Tài xế taxi Xanh SM bật mí: Chi phí vận hành siêu rẻ, cảm giác lái sướng, công nghệ hiện đại nhưng có 2 BẤT CẬP gây ức chế

Ứng Hà Chi, Theo Đời sống & Pháp luật 16:00 14/05/2024
Chia sẻ

Anh Tuấn Anh đã chia sẻ tất cả những trải nghiệm của bản thân khi lái xe điện VinFast.

Xanh SM là thương hiệu dịch vụ đặt xe điện thuần Việt đầu tiên tại Việt Nam, mang đến những trải nghiệm di chuyển khác biệt: dịch vụ taxi tiêu chuẩn Xanh SM Taxi, dịch vụ taxi cao cấp Xanh SM Luxury và dịch vụ di chuyển linh hoạt bằng xe máy điện Xanh SM Bike.

Dịch vụ của Xanh SM vận hành hoàn toàn bằng ô tô điện, xe máy điện VinFast, là thế hệ phương tiện không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường. Chính vì thế, đây là hình thức di chuyển đang được nhiều người quan tâm, khiến nhu cầu ứng tuyển vị trí tài xế Xanh SM tăng cao.

Mới đây, chủ kênh Youtube Xế Top Một đã chia sẻ tất cả những trải nghiệm của bản thân khi lái xe điện VinFast. Chủ kênh Youtube này là Vũ Tuấn Anh - SMC07. Anh Tuấn Anh chia sẻ, bản thân mỗi ngày chạy từ 100 - 200km, ngày nào cũng cần sạc pin, đi mọi kiểu đường khác nhau.

Tài xế taxi Xanh SM bật mí: Chi phí vận hành siêu rẻ, cảm giác lái sướng, công nghệ hiện đại nhưng có 2 BẤT CẬP gây ức chế - Ảnh 1.

Tài xế Vũ Tuấn Anh (Ảnh cắt từ video).

Ưu điện của xe điện VinFast

1. Chi phí vận hành và chi phí bảo dưỡng thấp

Tài xế Tuấn Anh bật mí, chi phí sạc pin và bảo dưỡng xe siêu rẻ. Về chi phí sạc pin, với 100km, xe tiêu tốn 15 số điện (Giá thương mại 3.355 VNĐ/số điện). Vì thế nếu bạn chạy 100km chỉ mất khoảng 50.000 VNĐ. Với VF5 thì chỉ mất 12 số điện/100km, tức là khoảng 40.000 VNĐ. Mức giá trên là giá thương mại, còn nếu tài xế tự sạc ở nhà hoặc dùng sạc mặt trời thì chi phí càng thấp hơn.

Chủ kênh Youtube Xế Top Một nhấn mạnh: "50.000 VNĐ cho 100km tương đương với con xe máy tốn 2l xăng. Gần đây, các xe điện VinFast bán ra trên thị trường đều có bán sạc từ 7 - 11kWh, tài xế được dùng sạc chính hãng nên đảm bảo an toàn, chi phí rẻ".

Chủ kênh cho biết, anh mới đi bảo dưỡng sau 12.000km (tương đương 1 năm) là hơn 900.000 VNĐ, gồm các hạng mục như: Thay lọc gió điều hoà, thêm nước mát vào động cơ.

"Thực ra đối với xe điện, chúng ta gần như không cần bảo dưỡng. Bởi xe điện chỉ có 2 động cơ hao mòn và không cần đổ dầu hay thay thế phụ tùng. Với các tài xế lái xe xăng, chi phí xăng, bảo dưỡng thường chiếm 25-30% doanh thu. Còn với xe điện, chi phí đó chỉ khoảng 7 - 10%. Điều này cải thiện công suất và lợi nhuận cho tài xế rất nhiều", anh Tuấn Anh cho biết.

2. Thái độ phục vụ và chính sách hậu mãi tốt

Anh Tuấn Anh nhớ về lần đi bảo dưỡng xe ở hãng, anh được phục vụ rất tốt, nhận được sự tôn trọng.

"Trong lúc ngồi chờ, tôi được phục vụ nước uống, chỗ ngồi và thái độ của họ rất tôn trọng. Tôi cảm thấy tôi chính là chủ xe, vào đây với tư cách là một khách hàng thực sự", anh nói.

3. Cảm giác lái tuyệt vời

Chủ kênh Youtube Xế Top Một hào hứng cho biết, nếu 10 người ngồi trên xe điện thì 9 người sẽ khen ngợi. Gia tốc của xe nhanh, không có sự "delay", điều này sẽ không có ở xe chạy xăng.

4. Ưu điểm về công nghệ (camera 360 và trợ lý ảo)

Trong quá trình phục vụ khách hàng, nhiều khách cảm thấy bất ngờ khi xe có camera 360, giúp vào điểm đỗ tốt hơn, tránh va quệt. Thứ hai, thiết bị đem đến nhiều niềm vui khác, giúp tâm lý thoải mái, hạnh phúc khi sử dụng công nghệ hiện đại.

Tài xế taxi Xanh SM bật mí: Chi phí vận hành siêu rẻ, cảm giác lái sướng, công nghệ hiện đại nhưng có 2 BẤT CẬP gây ức chế - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Nhược điểm của xe điện VinFast

1. Số km chạy cho 1 lần sạc chưa cao

Hiện tại chiếc xe của anh chỉ chạy khoảng 285km là phải sạc pin. Tuy nhiên đây là công suất về mặt lý thuyết, còn công suất thực tế có độ chênh lệch nhất định. Với quãng đường 285km chưa đủ để đi xa.

Anh Tuấn Anh bày tỏ: "Nếu xe đi về các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên,... thì không có vấn đề. Nhưng nếu khách muốn đặt xe tới về Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng phải nghĩ ngợi. Tài xế sẽ mất thêm thời gian tìm trạm sạc và sạc giữa đường.

Giá như xe điện mai sau chạy được khoảng 500km mới phải sạc thì là điều tuyệt vời. Như vậy, sau khoảng 3 ngày, tài xế mới phải sạc điện".

2. Không được ưu tiên ở trạm sạc

Anh Tuấn Anh cho biết, tại trạm sạc, tài xế không được ưu tiên. Do sử dụng xe nhiều nên nhu cầu sạc cao so với khách hàng bình thường. Hãng vẫn đang ưu tiên sạc cho những khách hàng thực sự - người sở hữu xe, không phải tài xế. Và anh cảm thấy không thoải mái vì điều này.

"Đó là nhược điểm, là một chút 'nỗi đau' đối với tài xế", tài xế bày tỏ.

Cuối video, chủ kênh Youtube Xế Top Một còn so sánh vui giữa xe ôm công nghệ và Xanh SM Taxi. Chi phí đầu tư và vận hành của 2 hình thức này gần như bằng nhau.

Anh Tuấn Anh hóm hỉnh chia sẻ: "Thử tưởng tượng nếu bạn đang có 20 triệu đồng và đang muốn tìm công việc là tài xế với 2 phương án. Nếu bạn mua 1 chiếc xe máy cũ 20 triệu đồng để chạy xe ôm công nghệ, mỗi tháng có thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Phương án 2 là bạn đi thi bằng B2 với chi phí khoảng 17 - 18 triệu đồng, sau đó cọc tiền chạy Xanh SM Taxi 2 triệu đồng cùng 1 triệu đồng tiền giấy tờ thủ tục .

Đây là so sánh thoạt nhìn có vẻ khập khiễng nhưng là góc nhìn khá thú vị, tuỳ vào lựa chọn của mỗi người".

Nguồn: Youtube Xế Top Một

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày