Năm 2007, Vũ Thị Thu cùng Thạch Hữu Tâm đã vượt qua bộ đôi VĐV của chủ nhà Thái Lan để giành huy chương vàng bi sắt đầu tiên của Việt Nam tại SEA Games. Đó là tấm huy chương đầy bất ngờ khi chính những vận động viên Thái Lan mãi về sau này còn không thể hiểu nổi vì sao họ có thể thua một cách chóng vánh như thế.
Chuẩn bị cho SEA Games 31, Vũ Thị Thu kỳ vọng câu chuyện của bản thân có thể tạo động lực để các VĐV tự tin tranh tài dù đối thủ có là ai đi nữa.
VĐV của Thái Lan sốc, bật khóc luôn, hai ba năm sau gặp vẫn còn né
Trong câu chuyện về những gì đã đạt được trong sự nghiệp vận động viên, Vũ Thị Thu tiết lộ từng giành huy chương bạc châu Á, huy chương đồng thế giới. Nhưng tấm huy chương vàng ở SEA Games 2007 khi vượt qua bộ đôi VĐV chủ nhà Thái Lan vẫn khiến Vũ Thị Thu nhớ nhất.
Năm 2004 khi mới 18 tuổi, chấn thương khi tập bóng chuyền khiến Vũ Thị Thu quyết định thử sức ở bộ môn mới là bi sắt. Chỉ một năm sau, cùng với đội tuyển bi sắt Việt Nam tham dự giải châu Á diễn ra ở Nhật Bản, Vũ Thị Thu giành huy chương đồng trong cuộc hành trình đến tấm huy chương vàng lịch sử.
Hai lần gặp nhau trước chung kết SEA Games 2007, Vũ Thị Thu đều không thể vượt qua đối thủ người Thái. Đầu tiên là thất bại đầy ấm ức tại giải châu Á tổ chức ở Thái Lan khi gặp các VĐV chủ nhà trong trận chung kết.
Vũ Thị Thu đến bây giờ vẫn chưa thể quên thất bại đầy ấm ức đó: "Chúng tôi thua người ta một cách ấm ức. Viên bi lăn qua dây dẫn tới tranh chấp nhau, người bảo lăn sang, người bảo chưa lăn sang nhưng toàn bộ khán giả, trọng tài trên sân đều là người Thái Lan. Lúc đấy mình bị ép, kiểu mình thua trong ức chế, không phục nên giữ cái ức chế đấy vào thi đấu (tại SEA Games – PV)".
Đến vòng loại SEA Games 2007, Vũ Thị Thu cùng đồng đội một lần nữa nếm trải cảm giác thất bại khi gặp lại cặp đôi VĐV người Thái. Nhưng chính hai lần thất bại cùng tâm lý ức chế dồn nén đã khiến cặp VĐV bi sắt Việt Nam "đánh phủ đầu" khiến cặp đôi VĐV Thái Lan thua nhanh chóng.
Nhắc lại trận chung kết lịch sử đối với bi sắt Việt Nam, Vũ Thị Thu dùng từ "nhẹ nhàng kinh khủng" để mô tả về trận đấu với cặp VĐV của Thái Lan. Chủ nhân tấm HCV bi sắt SEA Games 2007 cho biết ngay khi vào trận, chiến thuật "đánh phủ đầu" đã phát huy tác dụng khi liên tục ăn điểm, có thời điểm dẫn trước đối phương đến 4 điểm.
Thông thường trong các trận đấu bi sắt, các VĐV sẽ ném bi theo lượt và chỉ giành giật nhau từng điểm cho đến khi một bên giành được 13 điểm trước là thắng. Nhưng Vũ Thị Thu cùng Thạch Hữu Tâm liên tục ăn điểm ngay từ khi mới khởi đầu, trong khi cặp VĐV Thái Lan có lẽ mang tâm lý chủ quan nên liên tục bị bỏ cách để rồi đến khi muốn gỡ lại đã không còn kịp.
Ánh mắt Vũ Thị Thu lóe lên sự tự hào khi nhớ lại khoảnh khắc ấy: "Chúng tôi thắng một cách cách biệt, thắng rất dễ dàng. Trận khó nhất, căng thẳng nhất là trận để vào chung kết đánh với Lào. Trận đấy rất là căng, hai bên cứ giằng co nhau từng điểm một rất lâu".
"Họ (VĐV Thái Lan - PV) sốc, khóc luôn ấy. Họ không nghĩ là họ thua. Đội Thái vào một cái là bị ngợp, mình đánh phủ đầu khiến họ thua đi nhanh chóng. Đến lúc tỉnh lại thì thấy thua rồi, họ ấm ức vì không hiểu sao lại thua trận đấy. Cái bạn thi đấu với mình mấy năm sau sang, hay tôi đi tập huấn nhìn mặt còn thấy ghét, không chấp nhận được là thua".
Nhắc đến đây, Vũ Thị Thu cười rất tươi bởi sau trận chung kết đó, cả hai vẫn trở thành bạn bè nhưng phải mất một thời gian để VĐV của Thái Lan chấp nhận thất bại: "Thời điểm bây giờ, cả hai vẫn liên lạc trao đổi bình thường. Ở thời điểm sau đấy 2-3 năm liền, nhìn thấy mặt mình vẫn nhớ lại cảm giác bị thua. Không phải người ta ghét mình đâu mà người ta nhớ lại cảm giác bị thua, thấy tiếc nuối, thấy buồn nên cứ né mình".
"Không hiểu vì sao thua nên người ta buồn, ức chế, cảm giác không thể tả được. Họ thấy bản thân không kém, không phải không làm được mà tại sao lại thua".
Ngoài chuyên môn, một trong những vấn đề mà VĐV bi sắt Việt Nam phải vượt qua mỗi khi đối đầu với VĐV Thái Lan là yếu tố tâm lý. Gặp phải một đối thủ rất mạnh, có đẳng cấp thế giới, không ít trường hợp các VĐV bị tâm lý dẫn tới việc không thể phát huy trọn vẹn khả năng.
Vũ Thị Thu tiết lộ yếu tố lớn nhất để vượt qua vấn đề tâm lý khi đối diện với các VĐV bi sắt Thái Lan: "Như VĐV đội tuyển bây giờ, số các VĐV của Hà Nội đời đầu như chúng tôi được đấu với đội tuyển Thái Lan rất nhiều nên không có tâm lý sợ".
"Bởi khi tôi mặc áo đội tuyển Việt Nam, đeo cờ Việt Nam trên ngực đi thi đấu, tôi mang tâm thế là mình là Việt Nam, mình có lòng tự hào dân tộc, mình phải thể hiện cho mọi người biết người Việt Nam như thế này, VĐV Việt Nam như thế này, nên là tôi đánh không hề có tâm lý sợ các bạn Thái Lan. Bản thân thì tôi không sợ, mà với bất cứ đội nào cũng không sợ".
Chủ nhân tấm HCV SEA Games 2007 cho biết ngoài việc trau dồi về chuyên môn, việc biết tiếng Thái và kết bạn với những VĐV Thái Lan là cách để học hỏi từ họ để trau dồi cho bản thân.
Vũ Thị Thu đánh giá một khi đã biết, đã hiểu, VĐV sẽ không còn e dè khi gặp đối thủ nữa: "Một số VĐV không được đi tập huấn Thái Lan bao giờ, chỉ có cái giải như thế này mới được gặp người ta nên bị tâm lý, áp lực vì không hiểu được là Thái Lan như thế nào, cách tập, phong cách của người ta ra làm sao, người ta sẽ xử lý tình huống như thế nào. Chưa quen nên dẫn đến tâm lý và hay áp lực một chút. Nếu được tập với họ nhiều thì cái áp lực đấy bớt đi rất nhiều".
Gieo sầu cho người Thái và bật khóc trong bất lực
Giữa những chiến tích đáng tự hào ấy, Vũ Thị Thu cũng không phải siêu anh hùng bước ra từ trang truyện. Từng khiến nhiều đối thủ phải e ngại nhưng cô lại không thể chiến thắng được chính những đầu ngón tay của bản thân.
Khi đang ở thời điểm vẫn còn có thể mang về những thành tích, những tấm huy chương thì Vũ Thị Thu dần không còn cảm giác từ những đầu ngón tay: "Cái này bị từ trước đó khi tập bóng chuyền, cột sống bị chèn ép sang. Khi biết điều này, không điều khiển được thì rất bức xúc, tôi cũng cố gắng, cố gắng, cố gắng rất nhiều nhưng không làm được. Kể cả bây giờ chuyển sang công tác huấn luyện nhưng tôi vẫn tập để duy trì, mong muốn quay trở lại thi đấu trong một thời điểm nào đó".
"Nhưng ở thời điểm đấy rất buồn, tôi cũng tìm tòi, suy nghĩ, cũng khóc. Tại sao mình lại bị như thế này? Tôi tìm cách điều trị, đi châm cứu, dùng thuốc nhưng chỉ hỗ trợ còn giảm rất ít. Cái tay tôi không cảm giác được, phần cơ rồi đầu ngón tay không cảm nhận được. Bây giờ thì đỡ hơn rồi".
Nghe Vũ Thị Thu chia sẻ say mê về bi sắt, có cảm giác như nếu lấy lại được cảm giác đầu ngón tay như trước khi bị chấn thương, cô sẵn sàng tham dự SEA Games 31 nếu đủ điều kiện. Nhưng không thể trực tiếp thực hiện được điều đó, Vũ Thị Thu truyền lại tâm huyết, kinh nghiệm và lửa đam mê của mình cho những lớp VĐV kế cận với hy vọng một lần nữa khiến người Thái phải e ngại trên đấu trường SEA Games.
Điều éo le là chính chấn thương khiến Vũ Thị Thu không thể tiếp tục thi đấu lại là điều mang cô đến với bộ môn bi sắt. Chấn thương khi tập bóng chuyền khiến Vũ Thị Thu quyết định thử sức ở bộ môn bi sắt. Nhưng thời điểm đó, gia đình ngăn cản quyết liệt vì muốn con gái trở về học đại học.
Không được sự ủng hộ từ gia đình nhưng "máu" thể thao thôi thúc Vũ Thị Thu đi con đường của riêng mình. Nếu ngày ấy cô không kiên định thêm một chút, bi sắt Việt Nam có thể sẽ phải đợi thêm để có được tấm huy chương vàng đầu tiên ở SEA Games.
Vũ Thị Thu chia sẻ đã phải đấu tranh nội tâm rất nhiều để quyết định theo đuổi bộ môn bi sắt, để chứng minh con đường bản thân lựa chọn là đúng đắn: "Thời điểm đấy, bố mẹ rất muốn mình về và gần như là không muốn cho theo môn này đâu. Bóng chuyền là môn hoạt động rất nhanh, chuyển sang bên này là môn rất tĩnh, tự bản thân mình phải tĩnh lại, chậm lại, lắng lại để tìm đường đi tốt hơn".
Từ khi quyết định đi theo ngã rẽ mới, Vũ Thị Thu chỉ mất một năm để có lần đầu tiên đại diện cho đội tuyển bi sắt Việt Nam. Đó là giải châu Á tổ chức tại Nhật Bản năm 2005, tấm huy chương đồng giành được cùng các đồng đội tại giải đấu đó tiếp thêm niềm tin để Vũ Thị Thu bước tiếp con đường đã chọn.
Khi được hỏi rằng liệu đã bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ bi sắt để tìm hướng đi mới trong những ngày đầu mới chập chững bước vào con đường này, Vũ Thị Thu quả quyết: "Không! Trước khi vào thì tôi có suy nghĩ nhưng khi đã quyết định rồi, tôi không còn lăn tăn nữa. Tôi làm hết khả năng để được tốt nhất".
Tự thấy có lỗi nhưng… không thể khác được
Là chủ nhân của tấm HCV SEA Games đầu tiên cho bi sắt Việt Nam, không nhiều người biết Vũ Thị Thu còn là trọng tài duy nhất ở trong nước có bằng thế giới. Điều đó cũng khiến thời gian dành cho riêng bản thân ít đi.
Vũ Thị Thu lắng lại khi nhắc đến điều này: "Chắc là tại tôi dành quá nhiều thời gian cho bi sắt. Mọi mong muốn, suy nghĩ dồn vào đây nên nhiều khi tôi bị lãng quên đi cái phần tình cảm cá nhân. Cái đấy chắc lỗi do bản thân chưa cân bằng được công việc cũng như cuộc sống".
"Cũng có thời điểm tôi nghĩ là hơi có lỗi với bản thân, bình thường các bạn nữ có thời gian đi chăm sóc sắc đẹp, vui chơi, mua sắm nhưng mình thì suốt ngày ở trên sân. Ngủ dậy là ra sân tập, chiều tối mới về nhà quây quần gia đình một lúc rồi đi ngủ, lúc đấy mình cũng không muốn đi đâu vì quá mệt. Cũng bị trách vì sao không dành thời gian cho bản thân nhiều hơn".
Khi được hỏi về việc liệu đã bao giờ có ý định thay đổi nhịp cuộc sống hiện tại để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, Vũ Thị Thu bật cười rồi khẳng định thời điểm này chưa nghĩ đến. Lý do thật đơn giản, việc phải chia thời gian cho những chuyện khác ngoài bi sắt sẽ khiến công việc chuyên môn không còn được tốt nhất.
"Khi đã làm việc gì đấy, tôi theo chủ nghĩa hoàn hảo, làm hết khả năng để đạt được kết quả tốt nhất. Còn để nghĩ sang một việc khác nữa, chia thời gian thì thực sự quá khó. Xác định nghĩ đến 1 việc khác sẽ phải ngắt hẳn cái này, hoặc chấp nhận nó sẽ không được như mong muốn, sẽ bị xuống hơn, tôi không chịu được. Có lẽ đến thời điểm nào đó sẽ thay đổi nhưng không phải lúc này" - Vũ Thị Thu chia sẻ.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, Vũ Thị Thu kỳ vọng bi sắt sẽ được nhiều người biết đến hơn, trở thành một môn thể thao cộng đồng. Đơn cử như việc nhiều nước ở châu Âu đưa bi sắt vào các viện dưỡng lão để người cao tuổi thực hiện các bài tập bi lăn. Việc điều khiển các phần cơ ở tay cũng ảnh hưởng đến não bộ nhằm tăng sự tập trung.
Với người trẻ, Vũ Thị Thu cho rằng luyện tập bi sắt sẽ làm tăng sự kiên trì, tính cách cũng tĩnh lại. Đặc biệt, môn thể thao này không tốn nhiều thể lực, cũng như đầu tư không quá tốn kém. Một bộ bi sắt nếu chơi nghiệp dư có giá dao động từ 500.000 đến 2 triệu đồng có thể chơi từ ba cho đến năm năm.
Tạm gác chuyện tình cảm cá nhân sang một bên, Vũ Thị Thu hào hứng chia sẻ về những hoài bão trong việc phát triển bộ môn bi sắt tại Việt Nam. "Tôi muốn học được kiến thức của các nước, như ở Pháp có nền tảng lâu năm, rồi các bạn ở Thái Lan có nền tảng phát triển cực kỳ tốt".
"Như tôi biết hiện tại Thái Lan phát triển đến tất cả các tỉnh, thành lập 1 nhóm đi huấn luyện cho tất cả các trường học trên toàn quốc, đưa vào trong trường dạy, những VĐV đội tuyển đi dạy. Nếu tôi có cơ hội tham gia nhóm đấy, học hỏi từ người ta, có thể làm được thì quá tốt. Đấy là mong muốn của tôi".