Tại sao Spider-Man là “con bò sữa” của Hollywood?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 21/06/2017

Mặc cho bao nhiêu phim về Spider-Man đi chăng nữa, thì dường như Hollywood chưa bao giờ hết hứng thú với nhân vật này.

Tháng Bảy này, khán giả lại được chứng kiến Người Nhện tái xuất, lần thứ 6 trong vòng 15 năm trở lại đây, với thế hệ diễn viên thứ ba. Spider-Man: Homecoming, với ngôi sao trẻ Tom Holland đảm nhiệm vai chính có lẽ đã chạm đến điểm bão hòa của dòng phim siêu anh hùng (hay đó là The Amazing Spider-Man năm 2012 nhỉ?). Thế nhưng Sony thì vẫn có những lí do to đùng để tiếp tục làm phim về một thiếu niên bị nhện cắn rồi treo ngược trần nhà với câu slogan to đùng: "Sức mạnh lắm thì rách việc nhiều".

Người Nhện đầu tiên xuất hiện năm 1962 khi Stan Lee và Steve Ditko bỏ nhỏ với nhau về việc xây dựng một thiếu niên dũng cảm cỡ Lê Văn Tám trở thành nhân vật chính mà không phải làm phụ tá cho các cô chú siêu anh hùng người lớn nữa.

Thế là Peter Parker ra đời. Không giàu nứt vách như Iron Man hay thần thánh cỡ Thor, Peter là cậu nhóc mồ côi còn đang cắp cặp tới trường, vật lộn với bài vở, chuyện dậy thì, sở thích tẩn bọn người xấu và sức mạnh khổng lồ sau cú cắn của một con nhện.

Tại sao Spider-Man là “con bò sữa”  của Hollywood? - Ảnh 1.

Chính sự phát triển về thể chất lẫn tâm lý từ một thiếu niên nhút nhát, lúng túng thành một siêu anh hùng siêu phàm phá nhà phá cửa (để tiêu diệt người xấu) là công thức "vàng" điển hình cho một bộ phim ăn khách trên màn bạc.

Ba phần phim Người Nhện đầu được ra đời những năm 2000 đã đặt ra một tiêu chuẩn tương đối cao cho các phim siêu anh hùng sau này. Giờ đây, cái bắt tay (miễn cưỡng) hiếm hoi giữa hai studio lớn là Marvel và Sony sẽ mở ra một khởi đầu mới cho một trong những nhân vật truyện tranh quen thuộc nhất màn ảnh này.

Người Nhện không bao giờ là đủ

Tại sao Spider-Man là “con bò sữa”  của Hollywood? - Ảnh 2.

Năm 1999, mùa phim hè không bói đâu ra được một phim siêu anh hùng (này nhé, tốp doanh thu năm đó là các phim như Star Wars, The Sixth Sense, The Matrix và sequel của Austin Powers). Marvel thì khánh kiệt tới mức phải bán tống bán tháo những đứa con giá trị nhất như Spider-Man, X-Men hay Fantastic Four.

Kết quả thì ai cũng biết. Fox bành trướng X-Men thành hẳn một loạt phim mà đến giờ thì chúng "đập nhau chan chát" về tuyến thời gian. Fantastic Four cũng của Fox…à mà thôi không nhắc tới nữa. Sony thì đón em Nhện về dinh, ăn nên làm ra với khởi đầu là ba phim có Tobey Maguire tham gia.

Tại sao Spider-Man là “con bò sữa”  của Hollywood? - Ảnh 3.

Thế rồi sau đó Marvel "hồi sinh" với Iron Man năm 2008 và dần trở thành một thế lực tại Hollywood. Các studio khác cũng bắt đầu ăn theo chiến lược của Marvel, hơi buồn là trong tay Sony chỉ có Người Nhện.

Lý luận rằng James Bond làm được thì mình cũng làm được – Sony quyết định khởi động lại thế giới của Spidey bằng cách phệt lên trước cái tên Người Nhện tính từ Siêu Đẳng (Amazing) với Andrew Garfield và Emma Stone. Thay vì Mary Jane, Stone vào vai Gwen Stacey, người tình trước đó của Người Nhện.

Tại sao Spider-Man là “con bò sữa”  của Hollywood? - Ảnh 4.

Số phận của hai phần Spidey này lại không được "siêu đẳng" cho lắm. Sau phần một tương đối gây được tiếng vang, phần hai của Amazing Spider-Man năm 2014 đã bị lu mờ bởi thành tích của Guardians of the Galaxy nhà Marvel ra mắt sau đó chỉ 3 tháng. Đó cũng là phần phim có lợi nhuận kém nhất của Sony từ trước tới giờ.

Lần này Disney sẽ "ra tay"

Sau khi "bán con bán chó", Marvel vật lộn với dàn nhân vật hạng B còn lại trong tay. Họ thành công bất ngờ với Iron Man, và Disney nhanh tay nhanh mắt mua đứt Marvel rồi xây nên thứ mà chúng ta gọi là Vũ trụ điện ảnh Marvel ngày nay với những Thor, Captain America, Guardians of the Galaxy và các siêu anh hùng khác. Thế nhưng với người hâm mộ, vẫn còn một khoảng trống trong nhóm Avengers chờ được lấp đầy mang tên Người Nhện.

Tại sao Spider-Man là “con bò sữa”  của Hollywood? - Ảnh 5.

Chủ tịch của Marvel Kevin Feige từ lâu đã nhắm mang em Nhện về nhà, còn Sony sau nỗi buồn mang tên Nhện Siêu Đẳng thì cần đảm bảo một thành công về mặt thương mại để khỏi thua chị kém em trong cuộc đua bạc tiền giữa các studio lớn. Chuyện sau đó xảy ra như mơ: Sony và Marvel hợp tác để tạo ra một cuộc trở lại cho Người Nhện.

Vấn đề được giải quyết như sau: Spidey sẽ đóng vai phụ trong các phim của Marvel như Captain America: Civil War và sắp tới là Avengers: Infinity War. Disney sẽ hợp tác với Sony để làm các phần ngoại truyện về Người Nhện. Kết quả tới lúc này là khá mĩ mãn: cứ nhìn cách người hâm mộ như mê sảng chia sẻ đoạn video có phần cameo của Người Nhện trong Civil War mà xem.

Chúng ta sẽ không phải xem lại đoạn "chú Ben" đẫm máu

Nhà sản xuất của Spider-Man: Homecoming đã khôn khéo xây dựng câu chuyện của Peter Parker để khán giả không phải xem lại bi kịch của nhân vật: thứ chúng ta đã thấy hai lần rồi.

Tại sao Spider-Man là “con bò sữa”  của Hollywood? - Ảnh 6.

Bộ phim lần này sẽ tập trung vào việc làm thế nào Spider-Man có thể cân bằng giữa cuộc sống trường lớp và trách nhiệm của một siêu anh hùng. Tom Holland 21 tuổi cũng trẻ hơn rất nhiều so với hai đàn anh trước đó: Tobey Maguire 27 tuổi khi lần đầu vào vai Người Nhện còn Andrew Garfield đã gần đầu ba (29 tuổi).

Một vũ trụ đang chờ đợi

Số lượng truyện tranh về Người Nhện được xuất bản lớn tới mức chắc chắn sẽ không thiếu nguồn để làm các phần phim ngoại truyện. Nhiều dự án đã được bật đèn xanh, chẳng hạn như Venom có Tom Hardy thủ vai hay phim về hai nữ nhân vật Silver Sable và Black Cat.

Người dùng mạng thậm chí còn kêu gọi nam ca sĩ nổi tiếng Donald Glover (Childish Gambino) làm phim riêng dù còn chưa biết vai của anh trong Homecoming là gì.

Mặc cho nhiều nghi ngờ về việc "bội thực" Người Nhện, thì phòng vé đã chứng minh khán giả vẫn điêu đứng với những anh hùng như James Bond, Batman, Han Solo mặc cho bao lần họ xuất hiện trên màn ảnh đi chăng nữa. Có lẽ lần này Người Nhện sẽ không phải là ngoại lệ chăng?