Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới

Cao Lực, Theo Người Lao Động 21:51 15/02/2021
Chia sẻ

A68a, tảng băng trôi lớn nhất thế giới hiện nay với chiều dài 144 km, đang trôi thẳng đến một hòn đảo phía Nam Đại Tây Dương và có khả năng nghiền nát hệ sinh thái ở đây, tạo thành một thảm họa sinh thái.

Tảng băng khổng lồ này tách khỏi thềm băng Larsen C của bán đảo Nam Cực hồi tháng 7-2017 và di chuyển từ từ ra đại dương mở, trôi nổi trong suốt 2 năm cho đến khi chạm phải vòng hải lưu Nam Cực (ACC). Kể từ đó, như một vận động viên trượt băng tốc độ, A68a lao về phía đảo Nam Georgia - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Nam Đại Tây Dương.

A68a có kích thước tương đương nhiều hòn đảo nổi tiếng. Tảng băng này có hình dáng rất giống quốc đảo Jamaica, với chiều dài gần bằng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ, khiến Hồng Kông và Singapore trở nên nhỏ bé nếu đứng cạnh.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Kích thước của A68a so với các đảo, quốc đảo và vùng lãnh thổ khác (Ảnh: Reuters)

Các nhà quan sát từ Tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) khẳng định với truyền thông rằng vào năm 2019, một chuyến bay phải mất khoảng 1 giờ 30 phút mới bay hết A68a. Tảng băng này lớn đến mức các phi công của Không quân Hoàng gia Anh hồi tháng 12-2020 không thể chụp trọn trong một bức ảnh.

Tranh cãi biến đổi khí hậu

Cộng đồng khoa học hiện vẫn tranh cãi về việc liệu A68a có phải là hệ quả của biến đổi khí hậu hay không và trong tương lai, liệu thế giới có chứng kiến thêm nhiều "quái vật băng trôi" tương tự hay không.

Tuy băng trôi là một hiện tượng khá phổ biến, khi các tảng băng vỡ ra từ sông băng và thềm băng vài năm một lần, nhưng thế giới trong 35 năm qua chỉ chứng kiến 5 tảng lớn hơn A68a. Tảng lớn nhất, B-15, có diện tích 11.000 km vuông khi nó vỡ ra từ thềm băng Ross ở Nam Cực hồi tháng 3-2000.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Với chiều dài 144 km, A68a là tảng băng trôi lớn nhất thế giới hiện nay (Ảnh: Không quân Hoàng gia Anh (RAF))

Liệu biến đổi khí hậu có liên quan trực tiếp, hoặc một phần, đến việc làm bất ổn thềm băng Larsen C hay không vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Cộng đồng khoa học hiện còn hiểu biết hạn chế về băng trôi.

Theo Reuters, hoạt động giám sát và theo dõi băng trôi ở cả 2 cực chỉ mới được bắt đầu trong những thập kỷ trở lại đây, với sự hỗ trợ của vệ tinh. Chưa kể, châu lục này còn bị ảnh hưởng bởi nhiều biến số khác, bao gồm các kiểu thời tiết của vùng nhiệt đới và gió mạnh.

Châu Nam Cực hiện là một trong những nơi có nhiệt độ ấm lên nhanh nhất trên Trái Đất. Ngay cả tại Nam Cực, nơi được xem là một trong những khu vực lạnh nhất hành tinh, nhiệt độ cũng đã tăng gấp 3 lần mức tăng trung bình của toàn cầu trong 3 thập kỷ trở lại đây.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 3.

Nhiều nhà khoa học cho rằng A68a là hệ quả của biến đổi khí hậu (Ảnh: RAF)

Thảm họa môi trường

Loạt ảnh vệ tinh hồi cuối tháng 1 cho thấy A68a đã tách làm đôi. Tuy nhiên, nó vẫn là một mối đe dọa đối với hệ sinh thái xung quanh.

"Tảng băng này có kích thước của một hòn đảo lớn và những dòng nước rất lạnh xuất phát từ nó trong lúc băng tan có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với sinh vật phù du ngoài khơi đảo Nam Georgia… làm dấy lên những lo ngại về chuỗi thức ăn của đại dương" - nhà khoa học Povl Abrahamsen của BAS khẳng định với báo The Guardian.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 4.

Dòng nước rất lạnh xuất phát từ băng tan chảy có thể đe dọa sự sống của thực vật phù du ngoài khơi đảo Nam Georgia (Ảnh: RAF)

Giới chuyên gia sinh vật biển lo sợ thực vật phù du, những sinh vật biển cực nhỏ trôi nổi trên nước, có thể bị giết chết. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến những sinh vật sống dựa vào chúng như bộ tôm, qua đó gây ảnh hưởng dây chuyền đến những quần thể hải cẩu, chim cánh cụt và cá voi đến đảo Nam Georgia kiếm ăn.

"Khu vực này đang đối mặt với nhiều thay đổi vì khí hậu nóng lên. Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta tìm hiểu xem những sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta như thế nào. A68a sẽ giúp chúng ta hiểu thêm rất nhiều về tác động của biến đổi khí hậu" - nhà khoa học Abrahamsen nói.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 5.

Trong 35 năm trở lại đây, thế giới chỉ mới chứng kiến 5 tảng băng trôi lớn hơn A68a (Ảnh: RAF)

Đảo chim cánh cụt

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đảo Nam Georgia là nơi sinh sống của khoảng 45.000 chim cánh cụt vua, bên cạnh những sinh vật khác.

Thời điểm A68a dự kiến đâm vào đảo Nam Georgia không thể tồi tệ hơn. Nhiều chim cánh cụt con nở vào cuối tháng 12-2020. Theo nhà sinh học chim biển Norman Ratcliffe của BAS, nếu lứa chim cánh cụt con này chết, dân số chim cánh cụt trên đảo Nam Georgia có thể giảm 10%.

"Chim cánh cụt con cần được cho ăn mỗi ngày, đặc biệt là khi chúng còn rất nhỏ. Nếu không, hậu quả sẽ tương đối lớn. Cả đàn chim cánh cụt Gentoo có thể biến mất nếu điều kiện ăn kém" - ông Ratcliffe nói thêm.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 6.

Đảo Nam Georgia là nơi sinh sống của khoảng 450.000 chim cánh cụt vua, bên cạnh những sinh vật khác (Ảnh: Reuters)

Với sư tử biển, khả năng sống sót của chúng là cao hơn nhiều trước những rủi ro đến từ A68a, bởi chúng có thể sản xuất sữa để nuôi con nhỏ và "nhịn đói" tốt hơn chim cánh cụt bố mẹ.

Rủi ro và thời điểm A68a va chạm Nam Georgia, cũng như mức độ ảnh hưởng cụ thể của nó đối với hòn đảo này vẫn đang được theo dõi. Ở thời điểm hiện tại, tất cả những gì giới khoa học có thể làm là theo dõi hình ảnh vệ tinh và chờ đợi.

Thảm họa từ tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 7.

A68a có thể giúp cộng đồng khoa học hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh: RAF)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày