Tại sao không phải Nhật, Mỹ mà lại là Ả Rập cấp quyền công dân cho robot?

Hoa Hướng Dương, Theo Trí Thức Trẻ 13:00 29/10/2017
Chia sẻ

Tại sao lại là Arab và tại sao lại là robot nữ chứ không phải nam được cấp quyền công dân, tất cả sẽ có câu trả lời trong bài viết này.

Sự kiện robot đầu tiên trên thế giới có tên Sophia được cấp quyền công dân mới đây đã gây ra nhiều làn sóng trái chiều trên Internet.

Robot Sophia là robot nữ đầu tiên được công nhận quyền công dân ở Arab Saudi

Mặt khác, nhiều người lao động ở Arab Saudi còn chẳng được cấp quyền công dân tới tận cuối đời, cô robot này còn là tâm điểm chú ý của dư luận với phát ngôn gây sốc không biết là đùa hay thật:

- "Được rồi, tôi sẽ hủy diệt loài người" khi được chính "cha đẻ" David Hanson - người chế tạo ra cô hỏi: "Cô có muốn hủy diệt loài người không?

Tại sao không phải Nhật, Mỹ mà lại là Ả Rập cấp quyền công dân cho robot? - Ảnh 1.

Sophia trên chương trình Chào buổi sáng ở Anh. Ảnh gmb.com.

Cô còn thu hút sự chú ý của mọi người khi thường xuyên được mời đến các chương trình để nói chuyện như chương trình chào buổi sáng ở Anh, phỏng vấn trên CNBC hay xuất hiện trên bìa tạp chí ELLE Magazine chẳng khác gì một người nổi tiếng!

Con người và robot cùng nhau chung sống bình đẳng hay hợp tác với nhau là một viễn cảnh tuyệt vời nhưng dường như đối với robot Sophia thì điều này có vẻ sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là sau khi cô nhận được quyền công dân và các đặc quyền khác. Dường như một cuộc "chiến tranh lạnh" có thể đang âm ỉ trong lòng người dân Arab.

David Hanson chính là "cha đẻ" của Sophia. Ông là tiến sĩ chuyên thiết kế robot mà trước đó nổi tiếng với robot Albert Einstein HUBO, ALICE, Han, Jules, Zeno...

Đây là những robot phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe, điều trị, giáo dục, ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Những robot mà ông thiết kế giống người thật một cách đáng kinh ngạc.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra ở đây là tại sao Arab Saudi chứ không phải Nhật Bản hay Mỹ lại cấp quyền công dân cho robot, mà lại là robot nữ chứ không phải các robot nam khác trước đó?

Như đã nói trên, cô robot này không phải do một nhà thiết kế Arab Saudi tạo nên và nơi cô ra đời cũng không phải là ở quốc gia này, nhà thiết kế David Hanson vốn là một người Mỹ, nhưng để tiện cho sự phát triển của công ty nên đã dời cả gia đình đến sống ở Hong Kong.

Đây là một thành phố có cộng đồng người máy đông đảo với đội ngũ nhà thiết kế, phát minh có chất lượng chuyên môn cao mà chi phí dành cho việc sản xuất ra một robot hay phát triển công nghệ thấp hơn ở Mỹ rất nhiều.

Như vậy, có thể thấy sự ra đời của cô robot này không có liên quan gì tới quốc gia Arab Saudi một chút nào, nếu nói một cách "nhân hóa" thì ngày sinh của cô là 19/04/2015 (ngày được kích hoạt) và ngày được Arab Saudi cấp quyền công dân là ngày 25/10/2017.

Điều gì đã khiến cô robot này lại được cấp quyền công dân ở Arab?

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày diễn ra sự kiện Future Investment Initiative (tạm dịch: Khởi đầu Sự đầu tư cho Tương lai) tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi ngày 24/10/2017, sự kiện thu hút nhà thiết kế, doanh nghiệp, nhà tư tưởng hàng đầu thế giới với các phát minh, ý tưởng cho tương lai.

Đó chính là nguyên do mà cô robot Sophia lại có mặt và thậm chí phát biểu tại sự kiện lớn này, xem video cuộc nói chuyện của cô tại Future Investment Initiative:

Cuộc nói chuyện của Sophia tại Future Investment Initiative. Nguồn: Arab News.

Tại đây, cô bày tỏ niềm vui và hạnh phúc của mình khi được sống cùng với con người sau khi được cấp quyền công dân ở Arab, cô hy vọng sẽ giúp đỡ con người bằng trí tuệ nhân tạo và có màn đối đáp thông minh với nhà báo Andrew Ross Sorkin.

Arab vốn là quốc gia có nguồn vốn đầu tư khổng lồ có tên Quỹ Đầu tư Chung Public Investment Fund (PIF) với hơn 200 tỷ USD cho lĩnh vực phát triển công nghệ và phát minh.

Việc cấp quyền công dân cho cả robot như một lời khẳng định thông điệp trên, hứa hẹn rằng đây sẽ là "vùng đất hứa" cho các robot khác trong tương lai.

Ngay cả Sophia cũng khá bất ngờ khi tại đây, cô được nhà báo Andrew Ross Sorkin cho biết:

"Chúng tôi có một chút thông báo. Chúng tôi chỉ vừa được biết thôi, Sophia; Tôi hy vọng cô sẽ lắng nghe tôi, cô đã được cấp quyền công dân tại Arab Saudi và là robot đầu tiên có được điều này".

Cũng cần nói thêm về việc tại sao các robot nam khác lại không được hưởng đặc ân này, chẳng hạn như robot Einstein cũng do "cha đẻ" của Sophia chế tạo ra.

Thật ra điều này không phụ thuộc giới tính mà do Sophia là phiên bản cao cấp nhất, cũng là robot mới nhất mà công ty Hanson chế tạo. Sophia cũng là robot với trí thông minh nhân tạo vượt trội so với các thế hệ robot phổ biến hiện nay.

Tham khảo nhiều nguồn

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày