Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định, dịp Tết Âm lịch người lao động được nghỉ làm 5 ngày vẫn hưởng nguyên lương. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch (Điều 112).
Theo thông lệ, hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ dự thảo phương án nghỉ Tết Âm lịch trình Thủ tướng xem xét quyết định. Lịch nghỉ này thường được xây dựng theo 2 phương án, hoặc chọn lịch nghỉ 1 ngày năm cũ và 4 ngày năm mới, hoặc 2 ngày năm cũ, 3 ngày năm mới. Nếu ngày nghỉ Tết trùng ngày nghỉ hàng tuần, người lao động sẽ được nghỉ bù ở ngày đi làm tiếp theo.
Phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 dễ nhận được đồng thuận
Trước đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường có thêm phương án hoán đổi ngày đi làm và ngày nghỉ để dịp nghỉ Tết Nguyên đán được dài ngày hơn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sau khi có nhiều ý kiến cho rằng số ngày nghỉ quá dài trong khi đất nước còn nghèo, nên phương án hoán đổi ngày đi làm để kéo dài kỳ nghỉ Tết ít được áp dụng.
Đơn cử như Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngày đi làm đầu tiên của năm mới vào Thứ 6, sau đó tiếp tục nghỉ 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, thay vì chọn hoán đổi ngày đi làm vào Thứ 6 trên để người lao động có thể được nghỉ Tết 10 ngày liên tục; bộ đã chọn không hoán đổi (nên kỳ nghỉ Tết vừa qua chỉ nghỉ 7 ngày liên tục).
Với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chiếu theo quy định và thông lệ, trường hợp 1, nếu Chính phủ chọn phương án nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày năm mới, người lao động sẽ được nghỉ 7 ngày liên tục. Cụ thể, người lao động có thể được nghỉ từ Thứ 5 ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão tới hết Thứ 4 ngày mùng 5 Tết (tức từ ngày 8 - 14/2/2024). Người lao động sẽ đi làm trở lại từ Thứ 5, ngày mùng 6 Tết (tức ngày 15/2/2024).
Phương án này dễ nhận được đồng thuận, do có 2 ngày nghỉ năm cũ để người lao động về quê, sắm sửa Tết, giảm sức ép ùn tắc giao thông, số ngày nghỉ kéo dài 7 ngày liên tục không quá ngắn cũng không quá dài. Sau đó, người lao động đi làm lại 2 ngày của tuần đầu năm mới và tiếp tục nghỉ cuối tuần để trở lại nhịp làm việc quen thuộc.
Trường hợp 2, Chính phủ có thể chọn 1 ngày nghỉ trước Tết và 4 ngày năm mới, người lao động cũng nghỉ Tết 7 ngày liên tục, tức từ 30 tháng Chạp tới hết Thứ 5 ngày mùng 6 Tết, đi làm trở lại từ Thứ 6 ngày mùng 7 Tết. Với phương án này, còn có thể thực hiện hoán đổi ngày đi làm đầu tiên của năm mới (Thứ 6) để người lao động được nghỉ Tết 10 ngày liên tục.
Tuy nhiên, trường hợp 2 kể trên khó được thông qua, do chỉ có 1 ngày nghỉ năm cũ, tạo nhiều khó khăn cho người dân trong đi lại sắm sửa, về quê đón Tết. Trường hợp hoán đổi ngày đi làm để được nghỉ dài hơn thì số ngày nghỉ Tết kéo dài 10 ngày liên tục cũng khó nhận được đồng thuận của nhiều người cho rằng đất nước còn nghèo, không nên nghỉ quá dài.
Cuối năm 2022, khi góp ý về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023, đã có một số bộ ngành, chuyên gia đề xuất phương án nghỉ Tết kéo dài 9 ngày liên tục. Với lý do, bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi, người lao động cần được nghỉ nhiều hơn để tái tạo sức lao động, có thêm thời gian bên gia đình khi sức ép công việc ngày càng lớn, thời gian cho gia đình ít đi. Trong khi đó, các cơ quan cần giải quyết công việc thường xuyên đều phải bố trí nhân sự trực để xử lý, như hải quan, thuế, vận tải... Tuy nhiên, phương án này sau đó đã không được lựa chọn.
Theo thông lệ, tháng 9 hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng phương án các ngày nghỉ lễ, Tết của năm tiếp theo để trình Chính phủ xem xét quyết định.