Thảm họa đáng sợ ở nước láng giềng Việt Nam: Ngư dân bị cấm đánh bắt cá, sinh vật biển "ngạt thở" trong màu đen chết chóc

Tấn Đạt, Theo Thể Thao Văn Hoá 18:12 29/03/2023

Hơn một nửa số dầu đã lan ra diện tích hàng trăm km vuông tại vùng biển nổi tiếng là nơi có đa dạng sinh vật biển lớn nhất trên thế giới.

Thảm họa đáng sợ

Một con cua phủ đầy dầu bò chậm trên cát khi ngư dân Philippines mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng, đeo găng tay cao su và mặt nạ phòng độc đang cạo chất độc hại từ những tảng đá dọc theo bờ biển.

Bốn tuần sau khi một tàu chở dầu Philippines đem theo 800.000 lít dầu đặc bị chìm ngoài khơi đảo Mindoro, con tàu vẫn tiếp tục rò rỉ dầu ra ngoài biển.

Hơn một nửa số dầu đã lan ra diện tích hàng trăm km vuông tại vùng biển nổi tiếng là nơi có đa dạng sinh vật biển lớn nhất trên thế giới.

Các chuyên gia ước tính hai vệt dầu chính phía tây bắc và đông nam của tàu chở dầu có thể trải rộng 162 km vuông. Trong khi đó, chỉ mất hai ngày là dầu đã tràn đến Buhay na Tubig, một ngôi làng hẻo lánh ở Pola - một trong những cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất của vùng đảo.

Thảm họa đáng sợ ở nước láng giềng Việt Nam: Ngư dân bị cấm đánh bắt cá, sinh vật biển ngạt thở trong màu đen chết chóc - Ảnh 1.

Một số dân làng đã mắc bệnh sau khi dầu tràn khắp bờ biển, biến các tảng đá thành màu đen và để lại những vệt đen trên bãi biển.

Các nhà chức trách đã cấm đánh bắt cá và bơi lội "vô thời hạn", khiến hàng nghìn ngư dân tự hỏi liệu họ có thể sinh tồn được bao lâu.

"Họ nói rằng việc xử lí dầu tràn có thể mất sáu tháng, nhưng nếu chúng tôi không thể đánh cá trong cả năm thì sao?", Arvie Anonuevo - 32 tuổi, một ngư dân có ba con - đặt câu hỏi.

Trong hơn hai tuần, Anonuevo và những ngư dân khác đã dành 4 giờ mỗi ngày để làm sạch dầu và đổi lấy mức lương hàng ngày là 355 peso (6,5 USD) từ chính quyền - hơn một nửa so với mức họ từng kiếm được từ việc đánh bắt cá.

Ngư dân này sử dụng bay và tấm vật liệu mỏng, thấm nước để làm sạch đá. Nhưng đến ngày hôm sau, lại có thêm nhiều dầu dạt vào bờ. Anh Anonuevo nói: "Thật khó chịu khi dầu tiếp tục quay trở lại vào ngày hôm sau cho dù chúng tôi có làm sạch chúng bao nhiêu đi chăng nữa".

Chính phủ Philippines ước tính ít nhất 5.000ha rạn san hô, rong biển và rừng ngập mặn đã bị ảnh hưởng.

Rừng ngập mặn có thể "chết ngạt" nếu dầu bao phủ rễ của chúng, trong khi san hô - nơi sinh sản của nhiều loài cá - có thể chết hoặc khó phát triển và sinh sản nếu bị dính dầu.

Irene Rodriguez, phó giáo sư tại Viện Khoa học Hàng hải thuộc Đại học Philippines, cho biết sẽ mất ít nhất 6 tháng để dọn sạch vết dầu loang nhưng quá trình phục hồi có thể kéo dài nhiều năm.

Một trong những vụ tràn dầu tồi tệ nhất ở Philippines là vào năm 2006, khi một tàu chở dầu chở 2 triệu lít dầu bị chìm ngoài khơi đảo Guimaras miền trung. Bà Rodriguez cho biết 500.000 lít dầu đã rò rỉ ra biển trong sự cố đó.

Lần này, bà hy vọng "tình hình có thể được kiềm chế càng sớm càng tốt. Nếu dầu không được loại bỏ đúng cách và không được xử lý đúng cách... thì điều này sẽ có tác động đáng kể".

Con tàu chìm

Tàu Empress Princess được tìm thấy vào tuần trước bởi một phương tiện dưới nước điều khiển từ xa của Nhật Bản, ở độ sâu gần 400m.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết con tàu đã bị "thiệt hại về cấu trúc trên diện rộng" sau khi chìm vào ngày 28/2.

Thảm họa đáng sợ ở nước láng giềng Việt Nam: Ngư dân bị cấm đánh bắt cá, sinh vật biển ngạt thở trong màu đen chết chóc - Ảnh 2.

Bảy trong số tám thùng dầu đã bị rò rỉ. Trong số đó, bốn thùng đã trống rỗng.

Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Armando Balilo nói với AFP rằng khoảng 60% lượng dầu đã tràn ra biển. Biển động ban đầu đã trì hoãn việc triển khai các rào nổi để ngăn sự cố tràn dầu.

Dầu đã được tìm thấy ở tận đảo Palawan phía tây, cách nơi tàu chở dầu gặp nạn hơn 350 km. Một số vết dầu loang cũng đã trôi dạt về phía bắc đến Verde Island Passage, giữa Mindoro và đảo chính Luzon của Philippines.

Vùng này nằm gần đỉnh của Tam giác San hô - khu vực trải dài xuống Indonesia, Papua New Guinea và Đông Timor và còn được gọi là "Amazon của Biển" vì hệ sinh vật biển phong phú của nó.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết các công ty bảo hiểm của con tàu đang tìm kiếm các chuyên gia để vá chỗ rò rỉ và loại bỏ dầu.

Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đang giúp Philippines ứng phó với thảm họa. Chủ tàu chở dầu cho biết bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu đều có thể yêu cầu bồi thường.

Dù vậy, hỗ trợ tài chính không thể đến đủ nhanh đối với nhiều ngư dân, những người thường phải chuyển sang hái chuối hoặc dừa để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng các vườn chuối đã bị thiệt hại do một cơn bão lớn vào năm ngoái và vụ thu hoạch dừa tiếp theo còn phải mất nhiều tháng nữa.

Thị trưởng Pola Jennifer Cruz lo lắng về việc các gia đình sẽ kiếm sống như thế nào khi sự trợ giúp của chính phủ cạn kiệt.

Anonuevo đang gặp khó khăn, anh phải dùng một nửa số tiền kiếm được từ tuần đầu tiên làm sạch đá để trả nợ mua thức ăn cho gia đình và xăng xe máy.

Ngư dân Marlon Fabrero, 46 tuổi, cho biết ông đang cân nhắc việc cho một trong 4 đứa con của mình nghỉ học để cắt giảm chi phí.

"Tôi lấy đâu ra khoản trợ cấp 50 peso hàng ngày cho mỗi đứa đây?", anh tự đặt câu hỏi.