Thảm kịch lật tàu Vịnh Xanh 58: "Khoảng trống chết người" trong quản lý tàu du lịch

TIẾN THẮNG/VTC News, Theo vtcnews.vn 10:26 24/07/2025
Chia sẻ

Nhiều bài học và khuyến nghị được các chuyên gia, chủ tàu du lịch đưa ra sau vụ tai nạn lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 khiến 37 người chết, 2 người mất tích.

Thảm kịch tàu Vịnh Xanh 58 lật úp trên Vịnh Hạ Long chiều 19/7 khiến 37 người thiệt mạng, 2 người mất tích gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong công tác đảm bảo an toàn hàng hải. Từ hệ thống cảnh báo khẩn cấp, cập nhật thời tiết theo thời gian thực đến thiết kế tàu và quy trình giám sát hành trình - tất cả đều cần được rà soát, cải tiến.

Nhiều chuyên gia và chủ tàu đã lên tiếng đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy ra trong tương lai.

Cần hệ thống cảnh báo tự động

Theo TS Phạm Hà, Tổng Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Lux (đơn vị chuyên phục vụ khách du lịch hạng sang trải nghiệm tại Cát Bà, Hạ Long...), hiện nay đang tồn tại lỗ hổng trong thiết kế tàu du lịch khi chưa có hệ thống “cảnh báo tự động” trong những tình huống khẩn cấp mà người thuyền trưởng hoặc thuyền viên không kịp đưa ra phản ứng, như trường hợp tàu bị lật trên Vịnh Hạ Long chiều 19/7.

TS Phạm Hà nhìn nhận, Việt Nam là đất nước sở hữu nhiều hòn đảo và vịnh đẹp, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước nhưng cũng là nơi tiềm ẩn yếu tố thời tiết bất thường, nguy hiểm. Do đó, công tác dự báo thời tiết sớm và đánh giá chính xác là điều rất quan trọng.

Thảm kịch lật tàu Vịnh Xanh 58: "Khoảng trống chết người" trong quản lý tàu du lịch- Ảnh 1.

Tàu Vịnh Xanh 58 được trục vớt, lai dắt về bờ sau vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của 37 người, 2 người còn mất tích.

Theo ông Hà, khi tàu đã rời bến nhưng tình hình thời tiết lại có sự thay đổi đột ngột thì những bản tin thời tiết định kỳ 6 tiếng một lần là chưa đủ. Việt Nam cần phải có hệ thống dự báo thời tiết biển theo thời gian thực, sử dụng công nghệ radar ven bờ, phao đo sóng, dữ liệu vệ tinh, trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng và cảnh báo theo từng vùng cụ thể.

Thông tin thời tiết cũng phải được chuẩn hóa quốc tế, dễ hiểu, truyền tải đa nền tảng - từ ứng dụng di động, đài VHF, đến màn hình trên tàu để nắm bắt kịp thời.

Ông Hà cũng đề xuất, cần quy định ngưỡng gió, sóng theo từng loại tàu, khi vượt ngưỡng thì tàu nào không đáp ứng được sẽ phải tạm dừng hoạt động. Đồng thời, cơ quan chức năng nên triển khai hệ thống xếp hạng an toàn cho tàu du lịch, công khai hồ sơ kỹ thuật, nhật ký bảo trì, lịch đào tạo thủy thủ đoàn.

Để thực hiện được những điều trên, theo Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Lux, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong quản lý du lịch biển dựa trên nền tảng số hóa toàn diện, như trình lệnh - cấp lệnh điện tử; quản lý khách theo mã QR để định danh, kiểm soát số lượng hành khách, quốc tịch, thời gian thực lên/xuống tàu.

Các tàu cần được theo dõi tọa độ GPS trực tuyến, tích hợp với hệ thống radar, bản đồ số và camera giám sát vịnh. Dữ liệu các tàu hoạt động cũng cần được liên thông giữa cảng vụ, biên phòng, doanh nghiệp, trung tâm khí tượng và trung tâm điều phối cứu nạn...

Thiết kế tàu Vịnh Xanh 58 "có vấn đề"

Là người theo dõi thông tin sự việc, ông Nguyễn Trọng Tùng - chủ tàu du lịch hoạt động tại vịnh Lan Hạ cho rằng, thiết kế hình dáng và kết cấu của tàu Vịnh Xanh 58 đang “có vấn đề”.

“Là người trong nghề, nhìn những hình ảnh tàu bị lật úp tôi nhận thấy thiết kế của tàu chưa ổn. Kinh nghiệm khi đóng tàu du lịch cần phải mở lườn, lườn rộng thì tàu chạy chậm hơn nhưng khả năng tránh gió, giữ thăng bằng sẽ tốt hơn.

Thêm nữa, tàu đi biển thường có vè chắn sóng ở hai bên thân tàu giúp giảm độ nghiêng khi gặp sóng và gió giật nhưng ở đây tàu Vịnh Xanh 58 lại được đóng theo kiểu cano, tàu cao tốc cộng với 2 tầng nên khi gặp gió giật, sóng lớn sẽ dễ bị nghiêng và lật hơn”, ông Tùng nhận định.

Thảm kịch lật tàu Vịnh Xanh 58: "Khoảng trống chết người" trong quản lý tàu du lịch- Ảnh 2.

Thiết kế của tàu Vịnh Xanh 58 cũng được đặt ra khi tàu dễ dàng bị mưa dông lật úp trong thời gian ngắn.

Cũng theo ông Tùng, trong trường hợp gặp tình huống nguy hiểm khẩn cấp như trên cần phải mở hết cửa sổ của tàu nhằm giảm sức giật của gió, quan trọng nhất là giúp hành khách bên trong có cơ hội thoát ra ngoài.

Trường hợp của tàu Vịnh Xanh 58, phần lớn hành khách mặc áo phao nhưng lại đóng hết cửa thì khi tàu bị lật úp sẽ gần như bị nhốt hết bên trong.

Thông tin thêm với Báo Điện tử VTC News, ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết chủ tàu Vịnh Xanh 58 cũng là một thành viên thuộc chi hội.

Theo ông Hồng, sự việc tai nạn xảy ra đối với tàu Vịnh Xanh 58 là điều rất đau xót, không ai mong muốn. Thực tế, công tác phòng chống thiên tai, kỹ năng của người thuyền trưởng lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu, thiên tai bất khả kháng không ai thể nói trước được điều gì. Dông gió bất chợt ập đến đúng vị trí của tàu thì cũng rất khó để làm chủ được tình hình.

“Các chủ tàu, thuyền trưởng có tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long vẫn thường xuyên đề cao công tác an toàn, kỹ năng nghề nghiệp. Việc xảy ra đối với tàu Vịnh Xanh 58 thực sự là việc bất khả kháng bởi ngay trong tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu đã đáp ứng cao hơn mức yêu cầu mà cơ quan nhà nước đặt ra”, ông Hồng bày tỏ.

Nâng cấp định vị GPS

Nói về công tác giám sát hải trình của tàu thông qua định vị GPS, theo đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, việc này do cơ quan cảng vụ thực hiện. Tuy nhiên theo nhiều chủ tàu, do địa hình trên Vịnh Hạ Long có nhiều núi đá vôi nên việc mất sóng điện thoại và tín hiệu GPS diễn ra khá phổ biến.

Trong quyết định số 50 ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh, cũng không có quy định cụ thể về thời gian bao lâu sau khi tàu mất tín hiệu GPS thì được coi là mất tích hoặc gặp sự cố.

Thông thường, thuyền viên sẽ phải thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống phòng cháy, chống đắm, thông tin liên lạc và đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động thường xuyên, ổn định chất lượng. Khi mất tín hiệu giám sát hành trình, thuyền trưởng phải chủ động thông tin cho cảng vụ vị trí của tàu để giám sát.

Trường hợp phát hiện tàu mất tín hiệu GPS, nhân viên giám sát sẽ phối hợp với cảng vụ để xác minh bằng cách gọi điện cho thuyền trưởng hoặc chủ tàu để kiểm tra tình trạng tàu, nguyên nhân mất tín hiệu và yêu cầu báo cáo thường xuyên hoặc liên hệ các tàu lân cận để xác minh gián tiếp vị trí, tình trạng tàu. Nếu không liên lạc được, đơn vị sẽ điều xuồng đến vị trí mất tín hiệu để kiểm tra trực tiếp.

Thảm kịch lật tàu Vịnh Xanh 58: "Khoảng trống chết người" trong quản lý tàu du lịch- Ảnh 3.

Thông tin tàu gặp nạn sau hơn 2 tiếng mất tín hiệu GPS với cơ quan quản lý cũng đặt ra vấn đề về công tác giám sát hải trình, nhận diện việc gặp nạn.

Được biết, công nghệ GPS dùng để giám sát hải trình tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long được đầu tư từ năm 2010 với một số tính năng như: cho biết vị trí, vận tốc, thời gian hoạt động, thời hạn lưu trú, tuyến hành trình, điểm tham quan, điểm lưu trú, số lượng khách, số lượng thuyền viên, nhân viên phục vụ.

Hệ thống này cũng hỗ trợ giám sát phương tiện tại các điểm tránh trú bão, điểm lưu trú ngủ đêm, phục vụ công tác kiểm soát, điều hành hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long của cảng vụ.

Quy trình quản lý vận hành hệ thống gồm giám sát thường xuyên, giám sát xử lý vi phạm theo số lượng tàu du lịch trên vịnh. Ngoài ra, cảng vụ thành lập Tổ GPS gồm 6 người làm việc, chia thành 3 ca, hoạt động cả ngày.

Thực tế từ tháng 4/2025, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức nghiên cứu xây dựng phần mềm mới để phục vụ công tác quản lý, điều tiết hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn.

Một số ưu điểm của phần mềm mới bao gồm nâng cấp tính năng tự động cảnh báo, gửi yêu cầu đến thuyền trưởng, chia sẻ dữ liệu cảnh báo đến các lực lượng chức năng, nâng cấp thiết bị GPS, đề xuất bổ sung các trạm tiếp sóng internet trên vịnh.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đang liên hệ một số chuyên gia để hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo những dấu hiệu thời tiết bất thường xuất hiện trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cô Tô để phục vụ hoạt động du lịch và vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Nói thêm về quy trình xuất bến, đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho biết, khách du lịch sẽ làm việc với chủ tàu để mua vé. Chủ tàu hoặc đại diện chủ tàu tiếp nhận thông tin từ khách để điền thông tin vào danh sách. Sau đó, dùng danh sách này để mua vé từ Ban Quản lý vịnh Hạ Long, xin xác nhận từ Cảng tàu khách rồi làm lệnh xuất bến cho tàu tại Cảng vụ và nộp một bản cho lực lượng Biên phòng.

Tiếp đó, chủ tàu hoặc thuyền trưởng dẫn khách qua cổng soát vé có nhân viên của Ban Quản lý vịnh soát và bấm từng vé. Cảng tàu cũng ủy quyền bán vé đi qua cảng cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long như một hình thức nhờ thu hộ khoản phí qua cảng.

Lúc 12h55 ngày 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 chở 46 du khách và 3 thuyền viên đi tham quan tuyến 2 trên vịnh Hạ Long. Đến 13h30 cùng ngày, tàu gặp cơn dông mạnh nên bị lật úp, mất tín hiệu kết nối GPS.

Một số hành khách kịp mặc áo phao và nhảy xuống biển. Tuy nhiên, phần lớn bị mắc kẹt trong cabin hoặc khoang máy.

Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng đã cứu sống 10 người, tìm thấy 37 thi thể và còn 2 nạn nhân mất tích.

Danh tính 2 người còn mất tích gồm: Hoàng Văn Thái (SN 1985), Hoàng Thị Quyên (SN 1975).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày