Thác máu đỏ rực bí ẩn trăm năm của Nam Cực nay đã có lời giải

J, Theo Trí Thức Trẻ 15:06 26/04/2017

Ở Nam Cực, nơi tọa lạc của những dòng sông băng vĩnh cửu lại tồn tại một thác nước nhỏ. Có điều, dòng nước chảy ra từ đây có màu đỏ như máu, và thường được gọi là "thác máu".

Nếu hỏi đâu là địa điểm bí ẩn nhất Trái đất, câu trả lời có thể chính là Nam Cực. Vùng đất băng giá lạnh lẽo này là nơi không bị con người động chạm đến trong hàng triệu năm, và đó là lý do nó ẩn giấu những hiện tượng kỳ lạ mà con người không thể giải thích được.

Một trong số những hiện tượng này là "Thác máu" (Blood Falls) - dòng thác màu đỏ rực tại thung lũng McMurdo Dry, địa điểm lạnh nhất và gần như không thể nuôi dưỡng sự sống.

Thác máu đỏ rực bí ẩn trăm năm của Nam Cực nay đã có lời giải - Ảnh 1.

Năm 1911, nhà thám hiểm địa chất người Úc - Griffith Taylor đã phát hiện ra Thác máu khi đang thám hiểm thung lũng McMurdur. Và kể từ đó, con người đặt ra rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của dòng nước đỏ rực kia.

Một số người cho rằng màu đỏ là do một loại tảo sinh sôi tại đây. Số khác thì khẳng định đó là do các oxide sắt gây nên. Tuy nhiên, tất cả đều chưa có bằng chứng cụ thể.

Thác máu đỏ rực bí ẩn trăm năm của Nam Cực nay đã có lời giải - Ảnh 2.

Nhưng mới đây, các chuyên gia tại ĐH Alaska Fairbanks (UAF) và Colorado College đã tìm ra sự thật. Theo như công bố, có một nguồn nước muối khổng lồ kẹt lại hàng triệu năm trước trong sông băng vĩnh cửu Taylor (Taylor Glacier - đặt tên theo nhà thám hiểm Griffith Taylor). 

Bằng cách sử dụng phương pháp nghe tiếng vọng sóng radio (echo-radio), các chuyên gia đã lần ngược về phía nguồn của dòng nước. Cuối cùng, họ nhận thấy một nguồn nước muối nằm sâu tới gần 100m tại dòng sông băng Taylor. Dòng nước muối này có chứa các sắt, thứ sẽ chuyển thành màu đỏ khi tiếp xúc với oxy trong khí quyển.

Bên cạnh đó, theo Christina Carr - chuẩn tiến sĩ tại UAF và là đồng tác giả nghiên cứu, thì họ đã tìm ra một điều từ trước đến nay ngỡ là không thể. Đó là nước lỏng có thể vẫn chảy bên trong những dòng sông băng vĩnh cửu.

Thác máu đỏ rực bí ẩn trăm năm của Nam Cực nay đã có lời giải - Ảnh 3.

"Nước khi đóng băng là quá trình tỏa nhiệt, do đó vô tình làm ấm những vùng nước lạnh xung quanh. Điều này kết hợp với nhiệt độ đóng băng thấp của nước muối đã khiến hiện tượng này xảy ra" - Erin Pettit, chuyên gia nghiên cứu sông băng tại UAF cho biết. 

Vậy là hiện tượng bí ẩn cả trăm năm nay tại Nam Cực đã được giải mã, đồng thời xác nhận thêm được sự tồn tại của một hiện tượng tưởng như không thể xảy ra. Khoa học thật tuyệt vời, phải không?

Nguồn: ScienceDaily