood, 50 tuổi, đến từ Texas, là một trong ba người Mỹ trên máy bay. Đó là chuyến đi cuối cùng của ông tới Bắc Kinh trước khi định cư tại Kuala Lumpur.
Ông Wood - một người mang trong mình bao khao khát - vừa mới được chuyển tới Malaysia và rất vui mừng về sự khởi đầu mới, anh trai James nói với tờ Wall Street Journal.
Hành khách người Mỹ, Philip Wood, nhân viên hãng máy tính IBM, người có mặt trên chuyến MH370 (Ảnh: BBC)
"Bạn có thể làm gì? Bạn có thể nói gì?", "Gia đình chúng tôi vô cùng gắn bó," cha của Philip, ông Aubrey Wood, nói trong nỗi đau với New York Times.
Theo báo cáo, một hành khách khác trên đường đi làm việc mới là kỹ sư cơ khí Paul Weeks từ New Zealand.
Người cựu chiến binh chuyển gia đình ông đến Perth, Australia, sau trận động đất tàn phá ở Christchurch. Trước khi rời nhà, ông đã tháo chiếc nhẫn cưới và đưa cho vợ và hai đứa con trai nhỏ của mình.
Đại gia đình của sinh linh nhỏ tuổi nhất
Chỉ mới 23 tháng tuổi, Vương Mạc Hằng, là một trong những hành khách nhỏ tuổi nhất trên chuyến bay MH370. Em đang trên đường trở lại từ một kỳ nghỉ tuần ở Malaysia với mẹ Giao Vy Vy, 32 tuổi, và cha Vương Thụy, 35 tuổi. Hai ông bà của em cũng trên cùng chuyến bay.
Các gia đình của những đứa trẻ khác tại trung tâm chăm sóc ban ngày của Mạc Hằng tham gia kỳ nghỉ với gia đình em ở Malaysia, nhưng đã trở về trên các chuyến bay riêng biệt.
Gia đình em nói rằng, họ đã cố gắng thoát khỏi "hoàn cảnh ngột ngạt ở Bắc Kinh một thời gian."
Người thân của mình đang bị giam giữ ở một nơi bí mật?
Những cuộc điều tra liên tiếp về chiếc máy bay mất tích dường như vẫn không làm cho thân nhân của những hành khách tin rằng, chiếc máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương.
Các thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 đã từng cho rằng, người thân của họ đang bị giam giữ và họ sẵn sàng tha thứ cho những kẻ bắt cóc nếu người thân của họ được thả ra an toàn.
Một thân nhân Trung Quốc của một hành khách bị mất trên chuyến bay Malaysia Airlines MH370 gào khóc bên ngoài cổng chính của chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 6/2015. (Ảnh: Getty images)
Các gia đình của 154 hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 bị mất tích vẫn cho rằng, người thân của họ đang bị giam giữ ở đâu đó trái với ý muốn của họ "vì những nguyên nhân không xác định".
Họ cũng cho biết, họ không tin rằng, phần cánh ở đảo Reunion của Pháp năm 2015 là từ chiếc máy bay của Malaysia Airlines - "Nếu không có bằng chứng ngược lại, chúng tôi tin rằng có thể người thân chúng tôi vẫn còn sống.", một trong những thân nhân nói với BBC.
Phần nhựa được cho là xác của cánh chiếc máy bay MH370 được tìm thấy ở đảo Reunion, Pháp (Ảnh: EPA)
"Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẵn sàng trao cho những kẻ thủ phạm sự ân xá để đổi lại việc trả tự do cho người mất tích". Đồng thời họ muốn các hoạt động tìm kiếm được mở rộng và tiếp tục vượt quá thời hạn dự kiến đã được thiết lập cho cuộc tìm kiếm.
Hy vọng cho người ở lại
Sau hàng loạt các cuộc tìm kiếm dường như không mấy khả quan, mới đây các nhà điều tra Australia vừa ra báo cáo cuối cùng về chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Họ kết luận chiếc Boeing 777 nằm trong khu vực rộng 25.000 km2 ở phía bắc vùng tìm kiếm ban đầu trên Ấn Độ Dương và quá trình tìm kiếm chiếc phi cơ, có sự tham gia của cả Malaysia và Trung Quốc, đã bị tạm dừng vào tháng 1/2017 sau 1.046 ngày.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn làm đau đầu các nhà điều tra và những người vẫn theo dõi câu chuyện đó là, "không biết điều gì đã xảy ra với chiếc phi cơ - một chiếc máy bay thương mại cỡ lớn - mất tích cũng như những người trên đó", BBC dẫn một thông báo hôm 3/10 của Cục An toàn Giao thông Australia.
Giới chức Australia cho biết, công cuộc tìm kiếm sẽ được nối lại khi có bằng chứng tin cậy mới. Điều này hẳn đã nhen nhóm niềm hy vọng nhỏ nhoi đối với thân nhân những hành khách có mặt trên chuyến bay định mệnh rằng, biết đâu, những người mất tích hơn 3 năm trước vẫn còn sống.